13/10/2015 09:02 GMT+7

Nước ngoài đến VN làm phim: Hãy cởi mở hơn...

CÁT KHUÊ (catkhue@tuoitre.com.vn)
CÁT KHUÊ ([email protected])

TT - Dư luận đang râm ran về việc có thể phim Kong: Skull island của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts sẽ vào VN quay trong tháng 12 này.

Tập phim mới về King Kong (công chiếu năm 2017) sẽ có cảnh quay tại VN? - Ảnh tư liệu.

Sự thật thì đúng là đoàn phim đã có giấy phép sản xuất tại VN (số 2389 QĐ-BVHTTDL - phim được lấy “mật danh” là Titan), đơn vị đối tác phía VN là Indochina Vietnam…

Nếu chiếu theo Luật điện ảnh thì việc hợp tác làm phim ở VN không khó. Bởi hầu hết các hãng phim đều có chức năng cung cấp dịch vụ cho đoàn phim nước ngoài. Về phía quản lý nhà nước chỉ thông qua một cửa cấp phép là Bộ VH-TT&DL.

Đơn vị đối tác trong nước chỉ cần làm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép với đơn đề nghị cùng kịch bản văn học bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Luật cũng quy định rõ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ VH-TT&DL có trách nhiệm cấp giấy phép, trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản nêu rõ lý do.

Có nhiều thắc mắc của dư luận về việc có hay không sự khó dễ khi làm phim ở VN? Ví dụ cụ thể là phim James Bond (Tomorrow never dies) vào VN khảo sát và dự tính quay ở VN nhưng rồi lại “bỏ đi” qua Thái Lan để thực hiện các cảnh quay giả đường phố Sài Gòn.

Câu hỏi này có vẻ như mãi là nghi vấn cho đến khi trong hội thảo Hợp tác sản xuất phim giữa VN và các nước tại Hà Nội năm 2014, ông Đặng Tất Bình - nguyên giám đốc Hãng Phim truyện 1 - nói rõ lý do: Bởi vì họ (những nhà làm phim của James Bond) muốn dùng thuốc nổ để cải tạo một số đảo ở vịnh Hạ Long, phục vụ bối cảnh quay. VN từ chối yêu cầu này nên họ mới dời đi...

Không hiếm các trường hợp không tìm được tiếng nói chung, do đó cơ hội hợp tác với đoàn phim nước ngoài cũng bị vuột qua tay VN và rơi vào tay một số nước láng giềng...

“Nhưng bây giờ cũng có nhiều thay đổi, kinh nghiệm của tôi là làm đúng luật, đúng từng bước thì không có gì quá khó khăn, mọi cái rất thuận lợi...” - nhà sản xuất phim Trần Thị Bích Ngọc, người từng tham gia hầu hết các dự án điện ảnh nước ngoài ở VN, chia sẻ.

Và với yêu cầu đọc kịch bản trước khi cấp phép cho nước ngoài vào làm phim, cơ quan quản lý nước sở tại hẳn cũng có lý do của mình. Nhu cầu được biết các đoàn phim nước ngoài vào nước mình làm phim gì, nội dung ra sao... cũng không phải là điều khó hiểu.

Tất nhiên, đôi khi nếu chỉ căn cứ cứng nhắc khi viện dẫn Luật điện ảnh ở một số điều còn tranh cãi như thuần phong mỹ tục theo văn hóa Việt... thì với các nhà làm phim nước ngoài - vốn rất tự do ngay cả việc phản ứng với chính phủ, với tổng thống đương nhiệm - đương nhiên sẽ không phải là việc dễ dàng chấp nhận.

Anh Nguyễn Minh Toàn (Toan Joshua, học điện ảnh và quảng cáo ở San Jose State University, Mỹ) làm việc ở VN bày tỏ quan điểm: “Các phim đến VN đều phải trình duyệt kịch bản, và kịch bản đó sẽ không phải là bí mật đối với các cơ quan quản lý nơi đoàn phim dự tính đến quay.

Tôi nghĩ trừ khi kịch bản vi phạm đến nhân quyền người Việt, đất nước Việt thì mình không nói, còn lại nếu họ làm phim về chiếu ở nước họ thì mình cũng nên cởi mở hơn”.

Khi đến VN chọn cảnh cùng đoàn phim Titan, đạo diễn Jordan Vogt-Roberts cũng ghé qua đoàn phim Tấm Cám - Những chuyện chưa kể và đạo diễn - diễn viên Ngô Thanh Vân đưa hình chụp cùng ông lên Facebook cá nhân của mình.

Theo lời kể của một số người lo thủ tục cho đoàn phim thì việc xin phép và đi khảo sát của đoàn phim đến từ Legendary Pictures diễn ra rất thuận lợi, không chỉ bộ, Cục Điện ảnh mà ngay cả các địa phương nơi đoàn đến khảo sát đều nhiệt tình mở cửa đón khách.

Lộ trình thời gian khảo sát, quay phim cũng đã được hiện thực bằng văn bản pháp quy. Nghĩa là về phía Nhà nước, thủ tục đã rõ ràng minh bạch.

Còn việc biến công vệc này thành một cơ hội quảng bá VN hay không thì rõ ràng cần một chiến lược thông minh bằng truyền thông chứ không thể dùng việc cấp phép để gây sức ép yêu cầu họ phải có trách nhiệm với việc quảng bá du lịch hoặc quảng bá VN qua phim của họ được.

Điều này không có trong luật nên không thể làm!

Phim Vietnam's unseen war: Pictures from the other side

Nhà văn Đoàn Bảo Châu, người từng đi cùng đoàn phim Vietnam's unseen war: Pictures from the other side (Việt Nam cuộc chiến không nhìn thấy - Những bức ảnh từ phía bên kia) và rất nhiều đoàn phim nước ngoài khác, cho rằng VN mới hội nhập nên hình ảnh VN trong mắt thế giới còn khá nghèo nàn.

Thế giới đến VN làm phim “theo tôi nên động viên, ngay cả việc có thể vấn đề họ quan tâm mình chưa thoải mái lắm khi công bố. Nhưng thà thế còn hơn, vì ít nhiều mình vẫn kiểm soát được thông tin.

Bởi lẽ nếu có ý định nói xấu VN, chẳng đoàn phim nào dại đưa ra kịch bản hay tìm đến VN để rồi bị ngăn cản, vừa mất thời gian vừa mất tiền bạc làm gì. Thế nên tôi nghĩ cứ cởi mở nhất chừng nào có thể, cái mình nhận được sẽ tốt hoặc dần tốt hơn về mặt hình ảnh VN...”.

CÁT KHUÊ ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp