Nếu giữ xương voi lại làm tiêu bản, ít nhất - đến thời điểm này - bảo tàng có 19 tiêu bản voi. Số lượng tiêu bản ấy sẽ làm du khách giật mình khi đến tham quan bởi tốc độ sát hại voi quá khủng khiếp.
Tiêu bản xương là thế, còn “tiêu bản sống” thì sao? Những người có trách nhiệm đã lên tiếng sau vụ sát hại hai con voi, lần này là lên tiếng không phải vì phẫn uất mà lên tiếng lo lắng cho số phận của đàn voi. Khi mà con voi bị giết là voi đực trưởng thành duy nhất trong đàn voi 29 con thường xuyên cư trú tại vườn quốc gia Yok Đôn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự sinh sôi nảy nở của đàn voi sau này. Thậm chí có tờ báo khi viết về vụ việc này đã đặt ngay tiêu đề “Đau đớn cho đàn voi góa bụa”.
Voi rừng đang bị đe dọa nghiêm trọng, nhưng dự án bảo tồn voi đến nay vẫn chậm trễ. Lạ lùng thay khi voi chết đều đều hằng năm vậy mà trung tâm bảo tồn voi vẫn chưa có đất để xây dựng những hạng mục quan trọng như bệnh viện cho voi, khu sinh sản cho voi. Khi trung tâm này xin cắt 200ha vườn quốc gia Yok Đôn để quy hoạch làm trung tâm bảo tồn voi thì Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng nhiệm vụ của vườn trong việc bảo tồn voi là đương nhiên nên không đồng ý cắt đất. Không xin được đất vườn, trung tâm chuyển qua xin đất của rừng phòng hộ Buôn Đôn để xây dựng các hạng mục công trình cũng như khu vực khoanh nuôi thì UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý về chủ trương, nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định cắt đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... Quan trọng hơn nữa là vốn từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa bố trí nên không thể triển khai thêm hạng mục nào của dự án.
Năm 2006 Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch hành động khẩn trương đến năm 2010 để bảo tồn voi tại ba khu vực trọng điểm là Nghệ An, Đắk Lắk và Đồng Nai. Đến năm 2010, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt dự án bảo tồn voi giai đoạn 2010-2015 với tổng kinh phí 61 tỉ đồng. Mới nhất, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk phải sớm hoàn thành rà soát, bổ sung dự án bảo tồn voi đến năm 2020 để trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định, phê duyệt trước ngày 15-9. Trong khi dự án bảo tồn voi tiếp tục được rà soát thì số lượng voi chết bởi nạn săn bắn cũng được bổ sung đều đặn hằng năm.
Giữ gìn tiêu bản xương là cần thiết, nó sẽ là bài học, là hồi chuông báo động để mọi người quan tâm hơn nữa đến số phận đàn voi rừng. Thế nhưng liệu tiêu bản xương kia có “hoàn thành trách nhiệm” cảnh báo hãy bảo vệ voi rừng hay không, khi mà “tiêu bản sống” đang đối diện với nguy hiểm hằng ngày hằng giờ, trong khi đang chờ dự án bảo tồn sớm đi vào hoạt động?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận