Chọn nghề nghiệp nào cho con luôn là mối quan tâm của phụ huynh. Tại các ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2015 do Tuổi Trẻ tổ chức, rất nhiều phụ huynh đi nghe tư vấn để cùng con mình lựa chọn ngành nghề - Ảnh: Như Hùng |
Tâm trạng người mẹ nào cũng lo lắng cho tương lai của con mình. Thế nhưng trước sự lựa chọn của con, các bậc phụ huynh đã đặt lòng tin trọn vẹn vào đó.
Những ngày này, khi một số trường đại học đã bắt đầu đưa ra quy chế tuyển sinh, tôi lại nhớ đến những kỳ thi đại học đã qua của các con tôi. Thời điểm này biết bao phụ huynh đã trải qua các cảm giác: lo âu, hồi hộp chờ đợi, rồi niềm vui vỡ òa hay sự thất vọng vô biên khi dò tên con mình trên các mặt báo... Nhưng thật ra đó mới chỉ là điểm khởi đầu.
Cách đây sáu năm con gái tôi đã thi đậu vào hai trường đại học theo đúng chuyên ngành cháu lựa chọn, một chuyên ngành mà có lẽ không phải cha mẹ nào trong thời buổi kinh tế thị trường cũng muốn cho con theo học. Đó là ngành thiết kế thời trang.
Lúc đầu tôi và ba cháu cũng phân tích cho cháu hiểu ngành học này không được thực tế lắm và còn hơi viển vông, chứ không muốn nói rằng kinh tế gia đình không sung túc lắm, cháu nên lựa chọn ngành nào "thực" hơn. Nhưng do lo lắng cho sức khỏe của con và không muốn con buồn nếu từ bỏ niềm đam mê của mình nên chúng tôi đành chiều theo ý cháu.
Năm năm học trôi qua trong lo toan về kinh tế và những lo lắng cho tương lai sau này của cháu. Chứng kiến cảnh các cháu sinh viên ra trường với bao nhiêu chật vật, thậm chí phải chạy chọt để kiếm một công việc tương đối phù hợp và có thu nhập ổn định, chúng tôi đã nghĩ đến việc động viên con gái học thêm một bằng nữa.
Nhưng điều chúng tôi lo lắng đã không đến. Ngay trong thời gian học tập, dù rất say mê ngành học đã lựa chọn, con tôi vẫn hiểu rằng đó là một chọn lựa hơi trừu tượng cho thực tế cuộc sống sau khi ra trường. Và vào năm cuối, cháu đã quyết định học thêm một chứng chỉ về thiết kế đồ họa để bổ sung cho chuyên ngành mình đang theo đuổi. Đó chính là một quyết định sáng suốt của cháu, mà chính bản thân chúng tôi cũng không đủ chuyên môn để khuyên bảo cháu.
Giờ đây, khi đã có đầy đủ kỹ năng sống trong những năm xa nhà và nắm trong tay một số vốn kiến thức kha khá cho ngành mình yêu thích, cháu đã có thể xin vào bất kỳ công ty nào liên quan đến lĩnh vực đã học. Và hơn hết, cháu đã được thỏa mãn với sự đam mê nghề nghiệp của mình!
Tối nào tôi cũng điện thoại nói chuyện với cháu về công việc, và trong câu chuyện của hai mẹ con tôi luôn nhận được sự hưng phấn lạc quan cũng như những dự định sáng sủa trong việc làm hiện tại và tương lai của cháu.
Nhớ lại trước kia, vợ chồng tôi đã từng muốn cháu theo học một ngành kinh tế, bách khoa hoặc y khoa để dễ xin việc và có thu nhập cao. Nếu lúc đó cháu không giữ vững lập trường của mình, có thể khi ra trường cháu sẽ không có nhiều đam mê như thế trong công việc, và biết đâu cháu sẽ phải nuối tiếc rất nhiều vì không được làm việc trong lĩnh vực mình yêu thích.
Sắp đến kỳ tuyển sinh đại học, tôi muốn nhắn nhủ đến tất cả các bậc cha mẹ: hãy tôn trọng quyền quyết định của con em mình, hãy cho các cháu tự chọn lựa để quyết định tương lai sau này. Và như vậy, có thể các bậc cha mẹ sẽ được hưởng niềm vui và hạnh phúc như chúng tôi hôm nay.
Mẹ khỏi cần băn khoăn Con gái đang học đại học năm cuối, vài tháng nữa sẽ tốt nghiệp. Cô bạn từ xa gọi điện hỏi thăm và nhắc nên chuẩn bị lo việc làm cho con. Tôi trả lời bạn: "Lo? Thật tình vợ chồng mình không nghĩ tới điều đó. Mà có nghĩ cũng không có khả năng và kỹ năng “lo” cơ, bạn ơi. Thôi thì để con tự “bơi” vậy!". Nói thì nói vậy nhưng trong lòng tôi vẫn băn khoăn, áy náy như mình chưa làm tròn bổn phận cha mẹ với con. Mang chuyện “lo” kể cho con gái nghe, không ngờ nó giãy nảy, nói với tôi một mạch: “Sao ba mẹ lại phải lo việc cho con? Tốt nghiệp xong con sẽ tự xem xét nơi nào phù hợp với năng lực và sở thích của con, con sẽ nộp hồ sơ xin việc và đợi phỏng vấn. Nếu chưa tìm được công việc phù hợp ngay con sẽ làm một công việc nào đó, tất nhiên không phải là lao động phổ thông, để tự nuôi sống bản thân chứ không thể ăn bám ba mẹ khi đã ra trường. Con tin mình sẽ không thất nghiệp. Ba mẹ có lo con cũng không chịu cơ mà, huống chi con thừa biết ba mẹ không có khả năng đó. Vậy thì mẹ khỏi cần băn khoăn!”. Nghe con nói tôi cũng thấy yên tâm một chút. Nhưng hiện nay báo chí đưa tin biết bao nhiêu cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp cơ mà. Hay là nói con chuẩn bị tư tưởng học lên thạc sĩ, hoặc học văn bằng 2 như cách các con của bạn bè vẫn lựa chọn? Rồi còn bổ sung chứng chỉ này chứng chỉ kia nữa. Bao nhiêu thứ cần học. Con vẫn quả quyết, thuyết phục lại cả tôi: “Không, nếu cần học lên hoặc học thêm cái gì thì con sẽ tự quyết định, sẽ vừa học vừa làm. Ba mẹ chỉ nuôi con bốn năm đại học là con rất cảm ơn ba mẹ rồi. Trong quá trình đó có thể con sẽ gặp khó khăn hoặc thất bại, nhưng con nghĩ lúc đó có thể con mới nhờ ba mẹ hỗ trợ một phần mà thôi. Khó khăn là tất nhiên, còn thất bại thì phải rút kinh nghiệm và tự đứng lên. Việc cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp con nghĩ có phần lỗi ở họ. Có những người còn ngộ nhận về bản thân, cứ tưởng bằng đại học, kể cả bằng loại giỏi là oai ghê lắm nên có những đòi hỏi về nơi làm việc quá cao, thậm chí cao hơn năng lực thật sự của họ; hoặc tuy có bằng cấp nhưng họ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của nơi tuyển dụng. Chỉ có lý thuyết thôi thì chưa đủ, mẹ ơi. Đấy là chưa kể một số trường hợp kiến thức không tương xứng với bằng cấp. Con thường xuyên tiếp xúc, học hỏi các anh chị năm trên ở nhiều khoa, nhiều trường khác nhau; con tham gia công tác xã hội nhiều là để thêm kinh nghiệm đấy ạ”. Rồi con kể các bạn con người làm việc này, người làm việc nọ trong công ty này công ty khác ngay khi còn là sinh viên, chưa tốt nghiệp, kể cả những người không chịu sức ép về kinh tế. Họ muốn được trải nghiệm, bận rộn nhiều nhưng học vẫn tốt. Người có năng lực thật sự sẽ không chịu ngồi im chờ đợi việc đến tay mình và không than thở. Chao ôi, con lớn thật rồi! Qua con, tôi nhận thấy xã hội ngày nay phân hóa thật sâu sắc: một nhóm thanh niên năng động, có ý thức làm chủ bản thân; nhóm khác vẫn còn thụ động, trông chờ vào vận may hoặc dựa thế người khác. Chúng nó chẳng như mình ngày trước, học xong đã có Nhà nước lo việc cho (phân công công tác). Trong xã hội này, nhiều bạn trẻ đã có cơ hội để tự khẳng định mình, yếu tố cá nhân mang tính quyết định sự thành công. Hi vọng con làm được như lời con nói. (LAN HƯƠNG) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận