Vừa qua, mạng xã hội xôn xao với con số thống kê tại một tỉnh miền Trung: có đến 1.600 cặp nộp đơn ly hôn trong tám tháng đầu năm 2023, trong đó phổ biến là các cặp vợ chồng trẻ. Thay vì đi đến lựa chọn cuối cùng là ly hôn, làm thế nào để vợ chồng vun đắp, giữ gìn hạnh phúc bền chặt?
Kết hôn hay chỉ là hai người độc thân thuê chung nhà?
Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, hiện nay các cặp gia đình trẻ phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó có việc đề cao tính cá nhân khiến cuộc sống gia đình không có sự trao đổi, gắn kết. Chuyên gia nhìn nhận đáng lẽ việc kết hôn là hai phải thành một, nhưng không ít cặp vợ chồng kết hôn lại như hai người độc thân thuê chung nhà.
"Thậm chí đến bữa ăn cũng không ăn chung, vợ chồng đi cà phê nhưng mỗi người nghịch điện thoại mà không có "chạm", không có tương tác, không có chia sẻ với nhau về công việc, tiền bạc, mối quan tâm chung… Đó là một trong những nguyên nhân khiến gia đình trẻ lỏng lẻo và rời ra" - ông lý giải.
Chuyên gia cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân xảy ra đổ vỡ của gia đình trẻ, nhất là ở vùng nông thôn, là do cuộc sống ly tán, vợ chồng xa nhau vì đi làm ăn xa, đi xuất khẩu lao động, sống xa nhau nên đối phương không giữ được mình.
Cùng nhận định khoảng cách địa lý, xa cách nhau trong thời gian dài là rào cản rất lớn trong duy trì mối quan hệ của gia đình trẻ, bà Trần Vân Anh - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững - cho rằng việc cần làm là hai vợ chồng phải đồng thuận, bàn bạc về những khó khăn sẽ nảy sinh khi sống xa nhau, từ đó cùng nhau đưa ra quyết định để khắc phục. Khi xa cách nhau, vợ chồng phải lường trước đổ vỡ, trao đổi với nhau về những kỹ năng để vượt qua cám dỗ.
Tăng "chạm" để yêu thương
Kết hôn, trao nhẫn chỉ là "vòng tròn tình yêu" thôi chưa đủ, quan trọng hơn cả chính là những chiếc "đinh vít", "dây chun" buộc chặt, gắn kết hai người trong cuộc sống hôn nhân.
Vợ chồng anh Đỗ Văn Phúc (Bình Phước), nhận giải thưởng Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu 2022, chia sẻ ban ngày các cặp vợ chồng trẻ có rất ít thời gian bên nhau vì phải lo toan công việc, do đó cần tranh thủ những giây phút rảnh rỗi bên nhau hoặc vào bữa cơm gia đình để chia sẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống, san sẻ chuyện chăm sóc con cái, thậm chí cởi bỏ những bất đồng trong cuộc sống hằng ngày.
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn đưa ra lời khuyên vợ chồng sống với nhau để xây dựng hạnh phúc bền lâu nên cần "lui cái tôi cá nhân", "tăng nhiều cái chung", tăng cường "chạm nhau". Giấy chứng nhận kết hôn là "bản hợp đồng" chung sống được sự chứng thực của cơ quan pháp luật, còn vợ chồng phải xây dựng những "phụ lục" là những thỏa thuận đính kèm.
Điều này tránh tình trạng không có thỏa thuận, cứ đụng đến việc gì cũng tranh luận, cãi nhau và nhiều lần cãi nhau thì chán không muốn nói nữa - ông Đoàn nói.
Chuyên gia chỉ ra ba cách thức để vợ chồng trẻ chung sống với nhau. Đó là cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, chia sẻ về tài chính và chia sẻ về cảm xúc. Ông đặc biệt lưu tâm đến chia sẻ cảm xúc, vợ chồng có cảm xúc gì phải nói ra để người kia hiểu, chứ không bắt đối phương "là cái máy dò cảm xúc của mình".
Gợi mở công cụ để xây đắp hạnh phúc gia đình chính là giao tiếp thông qua ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ như nhìn nhau một cách trìu mến, động chạm yêu thương, theo chuyên gia Vân Anh, để vợ chồng giao tiếp được với nhau cách tốt nhất cần dựa trên ba nguyên tắc: thấu hiểu - chia sẻ - tôn trọng đối phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận