08/04/2012 09:41 GMT+7

Hãy gọi 18001567

H.Đ.
H.Đ.

TT - Những trẻ em bị xâm hại tình dục đều bị khủng hoảng tinh thần, sang chấn tâm lý và chịu nhiều hậu quả nặng nề.

Lúc ấy các cháu rất cần những lời động viên chia sẻ và những liệu pháp điều trị tích cực. Đường dây nóng 18001567 miễn phí trên toàn quốc hỗ trợ 24/24 với các tư vấn viên nhiều kinh nghiệm nhưng cũng có những tư vấn viên bất đắc dĩ chỉ vì lòng yêu trẻ...

XZCAOigp.jpgPhóng to

“Mẹ ơi!”

Những tiếng gọi thiêng liêng và hết sức bình thường ấy với bé Nguyễn Cẩm Tiên (10 tuổi, Hưng Yên) là một kỳ tích. Kỳ tích vì Tiên đến trung tâm trị liệu cùng mẹ với trạng thái tinh thần hoảng loạn luôn dúi mặt vào xó tường. Kẻ xâm hại Tiên đã không bị bắt lại còn ngang nhiên dọa dẫm và tấn công gia đình. Tiên luôn ngủ mơ thấy tên thủ ác đuổi đánh và giết mình nên không dám ngủ, không ăn, không nói, không cười, chỉ nằm úp mặt vào tường cả một tuần sau khi bị xâm hại quá tàn bạo. Cha mẹ đưa Tiên lên trung tâm tư vấn để nhờ làm đơn kiện. Nhưng điều đầu tiên mà tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Kim Quý - giảng viên Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội I, cộng tác viên của trung tâm - nói với gia đình là: “Cứu lấy con bé trước đã!”.

“Tôi phải trị liệu cho người mẹ trước bởi chính mẹ cháu lúc nào cũng trong tâm thế trả thù” - tiến sĩ Quý kể. Thông qua nhiều phương pháp khác nhau, sau hai ngày điều trị, Tiên nhoẻn cười với bác Quý và mở cửa gọi: “Mẹ ơi!”. Người mẹ, ngồi phòng bên cạnh, tưởng như có thể phát điên lên vì sung sướng bởi lại nghe thấy tiếng con gái mà chị tưởng như chẩn đoán của một số bác sĩ là cháu bị sốc nặng dẫn đến... câm!

18001567 hoạt động liên tục

Trung tâm tư vấn và hỗ trợ trẻ em (thuộc Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em) được thành lập từ năm 2005 tại TP.HCM nhằm tư vấn cho trẻ em lang thang có nguy cơ trên địa bàn thành phố. Sau mô hình này phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế mở rộng thêm 13 trung tâm tại 12 tỉnh thành trên toàn quốc: TP.HCM, Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Phú Yên, Đồng Tháp, An Giang... và có đường dây nóng 18001567 hoạt động 24/24. Đây không chỉ là nơi tư vấn và hỗ trợ miễn phí những vấn đề liên quan đến trẻ em: sức khỏe, pháp lý, tâm sinh lý và đặc biệt là những vấn đề liên quan đến bạo hành và xâm hại tình dục. Từ năm 2011 các trung tâm này mở thêm phòng trị liệu tâm lý cho những cháu bé bị xâm hại nói chung.

Không chỉ tư vấn qua điện thoại hoặc trị liệu tâm lý, Trung tâm tư vấn và hỗ trợ trẻ em còn phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam hỗ trợ ăn ở đi lại miễn phí với mỗi ca bị bạo hành và xâm hại với số tiền tối đa 3.600.000 đồng.

Bé Hoa, một bé gái khác ở Thanh Hóa, cũng được người nhà mang đến trung tâm với làn da xanh xao và gương mặt tái mét. Trong khi chờ tư vấn viên ở phòng ngoài thì cô bé khóc rấm rứt. Người mẹ không an ủi, không hỏi han mà lên giọng chì chiết: “Im đi, khóc gì mà khóc, sao lúc đó không la lên cho người ta nghe thấy. Giờ khóc lóc thì làm được gì”. Đứa bé gục đầu vào thành ghế toàn thân rũ ra như chiếc lá héo, kìm tiếng nấc nghẹn trong cổ họng.“Đây là một ca đặc biệt bởi cháu bé không chỉ đau đớn về thể xác, tinh thần do bị cưỡng hiếp mà còn bị gia đình quát mắng” - tiến sĩ Quý nhận định.

Mẹ Hoa vì rất đau lòng bởi chuyện xảy ra với con và căm thù kẻ tán tận lương tâm nhưng bà không quan tâm và chia sẻ với bé. Vật mà tiến sĩ Quý đưa ra cho bé là hai con thú nhồi bông thật dễ thương. Bà Quý kể: “Bằng chính câu chuyện trong sinh hoạt gia đình thông qua lời các con vật, có cả niềm vui, có cả những câu chuyện buồn. Thông qua các câu chuyện và cách ứng xử của từng con vật trong các tình huống khác nhau, tôi muốn cho cháu thấy cháu không hề có lỗi”. Và đương nhiên nạn nhân là đứa trẻ 8 tuổi thì không thể có lỗi khi nó ở nhà chỉ có một mình nên bị hàng xóm dụ dỗ lên đồi cưỡng hiếp. Dường như tìm được người chia sẻ, Hoa mới kể với bác Quý là cháu bị nhét áo vào miệng nên không thể kêu la. Sau sáu buổi trị liệu Hoa bớt xanh xao, nụ cười đã trở lại trên môi cô bé.

“Sự tổn thương về thể xác đối với các cháu bé có thể rồi sẽ lành, nhưng thương tổn về tinh thần thì không dễ gì hàn gắn ngay lập tức. Ở nhiều vùng nông thôn, đứa trẻ không bao giờ được phản biện, bởi vậy khi xảy ra bất kể việc gì nó đều nghĩ mình có lỗi. Không hiếm trường hợp quẫn bách các cháu đã nghĩ đến việc quyên sinh” - Tiến sĩ Quý nói.

Hãy gọi 18001567

“Trung tâm hỗ trợ và tư vấn trẻ em xin nghe” - là giọng nói ngọt ngào của tư vấn viên đường dây nóng miễn phí 18001567 đặt trên ngõ Thông Phong (quận Đống Đa, Hà Nội), nơi mà gia đình bé Hoa, bé Tiên từng gọi trước khi đưa các bé đến. Đây không chỉ là nơi đặt tổng đài tư vấn mà còn có các phòng tư vấn chức năng và trị liệu tâm lý dành cho trẻ em.Trong phòng tư vấn, năm tư vấn viên liên tục trả lời những thắc mắc của phụ huynh mà trong đó không ít những cuộc gọi này là từ gia đình các nạn nhân bị xâm hại tình dục. Và sau khi lắng nghe những bức xúc từ gia đình một nạn nhân, tư vấn viên bao giờ cũng ân cần hỏi: “Em bé giờ thế nào ạ?”.

Tại một bàn tư vấn, chị Thu Nga đang giải thích và hướng dẫn cho người nhà một nạn nhân bị xâm hại tình dục nơi cần đến để trình báo, viết đơn, và số điện thoại của cơ quan trợ giúp tại địa phương. “Chúng tôi tư vấn và hướng dẫn tất cả những thủ tục liên quan đến vấn đề bảo vệ và chăm sóc trẻ em trên toàn quốc” - chị Nga nói.

Ở một căn phòng nhỏ khác, tư vấn viên Đoan Trang vừa kết thúc khóa trị liệu cho một cô bé bị xâm hại tình dục ở Hòa Bình. Em được mẹ đưa đến trung tâm với tinh thần bị tổn thương nghiêm trọng bởi bị gã hàng xóm cưỡng bức. Chị Trang cho biết tất cả các trường hợp phải đến đây để trị liệu đều bị tổn thương nặng nề về tinh thần.

“Nhiều cháu đến trị liệu mà gần như ngớ ngẩn. Nhưng bằng mọi cách chúng tôi phải cứu lấy các bé. Đó là điều mà chúng tôi luôn hứa và luôn mong các bậc phụ huynh khi có con bị xâm hại đừng ngại ngần, hãy gọi 18001567” - chị Thu Nga, quản lý hồ sơ của trung tâm, mong mỏi.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1:Kỳ 2:Kỳ 3: Kỳ 4:Kỳ 5:Kỳ 6:

______________________

Đón đọc số tới: Nhật Bản đứng dậy sau thảm họa

Một năm sau sự kiện động đất gây sóng thần ngày 11-3-2011 và sự cố nhà máy điện hạt nhân ở vùng Tohoku (gồm Fukushima, Miyagi và Iwate), nước Nhật đã đứng dậy và đang bước tới.

Kế hoạch tái thiết mang tên “Chiến lược tái sinh Nhật Bản” hình thành đầy tham vọng. Mời bạn theo chân phóng viên Tuổi Trẻ đến nước Nhật để xem họ đang làm gì sau thảm họa chưa từng có trong lịch sử.

H.Đ.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp