TTO - Chúng ta mang nỗi sợ thời đại FOMO (Fear of Missing Out) - hội chứng sợ bị quên lãng - và gần như lúc nào cũng phập phồng lo lắng "ngoài kia có thể có những thứ tốt hơn, vui hơn mình chưa làm, có những con người thông minh hơn, tài năng hơn, xinh đẹp hơn, trẻ trung hơn mà mình chưa được gặp".

Facebooker hẳn còn nhớ mẩu tin sốt dẻo cuối năm 2014 làm cộng đồng ngỡ ngàng: ông Mohamed El- Erian, một tỉ phú người Mỹ gốc Ai Cập, trưởng cố vấn hội đồng Phát triển thế giới của tổng thống Obama, 1 trong 100 nhà tư tưởng hàng đầu của năm 2014 , CEO của công ty trị giá tỉ đô PIMCO, tuyên bố từ chức, nghỉ việc hoàn toàn để ở nhà chăm sóc cô con gái 10 tuổi của ông.

Lá thư từ chức của ông được công bố buổi sáng, chỉ vài giờ sau cuộc "đụng độ" quyết liệt giữa hai cha con tối hôm trước, trong một bối cảnh quen thuộc của gia đình có con nhỏ: ông bố hét lên gọi con gái đi đánh răng, cô không chịu, phản ứng dữ dội và khi ông bố vừa giở chiêu bài "Bố là bố con, bố nói là con phải nghe!", cô nhỏ giơ bàn tay nhỏ xíu lên môi ra hiệu "Bố đừng nói gì hết, bố đợi con một tí" rồi chạy vào phòng đưa ra một danh sách viết bằng bút chì sáp dài thậm thượt, kể không thiếu điểm nào trong 22 sự kiện quan trọng trong đời cô bé mà bố cô... không có mặt, từ những buổi sinh nhật của cô (bất kể to nhỏ), sự kiện trong trường, buổi biểu diễn âm nhạc, triển lãm nghệ thuật, thánh lễ Krishna quan trọng...

Ông bố xem xong danh sách, choáng váng ngồi thụp xuống đất, ôm cô con gái nhỏ vào lòng. Và kết quả là... như bạn đã biết.

Hãy sống hạnh phúc, đừng lo sợ bị lãng quên - Ảnh 1.

Bất kỳ ai học qua môn kinh tế học cơ bản đều đã từng nghe đến một khái niệm "chi phí cơ hội" luôn đi liền với quan niệm "trên đời, không có bữa ăn nào là miễn phí". "Chi phí cơ hội" giải thích rằng tất cả hành động chúng ta làm trên cõi đời này đều phải trả một cái giá nào đó, dù là trực tiếp hay gián tiếp, to hay nhỏ, cũng như khi được mời một bữa ăn - bất kể ngon hay dở - và không tốn xu teng nào, bạn cũng phải mất thời gian (đi ăn), và vì hành động "đi ăn" này mà lỡ mất cơ hội thực hiện những điều có lợi khác.

Hãy sống hạnh phúc, đừng lo sợ bị lãng quên - Ảnh 2.

Thời đại kim tiền, xã hội loài người đang vận hành trong tư tưởng "có tiền, có tất cả". Mỗi ngày, một tiếng đồng hồ làm thêm giờ, một tiếng đồng hồ ngủ trễ hơn/dậy sớm hơn, một tiếng đồng hồ ghé thăm khách hàng đã có thể đem về cho ta một nguồn lợi lớn.

Trên báo chí, trên mạng xã hội, chúng ta liên tục tôn vinh những người biết cách làm giàu vì khả năng đặc biệt của họ, vì năng lực làm những thứ "xuất chúng khác người" của họ, nhưng không bao giờ chúng ta nghĩ đến "chi phí cơ hội" khổng lồ gắn liền với những thứ được xem là "xuất chúng" ấy.

Ai cũng khen Bill Gates lỗi lạc, là một mạnh thường quân nhân ái rộng rãi nhưng ít ai biết ông đã phải biến văn phòng thành giường ngủ và đã trải qua cả nghìn đêm không ngon giấc nửa tỉnh nửa mê vật vã trong văn phòng.

Steve Jobs còn bi đát hơn, con gái ông hiếm khi nào trông thấy mặt bố. Brad Pitt thú nhận anh bị trầm uất nặng vì mỗi khi ra khỏi nhà là bị đám paparazzi đuổi theo săn ảnh, bởi cái giá trả cho sự nổi tiếng quá khủng khiếp.

Còn trong đời thường bạn cũng thấy rồi đấy: Bác sĩ lương cao được mọi người trọng vọng, ngưỡng mộ là cả một quá trình sau gần 10 năm nhọc nhằn học, thi, thực tập, lại thi, lại học, chiến đấu gian khổ được nhận vào các bệnh viện chỉ để có một chân bác sĩ tập sự.

Các vị đầu óc kinh doanh giỏi, gọi nôm na là dân làm ăn thời đại, muốn đầu cơ đất đai, căn hộ chung cư, nhà hàng, khách sạn, resort để mau chóng thành  đại gia thì ngày nào cũng trăm công nghìn việc, "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" kiểu mới, thế hệ F3 ở nhà đành khoán cả cho thế hệ F1 hay người giúp việc.

Hãy sống hạnh phúc, đừng lo sợ bị lãng quên - Ảnh 3.

Nhưng đây mới là cốt lõi của vấn đề: xã hội hiện đại mang đến cho loài người chúng ta quá nhiều cơ hội, và cùng với những cơ hội đó là cấp số nhân các "chi phí cơ hội" đi kèm. Chúng ta loay hoay như gà mắc tóc vì càng ngày càng phải mất nhiều năng lượng hơn, mất thời gian hơn, tốn kém nhiều hơn để gắn kết với thứ chúng ta muốn, bởi ngoài kia có quá nhiều "cám dỗ" (chi phí cơ hội) vẫy gọi.

Chúng ta mang nỗi sợ thời đại FOMO (Fear of Missing Out) - hội chứng sợ bị quên lãng - và gần như lúc nào cũng phập phồng lo lắng "ngoài kia có thể có những thứ tốt hơn, vui hơn mình chưa làm, có những con người thông minh hơn, tài năng hơn, xinh đẹp hơn, trẻ trung hơn mà mình chưa được gặp".

Hãy sống hạnh phúc, đừng lo sợ bị lãng quên - Ảnh 4.

200 năm trước, loài người chúng ta đã ra sao? Xưa kia chúng ta hoàn toàn không có nhiều cơ hội như hiện nay! Bạn thử nghĩ xem, xã hội trước đây phân hoá tầng lớp giai cấp rõ rệt, ai làm việc nấy, bác nông dân chỉ quanh năm chuyên chú nước phân cần giống. Bác thợ mộc cả đời chỉ biết mua gỗ, chọn gỗ, rồi đục bào cưa đẽo. Cần cù lao động chẳng nhìn ngó gì ai - sau một thời gian, voila, ra thành phẩm.

Chẳng có cơ hội nào khác để họ phải lo sợ bị lãng quên, cũng chẳng có cơ may nào để họ có thể "tơ tưởng" thành một cái gì khác hơn vai trò, vị trí họ đang làm, chỉ có một con đường duy nhất là tập trung toàn bộ tâm trí sức lực của họ vào sự nghiệp duy nhất của họ với tiêu chí "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh."

Họ vui vẻ sống, chẳng sợ mất các cơ hội hấp dẫn vì chẳng có cơ hội hấp dẫn nào đợi họ cả.

Nếu bạn như tôi, làm việc trong một văn phòng của một công ty đa quốc gia, hàng ngày phải liên lạc với các đối tác đồng nghiệp ở cả chục nước, họp hành liên tục, báo cáo luôn suýt trễ hạn chót  thì chắc chắn câu hỏi thường trực trong đầu bạn sẽ là "Làm thế nào để đạt cân bằng giữa công việc và cuộc sống?".

Có thể nào mình vừa là ngôi sao tỏa sáng trong công ty, về nhà lại chu tất toàn bộ việc nhà, hàng ngày đều đi tập gym một tiếng đồng hồ để sở hữu cơ thể như người mẫu, mà lại có thêm những thú vui cá nhân lành mạnh, bổ ích?

Thật ra là loài người chúng ta chưa thay đổi, ít nhất là 200 năm qua cũng không thay đổi gì to tát về mặt sinh học và tiến hoá. Có chăng là mỗi ngày mở mắt thức dậy, chúng ta đang được ban cho quá nhiều cái mới mẻ: thú vui mới, cơ hội làm việc mới, cơ hội ăn chơi mới, thậm chí cả nhận thức mới rằng có thể chúng ta đang bỏ lỡ những cơ hội sống khác.

Rồi mạng xã hội, cách chúng ta "liên kết" với nhau còn làm chúng ta "nhức đầu đau khổ" hơn khi mỗi ngày, cứ mở Facebook, Twitter, Instagram lên là ta có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn status của bạn bè, người quen, đồng nghiệp, kể cả những nhân vật nổi tiếng mà ta đăng ký "theo dõi", phô trương cho chúng ta thấy rằng, trong lúc chúng ta đang lo làm việc trong tòa nhà xám xịt đáng chán, ngoài kia họ đang đi châu Âu ngắm lá vàng lá đỏ, có người vừa mới tậu một chiếc túi hiệu LV đắt tiền, có người đang ăn uống ê hề như vương tôn công tử và em họ ta vừa mới tậu một quả táo iPhone X cho nó và đồng hồ Apple siêu thông minh dây da giá 1.100 đô la cho vợ nó.

Hãy sống hạnh phúc, đừng lo sợ bị lãng quên - Ảnh 5.
Hãy sống hạnh phúc, đừng lo sợ bị lãng quên - Ảnh 6.

Câu trả lời mà bạn nghe hàng ngày và nhan nhản trên khắp các phương tiện truyền thông trên thế giới, trên cả những seminar dạy làm giàu là "làm nhanh hơn", hay là "quản lý thời gian hiệu quả hơn", thậm chí là "ngủ… nhanh hơn" như Arnold Schwarzenegger từng nói.

El-Erian từng viết trên Facebook rằng ông đã mất mấy năm trời để tìm lý do ông luôn không có mặt bên con gái mình trong những ngày trọng đại của bé. Ông bận, ông đi công tác nhiều quá, luôn luôn có việc khẩn cấp cần ông phải có mặt để xử lý. 

Nhưng ông nói, những lý do ông đưa ra chỉ đem lại cảm giác ngụy biện, tự cho mình là nạn nhân của cuộc sống bận bịu, là những lời xin lỗi đã được nhai đi nhai lại đến mức nhàm chán.

"Tôi có hàng nghìn thứ muốn làm, nhưng chẳng có thời gian đủ để thực hiện" - đây chính là ví dụ điển hình của sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc chứ gì nữa.

Nhưng tôi nghĩ, câu trả lời để mở cánh cửa bí mật, tương đương câu thần chú "vừng ơi mở cửa ra" có thể hoàn toàn làm chúng ta bất ngờ.

Tại sao cứ là "thêm vào", mà không phải là "bớt đi"?


Hãy sống hạnh phúc, đừng lo sợ bị lãng quên - Ảnh 7.

a/ Tại sao chúng ta không chấp nhận loài người chúng ta là sinh vật-có-giới hạn, chỉ có thể ở một nơi, tập trung vào một thứ, tại một thời điểm nhất định?

b/ Tại sao chúng ta không thừa nhận với nhau sự thật trần trụi này của cuộc đời, rồi sắp xếp đời mình theo thứ tự nhất - nhì - ba - tư những điều mình cho rằng quan trọng nhất? "Gia đình, sự nghiệp, bạn bè, bản thân" hay "tình yêu, sức khỏe, công việc" hay bất kỳ một thứ tự nào đó của những giá trị khác do ta chọn?

c/ Tại sao chúng ta không thể nói đơn giản rằng "Điều mà tôi sắp làm chính là điều tôi đã lựa chọn. Nó quan trọng hơn mọi thứ ngoài kia"?

d/ Sau khi đã chọn rồi thì "bình tĩnh sống" với nó?

Và nếu sáng mai thức dậy, bạn làm được tất cả a/b/c/d kể trên, bạn đã chế ngự được hội chứng lo sợ bị lãng quên rồi đấy. Xin thành thật chúc mừng bạn!

Hãy sống hạnh phúc, đừng lo sợ bị lãng quên - Ảnh 8.

LÂM VÂN AN
HỒNG PHÚC
KIỀU NHI
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp