13/11/2011 07:48 GMT+7

Hậu quả của mù quáng

SƠN HÀ (Theo New York Times, Wall Street Journal)
SƠN HÀ (Theo New York Times, Wall Street Journal)

TT - Sau cuộc khủng hoảng thị trường địa ốc Mỹ năm 2007, các ngân hàng châu Âu ồ ạt đổ tiền vào kênh đầu tư được coi là “an toàn”: trái phiếu chính phủ các nước sử dụng đồng euro. Giờ họ đang hứng chịu hậu quả của sự mạo hiểm mù quáng.

jtqMOPRV.jpgPhóng to
Giá cổ phiếu các ngân hàng châu Âu sụt giảm thảm hại thời gian qua do ôm quá nhiều nợ châu Âu - Ảnh: Reuters

Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng châu Âu tìm mọi cách bán đổ bán tháo trái phiếu chính phủ các nước sử dụng đồng euro đang rơi vào khủng hoảng. Đầu năm 2011, Ngân hàng Pháp Societe Generale ôm 2,4 tỉ euro (3,3 tỉ USD) trái phiếu Hi Lạp, nhưng đến giữa tuần này chỉ còn giữ khoảng 333 triệu euro (457 triệu USD).

Từ tháng 7 đến nay, Ngân hàng Pháp BNP Paribas đã xả 40% trong tổng lượng trái phiếu Ý trị giá 12,2 tỉ euro (16,7 tỉ USD) đã ôm.

Tuy nhiên, giới ngân hàng vẫn ôm một lượng nợ châu Âu cực lớn. Thống kê cho biết các ngân hàng châu Âu hiện đang giữ 120 tỉ USD nợ Hi Lạp, 643 tỉ USD nợ Tây Ban Nha và 837 tỉ USD nợ Ý. Các ngân hàng Mỹ cũng dính chấu: ôm 47 tỉ USD nợ châu Âu. Trong đó Goldman Sachs giữ 700 triệu USD trái phiếu Chính phủ Ý. Nếu Ý vỡ nợ và khủng hoảng nợ công châu Âu bùng nổ, các ngân hàng châu lục sẽ sụp đổ đầu tiên.

Vì tham lợi lớn

Ciao Berlusconi

Theo AFP, hôm qua Quốc hội Ý đã xem xét thông qua các biện pháp cắt giảm chi tiêu theo yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) nhằm lấy lại niềm tin của thị trường và chặn nguy cơ vỡ nợ.

Điều đó đồng nghĩa với việc người dân Ý chuẩn bị nói: “Ciao” (chào) với Thủ tướng Silvio Berlusconi. Giá cổ phiếu châu Âu đã tăng 2-3% sau thông tin từ Ý, và lãi suất mà giới đầu tư đòi hỏi khi trái phiếu Chính phủ Ý cũng đã giảm từ mức kỷ lục 7,5%.

Sau khi bán tháo chứng khoán đảm bảo bằng các khoản vay thế chấp địa ốc Mỹ, các ngân hàng châu Âu chuyển sang mua trái phiếu chính phủ các nước sử dụng đồng euro.

Từ quý 2-2007 đến quý 3-2009, các ngân hàng này đã mua gần 900 tỉ USD trái phiếu chính phủ các nước Bồ Đào Nha, Ireland, Ý, Hi Lạp và Tây Ban Nha. Lý do đầu tiên là vì các chính phủ châu Âu trả mức lãi suất cao.

Quan trọng hơn, các ngân hàng hưởng các khoản phí béo bở khi bán trái phiếu châu Âu cho các nhà đầu tư. Năm 2007, một nhóm nhỏ các ngân hàng lớn đã đút túi 113,9 triệu USD tiền phí. Đến năm 2009 con số này tăng lên 273 triệu USD.

Trong đó, Ngân hàng Societe Generale đã thu 61,5 triệu USD tiền phí từ năm 2005, Ngân hàng Đức Deutsche Bank thu 87 triệu USD. Các ngân hàng Mỹ cũng kiếm lợi. Goldman Sachs hưởng 44,5 triệu USD từ năm 2005, Morgan Stanley kiếm được 47,4 triệu USD. Tổng tiền phí các ngân hàng châu Âu và Mỹ bỏ túi khi bán trái phiếu châu Âu cho các nhà đầu tư từ năm 2005 lên đến 1,1 tỉ USD.

“Khi mọi người bắt đầu mua trái phiếu chính phủ châu Âu, bầu trời rất quang đãng, không gợn chút mây” - chuyên gia Yannis Stournaras, giám đốc Tổ chức Nghiên cứu kinh tế và công nghiệp (Hi Lạp), so sánh một cách hình ảnh. Giới chuyên gia nhận định các ngân hàng tin rằng tất cả các nước trong khu vực sử dụng đồng euro đều đủ khả năng trả nợ. Dù trái phiếu Hi Lạp và Ý bị coi là mạo hiểm hơn trái phiếu Đức, nhưng các ngân hàng vẫn mù quáng chạy đua mua trái phiếu để kiếm lợi.

Họ phớt lờ những vấn đề tài chính và chính trị ngày càng trầm trọng của một số nước châu Âu như Ireland, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Khi đó, giới chuyên gia tài chính đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng tài chính bấp bênh của Hi Lạp, bong bóng địa ốc ở Ireland và Tây Ban Nha, cũng như tỉ lệ nợ quá cao của Ý. Nhưng tất cả đều vô hiệu.

Chính quyền cũng có lỗi

Các chuyên gia cho rằng bản thân chính quyền châu Âu cũng có lỗi. Kể từ trước năm 1999, khi châu Âu hình thành khu vực sử dụng đồng euro, các chính quyền đã cho phép giới ngân hàng thoải mái giao dịch nợ của bất kỳ quốc gia nào thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Họ coi trái phiếu của các quốc gia này là “hoàn toàn không rủi ro”.

“Nhà chức trách châu Âu khuyến khích các ngân hàng mua thêm trái phiếu vì an toàn - nhà phân tích Nicolas Veron thuộc Hãng nghiên cứu Bruegel nhận định - Đó rõ ràng là cách quản lý rủi ro rất thiếu khôn ngoan”.

Khi khủng hoảng địa ốc nổ ra ở Mỹ, chính quyền các nước châu Âu yêu cầu các ngân hàng giữ thêm nhiều “tài sản an toàn”. Hậu quả là các ngân hàng ôm thêm hàng trăm tỉ USD nợ châu Âu. Năm 2005, chuyên gia Marc Flandreau là tư vấn cho Ngân hàng Mỹ Lehman Brothers (đã sụp đổ) trong việc bán trái phiếu của Chính phủ Pháp.

Ông đặt câu hỏi liệu tài chính Pháp có đủ ổn định để đảm bảo trái phiếu an toàn hay không. Ông gửi thư về vấn đề này lên Bộ Tài chính Pháp. “Các quan chức Pháp nổi điên lên - ông Flandreu kể - Họ nói rằng chúng tôi hãy câm miệng đi”.

Đến thời điểm này khi khủng hoảng nợ châu Âu ngày càng trầm trọng, trái phiếu chính phủ châu Âu đã đánh mất hoàn toàn cái mác “không có rủi ro”. Và giờ chính quyền các nước châu Âu mới yêu cầu các ngân hàng dự trữ hàng tỉ euro để đối phó với nguy cơ lỗ nặng vì ôm nợ châu Âu. Nhưng có lẽ đã là quá muộn.

SƠN HÀ (Theo New York Times, Wall Street Journal)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp