Một người chia sẻ thành tích chạy đo được qua app lên Facebook - Ảnh chụp màn hình
Nhiều ứng dụng di động (app) như theo dõi vị trí, chăm sóc y tế… đang được hàng triệu người cài đặt nhưng không được một cơ quan chuyên môn nào thẩm định. Người dùng có thể lãnh đủ nếu chẳng may chọn sai app.
Hiện người người, nhà nhà đua nhau làm app và đưa lên các kho ứng dụng di động để thu hút lượng người dùng nhiều nhất có thể, qua đó kiếm tiền.
Hậu quả khôn lường nếu tin 100%
Nhiều người đang đổ xô tìm thiết bị, ứng dụng để theo dõi vị trí, quản lý con mình mọi lúc mọi nơi sau cái chết thương tâm của một bé học sinh lớp 1. Thiết bị được nhiều người quan tâm nhất là những chiếc đồng hồ đeo tay cho trẻ em có thể kết nối với ứng dụng quản lý trên smartphone cha mẹ. Tuy nhiên, nhiều người nhận thấy khả năng xác định chính xác vị trí của con mình (đang đeo đồng hồ) không được như mong muốn.
Chị Thu Phương (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng cài một app định vị, khi kiểm tra, chị té ngửa: "Nhiều lúc con tôi đang ở nhà hàng xóm cùng chung cư (đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh) nhưng kiểm tra trên ứng dụng quản lý lại thấy báo vị trí của nó đang ở cầu Bình Triệu (cách đó 500m theo đường chim bay)".
Tương tự, nhiều ứng dụng đo bước chân đi hay quãng đường chạy bộ cũng đang được nhiều người sử dụng. "Có lần đi xe hơi, tôi vẫn thấy ứng dụng đếm ngon lành", chị Yến Trinh (quận Phú Nhuận) nói.
Nhiều app như: tránh thai, cẩm nang chăm sóc sức khỏe, bác sĩ tại gia, mẹo vặt y tế gia đình, theo dõi tình trạng sức khỏe... ngày càng được nhiều người chọn cài đặt trên smartphone. Mỗi loại app lại có đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn phiên bản do các nhà lập trình khác nhau phát triển. Trong đó, theo một số chuyên gia, có nhiều app chỉ đơn giản là đi "cào" (sao chép) các nội dung sẵn có trên mạng đưa vào, rất nguy hiểm trong nhiều trường hợp.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, trên các kho ứng dụng di động hiện nay có rất nhiều app cung cấp kiến thức dạng hỗ trợ người dùng tự chẩn đoán bệnh qua các triệu chứng và thuốc điều trị, với tên như: sổ tay đoán bệnh và thuốc, tự khám và chữa bệnh tại nhà, bài thuốc dân gian, mẹo vặt chữa bệnh... Rất nhiều người dùng đã dễ dàng tin theo app. Trong khi đó, không ít app đơn thuần là sản phẩm từ các cá nhân, doanh nghiệp chuyên lập trình, không có đội ngũ chuyên môn hay tư vấn y khoa.
3,6 triệu
Đó là số app có trên Google Play tính đến hết năm 2017.
(Nguồn: Công ty phân tích Appfigures)
Người dùng phải cẩn thận, sáng suốt
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Lâm Quang Thư, giám đốc điều hành Công ty cổ phần Doctor Bear, công nhận muốn phát triển một ứng dụng di động chăm sóc sức khỏe, mời bác sĩ viết bài không phải dễ, nhất là khi cần lượng bài lớn. Do đó, nhiều ứng dụng hiện nay làm cách nhanh nhất là lấy thông tin từ báo chí và các trang mạng.
Theo nhiều nhà phát triển ứng dụng di động, quy trình để được đưa app lên các kho ứng dụng lại không quá gắt gao và cơ quan chuyên môn, cơ quan chức năng sở tại hầu như không kiểm soát được.
"Quy trình xét duyệt của Google hiện nay tương đối dễ dàng. Sau một thời gian hoạt động, nếu Google phát hiện ứng dụng có vi phạm quy định như: bản quyền, bạo lực... chúng sẽ bị cấm. Còn với Apple, nhà phát triển phải cung cấp cho Apple tài khoản kiểm tra để họ đăng nhập và duyệt qua các tính năng. Chỗ nào không hiểu hoặc không rõ ràng sẽ bị phía Apple yêu cầu giải thích... đến khi nào thỏa mãn, ứng dụng mới được xuất hiện trên App Store" - ông Hà Đức Trung, chuyên viên lập trình Công ty ứng dụng di động Xanh, cho biết.
Ông Vũ Thanh Long, giám đốc điều hành Công ty eDoctor, nhận xét bản thân các ứng dụng di động không thể cung cấp dịch vụ y tế hay chăm sóc sức khỏe cho người dùng. Các dịch vụ này cần phải được thực hiện tại các cơ sở y tế, các cơ sở dịch vụ, hoặc các cá nhân (bác sĩ, chuyên gia...). Do đó, ông Long cho rằng không thể lựa chọn một app chỉ vì nó chạy "mượt", được thiết kế đẹp. Các app không thể làm thay công việc chuyên môn của các bác sĩ, chuyên gia và thiết bị chuyên dùng.
Chú ý bảo mật thông tin cá nhân
Theo ông Ngô Trần Vũ, giám đốc Công ty bảo mật NTS, người dùng nên tìm hiểu rõ về app, đơn giản nhất là tổng số lượng người đã cài đặt, số sao do người dùng đánh giá (thể hiện chất lượng của ứng dụng), đặc biệt là nhận xét của những người dùng đã trải nghiệm ứng dụng. Thông thường các hãng lớn, nổi tiếng thì app an toàn hơn. Người dùng cũng nên tìm kiếm thêm thông tin trên các trang mạng nói về ứng dụng mình muốn cài đặt.
Đặc biệt, ông Vũ khuyến cáo người dùng phải hết sức chú ý đến vấn đề bảo mật cho thiết bị và thông tin cá nhân khi sử dụng bất kỳ ứng dụng di động nào. "Nhiều ứng dụng hiện nay đòi quyền quản lý thiết bị và sử dụng thông tin, danh bạ, hình ảnh, camera. Ứng dụng xấu có thể dùng quyền quản lý thiết bị để gọi điện vào các tổng đài tính phí làm cho chủ thuê bao tốn rất nhiều cước phí. Hoặc nó có thể chiếm các tài khoản dịch vụ mạng của người dùng để đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng...
Kiện app vì không hiệu quả
Tại châu Âu vừa có câu chuyện về app tránh thai có tên Natural Cycles được một công ty của Thụy Điển phát triển với tuyên bố hiệu quả tránh thai đạt tới 93%. Thậm chí nó còn được Liên minh châu Âu (EU) và Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ phê chuẩn như một biện pháp tránh thai.
Thế nhưng, trong tháng 1-2018, Bệnh viện đa khoa Nam Stockholm (Thụy Điển) xác minh được 37 trường hợp mang thai ngoài ý muốn khi sử dụng app Natural Cycles. Sau đó, ứng dụng này còn bị kiện tại Anh bởi thực tế sử dụng không như quảng cáo.
Theo Công ty phân tích Appfigures, lượng app trên kho ứng dụng Google Play nếu năm 2014 mới gần 1,5 triệu, hơn khoảng 300.000 app so với App Store của Apple, đến năm 2017 đã đạt 3,6 triệu, cao hơn đến 1,5 triệu app so với App Store. Theo Hãng Sensor Tower Store Intelligence, doanh thu của 2 kho ứng dụng này trong năm 2018 đạt 71,3 tỉ USD, tăng 23% so với năm 2017.
Ông Trần Quý Tường (cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế):
Chưa quản được "bác sĩ app"
Hiện có rất nhiều app có thông tin sức khỏe nhưng chưa quản lý được về thông tin. "Bác sĩ Google" rất nhiều và quản lý trên mạng xã hội là khó. Chúng tôi đã có kế hoạch và đang triển khai một số app sức khỏe chính thống, kiến thức chuyên môn do các chuyên gia đầu ngành biên soạn.
Trong tình huống chưa có quy định app thông tin sức khỏe phải qua kiểm duyệt kiến thức chuyên môn, việc có app chứa thông tin có hàm lượng kiến thức chính xác, dễ hiểu sẽ giúp người dân có sự lựa chọn.
Trong 2-3 tuần chúng tôi sẽ đưa một app bao gồm quy trình chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn chẩn đoán điều trị lên mạng. Đích hướng tới của app này là các bác sĩ và có thể là cả người dân có nhu cầu theo dõi và so sánh.
L.ANH ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận