24/06/2017 10:15 GMT+7

Hãy học cách cứu người

BENJAMIN P. MAWDSLEY, THÁI THẢO (chuyển ngữ)
BENJAMIN P. MAWDSLEY, THÁI THẢO (chuyển ngữ)

TTO - Chia sẻ câu chuyện giúp đỡ kịp thời cho một người bị nạn, ông Benjamin P. Mawdsley (người Canada, dạy tiếng Anh tại Việt Nam) cho rằng người Việt cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc học các bước sơ cứu cơ bản khi gặp tai nạn.

Diễn tập sơ cứu tai nạn giao thông xảy ra trên đường - Ảnh: Thanh Đạm
Diễn tập sơ cứu tai nạn giao thông xảy ra trên đường - Ảnh: Thanh Đạm

Hy vọng lớn nhất của tôi là mọi người bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc đến việc tham gia một khóa học sơ cứu.

Có thể chính nhờ những buổi thực hành của khóa học này, lần sau nếu bắt gặp một vụ tai nạn, bạn sẽ không ngần ngại dừng lại và hỗ trợ kịp thời cho người đang cần sự giúp đỡ.

Benjamin P. Mawdsley

Ở Việt Nam, nếu có một điểm chung mà nhiều người từng trải qua thì có lẽ chính là việc đã chứng kiến hoặc có liên quan đến một vụ tai nạn giao thông.

Đứng trước một sự việc không may như vậy, lẽ nào một người có thể đứng yên và nhìn tình hình trở nên tồi tệ hơn?

Làm ơn cứu em tôi…

Đúng một năm trước đây, tôi và một người bạn đã chứng kiến một tai nạn xe máy. Hai người phụ nữ trẻ đang đứng ở ngay góc đường Pasteur và Điện Biên Phủ (TP.HCM) thì bị một chiếc xe hơi vượt đèn đỏ va vào và hất tung.

Cảnh tượng đầu tiên tôi thấy là một cô gái bị gãy chân trái, cánh tay trái và vẫn đang bị sốc sau cú va chạm. May mắn thay, cô ấy vẫn tỉnh táo và nói bằng tiếng Anh với tôi: “Em họ của tôi... Làm ơn hãy cứu nó”.

Tôi chạy đến người em họ của cô gái. Cô ấy đã bị văng đi khoảng 6m, người đầy máu, co giật vì không thở được và đang trở nên rất yếu, tưởng chừng có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Nhờ được học khóa huấn luyện về các bước sơ cứu cơ bản, tôi biết được rằng tim người có thể ngừng đập trong vòng bốn phút sau khi họ ngừng thở.

Tôi ngay lập tức điều chỉnh lại phần đầu của cô ấy và tiến hành hô hấp nhân tạo kết hợp ấn ngực để giúp lưu thông đường thở. Cô gái rõ ràng đã bị nghẹt thở do máu đang chảy ra.

Vào lúc ấy, không một ai gọi xe cứu thương. Vì vậy, ngay khi cô ấy bắt đầu thở lại, tôi nhấc cô ấy lên, nhảy vào một chiếc taxi và hét lên: “Tới bệnh viện!”.

10 phút của chuyến đi taxi ấy tưởng chừng như là lần đi taxi lâu nhất trong cuộc đời tôi. Khi đến bệnh viện, cô gái nhanh chóng được đưa vào phòng cấp cứu.

Tình hình lúc đó rất nguy cấp bởi vì các bác sĩ không chắc chắn được rằng cô gái có thể qua khỏi. Sau đó, tôi được yêu cầu phải ra khỏi khu vực cấp cứu.

Trước khi rời đi, tôi hỏi tên của cô gái tôi đã đưa vào bệnh viện qua người chị họ và biết cô là Triệu Thị Thu Hiền.

Những ngày sau đó, tôi gọi cho người chị họ cô ấy thì được biết cô ấy đã chuyển viện và đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM). Sau một thời gian, tôi được thông báo rằng Hiền có thể vượt qua được. Thật là điều đáng mừng.

Ông Benjamin P. Mawdsley và cô Triệu Thị Thu Hiền - Ảnh: NVCC
Ông Benjamin P. Mawdsley và cô Triệu Thị Thu Hiền - Ảnh: NVCC

Rời nhà là mang theo bộ dụng cụ sơ cứu

Những vụ tai nạn như của Hiền xảy ra mỗi ngày trên khắp các đường phố Việt Nam. Thật không may, hầu hết mọi người không biết phải làm thế nào để phản ứng kịp thời với những sự cố tai nạn, hoặc có lẽ họ quá sợ hãi để đối diện chúng.

Vì vậy, chúng ta cần phải vượt qua những trở ngại này bằng cách nhấn mạnh và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc học các bước sơ cứu cơ bản khi gặp tai nạn.

Nghiên cứu cho thấy ở Canada, những người được huấn luyện cách sơ cứu có thể làm thuyên giảm 30% thương tích cá nhân.

Hội Chữ thập đỏ Canada đã cho biết rằng tổn thương não vĩnh viễn có thể xảy ra trong vòng từ bốn đến sáu phút sau khi ngừng thở.

Tỉ lệ sống sót của những người bị ngưng tim (tim ngừng đập) giảm khoảng 7-10% mỗi phút nếu không được xử lý khử rung tim kịp thời.

Chúng ta cần phải tự hỏi: Phải mất bao lâu để một chiếc xe cứu thương có thể đến vị trí xảy ra tai nạn? Taxi phải mất bao lâu mới có thể đưa người trong trạng thái hôn mê đến bệnh viện?

Trong bất kỳ tai nạn nào, một phút thôi cũng có thể ảnh hưởng đến việc sống còn của cả một mạng người. Điều này càng khiến cho tầm quan trọng của việc biết cách sơ cứu trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Về cơ bản, một người thành thạo kỹ năng sơ cứu cơ bản là đã được huấn luyện thực hiện các kỹ thuật tương đối đơn giản với người bị nạn cho đến khi nhận được sự trợ giúp của các đội ngũ y tế chuyên nghiệp.

Nói một cách đơn giản hơn, dù chúng ta không phải bác sĩ nhưng chúng ta có trách nhiệm giúp duy trì mạng sống của một con người cho đến khi một bác sĩ hoặc nhân viên y tế có mặt. Đây là lý do tại sao tôi không bao giờ rời khỏi nhà mà không có bộ dụng cụ sơ cứu của mình.

Đã biết sơ cứu là quan trọng

Nhiều người Việt Nam hiện nay không biết đến việc sơ cứu cho chính mình, người thân và người mà mình muốn giúp đỡ khi có tai nạn, cho nên những câu chuyện đáng buồn đã xảy ra.

Cũng có người muốn giúp đỡ ai đó nhưng vì không có kiến thức nên không dám giúp vì sợ sẽ bị ảnh hưởng nếu người mình giúp xảy ra chuyện không hay.

Sau khi được ông Benjamin cứu giúp khi bị tai nạn, tôi không chỉ biết ơn sự giúp đỡ của ông mà còn cảm ơn vì từ đây tôi đã nhận ra việc hiểu biết về sơ cứu là quan trọng đến mức nào.

Triệu Thị Thu Hiền (20 tuổi, sinh viên Trường đại học Văn Lang)

BENJAMIN P. MAWDSLEY, THÁI THẢO (chuyển ngữ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp