11/07/2023 15:11 GMT+7

Hậu trường kế hoạch ‘chạy án’ hơn 2 triệu USD vụ chuyến bay giải cứu

“Có quyết tâm cứu Sơn hay không?” - câu hỏi của bị cáo Hoàng Văn Hưng “mở đường” cho kế hoạch chạy án được bàn bạc tại nhà của cựu phó giám đốc Công an Hà Nội nhằm giúp một tổng giám đốc thoát tội vụ "chuyến bay giải cứu".

Viện kiểm sát công bố cáo trạng truy tố các bị cáo trong vụ "chuyến bay giải cứu" - Ảnh: NAM ANH

Viện kiểm sát công bố cáo trạng truy tố các bị cáo trong vụ "chuyến bay giải cứu" - Ảnh: NAM ANH

Chiều 11-7, đại diện viện kiểm sát công bố bản cáo trạng vụ án chuyến bay giải cứu đọc đến phần cáo buộc trách nhiệm của nhóm bị cáo tội môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan cựu phó giám đốc Công an Hà Nội và cựu trưởng phòng thuộc Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an.

Nội dung cáo trạng được công bố tại tòa cho thấy ngoài những cuộc ngã giá chung chi, "bôi trơn" để được cấp phép "chuyến bay giải cứu" thì một số bị cáo là cựu cán bộ công an còn có nhiều cuộc bàn bạc lên kế hoạch "chạy án"

Kế hoạch chạy án vụ chuyến bay giải cứu ly kì như một kịch bản phim.

Sơn - người được bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu trưởng phòng thuộc cơ quan an ninh điều tra) - đề cập để "cứu" là Lê Hồng Sơn, tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh.

Để được tổ chức 109 chuyến bay giải cứu và thu lời, cả Sơn và cấp phó của mình là Nguyễn Thị Thanh Hằng đã chi 38,5 tỉ đồng hối lộ nhiều quan chức.

Khi vụ án được điều tra, lo sợ vướng lao lý, bà Hằng và ông Sơn bàn bạc và tìm đến người quen là Nguyễn Anh Tuấn (khi đó đang là phó giám đốc Công an Hà Nội) để nhờ tìm mối quan hệ can thiệp "chạy án".

Ngay trong cuộc gặp với bà Hằng tại nhà riêng của mình, ông Tuấn bốc điện thoại gọi cho Hoàng Văn Hưng - trưởng phòng điều tra của Cục An ninh điều tra. Sau khi nói chuyện, ông Tuấn biết Hưng đang thụ lý vụ án "chuyến bay giải cứu".

Ông Hoàng Văn Hưng cũng thông báo cho cựu phó giám đốc Công an Hà Nội biết cả bà Hằng và ông Sơn đều là đối tượng đang bị điều tra trong vụ án chuyến bay giải cứu. Do vậy, ông Tuấn đã nhờ Hưng giúp cho hai lãnh đạo doanh nghiệp này không bị xử lý hinh sự. Ông Hưng đồng ý, cáo trạng nêu.

Tháng 2-2022, ông Tuấn đã thiết kế năm cuộc gặp giữa bà Hằng với ông Hưng tại hai căn nhà riêng của mình ở quận Tây Hồ và Đống Đa.

Bị cáo Lê Hồng Sơn - tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh - được dẫn giải đến phiên tòa "chuyến bay giải cứu" - Ảnh: DANH TRỌNG

Bị cáo Lê Hồng Sơn - tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh - được dẫn giải đến phiên tòa "chuyến bay giải cứu" - Ảnh: DANH TRỌNG

Tại các cuộc gặp này, Hoàng Văn Hưng hướng dẫn bà Hằng nếu làm việc với cơ quan điều tra sẽ "nhận mọi tội lỗi để cứu Sơn". Theo phân tích của ông Hưng, bà Hằng là người trực tiếp đưa tiền hối lộ để xin cấp phép nên không thể thoát. Ông Sơn dù là tổng giám đốc nhưng số lần đưa hối lộ ít hơn vì thế có thể khai "dựng" ông này giữ chức vụ đó để làm "bù nhìn".

Ông Hưng còn lên kịch bản khi làm việc với cơ quan an ninh, bà Hằng sẽ thành khẩn khai báo, còn ông Sơn "đổ mọi tội lỗi lên đầu Hằng".

Theo chỉ dẫn của Hưng, bà Hằng gửi đơn tố cáo đến cơ quan an ninh trình bày việc đưa hối lộ cho nhiều quan chức để được cấp phép chuyến bay giải cứu. Cùng lúc, bà Hằng cũng đưa 200.000 USD cho ông Tuấn để đưa trước cho ông Hưng lo "chi phí".

Nhiều lần chi tiền cho cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng để chạy án

Trong thời gian bốn tháng sau đó, ông Tuấn tiếp tục thiết kế 5-6 buổi gặp giữa bà Hằng và Hưng tại nhà riêng của cựu phó giám đốc Công an Hà Nội.

Ông Hoàng Văn Hưng gặp Hằng và tiết lộ quan điểm điều tra là ông Sơn là tổng giám đốc nên buộc phải biết công ty đã chi tiền hối lộ cho nhiều bộ ban ngành nên phải chịu trách nhiệm. "Có quyết tâm cứu Sơn không?", ông Hưng hỏi thẳng bà Hằng.

Theo cáo trạng, bà Hằng hiểu câu hỏi trên của ông Hưng là gợi ý "nếu quyết tâm cứu Sơn" thì phải chi một khoản tiền lớn. Do đã bàn bạc từ trước với Sơn nên khi được Hưng hỏi thằng, bà Hằng ngay lập tức trả lời "đồng ý" và đề nghị tìm mọi cách để "chạy án".

Hưng đồng ý và yêu cầu bà Hằng tiếp tục làm theo kịch bản vẫn nhận hết tội về mình, còn Sơn đổ tội cho Hằng. Trong giai đoạn này, bà Hằng đã năm lần đưa cho phó giám đốc Công an Hà Nội tổng số tiền 1 triệu USD để đưa cho Hưng, cáo trạng nêu.

Cựu phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn bị xét xử tội môi giới hối lộ trong vụ chuyến bay giải cứu - Ảnh: Cổng TTĐT huyện Thường Tín

Cựu phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn bị xét xử tội môi giới hối lộ trong vụ chuyến bay giải cứu - Ảnh: Cổng TTĐT huyện Thường Tín

Từ tháng 8 đến đầu tháng 9-2022, dù đã nhiều lần xuống tiền lo "chạy án" nhưng cả bà Hằng và ông Sơn vẫn liên tục bị cơ quan điều tra triệu tập lấy lời khai làm rõ hành vi đưa hối lộ để được cấp phép chuyến bay giải cứu.

Do đó, Hằng đã nhờ ông Tuấn sắp xếp cuộc gặp với ông Hưng để tìm cách giải quyết.

Khi nghe bà Hằng trình bày, ông Hưng hướng dẫn: "Lần sau lên làm việc trình bày lại với điều tra viên là Sơn chỉ thấy Hằng đưa túi quà cho cán bộ Văn phòng Chính phủ, nhưng không biết cụ thể trong túi là gì".

Ông Hoàng Văn Hưng dặn khi làm việc, nếu điều tra viên ghi không đúng nội dung thì ông Sơn phải yêu cầu chỉnh sửa trước khi ký. Trong thời gian này, bà Hằng tiếp tục đưa cho ông Tuấn 2 lần, tổng 600.000 USD để chuyển đến Hưng, cáo trạng nêu.

Giữa tháng 9, ông Hưng bị chuyển công tác từ trưởng phòng Phòng Điều tra sang làm trưởng phòng Phòng Chính trị hậu cần.

Dù không còn nhiệm vụ, quyền hạn điều tra vụ án nhưng ông Hưng vẫn liên lạc, trao đổi và gặp bà Hằng. Trong các cuộc trao đổi, ông Hưng luôn nói với bà Hằng "đây chỉ là luân chuyển về hành chính", mình "vẫn chỉ đạo án".

Trong rất nhiều cuộc gặp sau đó, Hưng tạo ra nhiều lý do như "viện kiểm sát rất căng thẳng với Sơn, một số điều tra viên cũng có quan điểm phải xử lý đối với sai phạm của Sơn".

Ông Hưng yêu cầu ông Tuấn nói với Hằng nếu "quyết tâm cứu Sơn" phải chuẩn bị 350.000 USD chi cho kiểm sát viên và một số điều tra viên, cáo trạng nêu.

Cuối tháng 11-2022, vẫn tại cuộc gặp ở nhà ông Tuấn, ông Hưng thông báo đã đưa 350.000 USD nhưng viện kiểm sát "chê ít, chỉ mới được một nửa". Từ gợi ý này, bà Hằng hiểu gợi ý của Hưng phải đưa "gấp đôi" là 700.000 USD nên chuẩn bị thêm 350.000 USD.

Tuy nhiên, sau đó ông Hưng gọi cho ông Tuấn báo bà Hằng chuẩn bị 450.000 USD do phát sinh khoản chi 100.000 USD riêng cho lãnh đạo cấp vụ. Theo cơ quan điều tra, đây là lý do tạo ra để vòi tiền bà Hằng.

Sau khi nhận đủ 450.000 USD, ông Tuấn làm theo yêu cầu của ông Hưng, chuyển thành hai túi, cho vào một chiếc cặp số Samsonite vỏ cứng, cài mã khóa 104.

Theo cáo trạng, trong năm 2022, nhóm Hằng và Sơn đã 13 lần đưa cho ông Tuấn tổng cộng 2,65 triệu USD, tương đương 61,6 tỉ đồng.

Ba ngày sau lần cuối cùng (8-12-2022) chi tiền chạy án, ông Sơn bị bắt về tội đưa hối lộ.

Đến ngày 6-1 và 11-1-2023, lần lượt ông Tuấn và Hoàng Văn Hưng bị bắt.

Ông Tuấn khai chỉ giữ lại 400.000 USD, còn lại 2,25 triệu USD đều đưa hết cho Hưng để "chạy án".

Ngược lại, ông Hoàng Văn Hưng khai không nhận bất kỳ khoản nào. Cơ quan điều tra kết luận chỉ đủ căn cứ xác định ông Hưng nhận hai lần, tổng cộng 800.000 USD. Ông Tuấn bị truy tố tội môi giới hối lộ, còn ông Hưng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vì sao các doanh nghiệp phải hối lộ quan chức vụ chuyến bay giải cứu?Vì sao các doanh nghiệp phải hối lộ quan chức vụ chuyến bay giải cứu?

Nhiều bị cáo là quan chức một số bộ ngành có trách nhiệm trong việc cấp phép chuyến bay đến phê duyệt chủ trương cách ly bị cáo buộc đã trực tiếp liên lạc với doanh nghiệp, ra giá chung chi 50-200 triệu đồng cho mỗi chuyến bay giải cứu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp