Núi Bà Tài được các nhà khoa học xem là một hợp phần không thể tách rời trong di sản đa dạng sinh học quốc gia. Trong đề xuất thành lập khu bảo tồn núi đá vôi Kiên Lương đã được đệ trình UBND tỉnh Kiên Giang xem xét, núi Bà Tài có vị trí ngay chính giữa và có thể xem như là viên ngọc quý kết nối các núi đá vôi còn lại với nhau.
Báo Tuổi Trẻ ngày 28-6 phản ánh nguy cơ núi Bà Tài bị chia cắt do xây dựng một con đường qua eo núi. Nếu việc này xảy ra, không khó để dự báo các ảnh hưởng của nó.
Thứ nhất, cảnh quan xinh đẹp của núi bị phá hủy. Một con đường cắt ngang eo núi sẽ cắt núi Bà Tài thành hai khối núi riêng rẽ và do đó sẽ xâm hại và phá hủy tính liền lạc của cảnh quan có tiềm năng du lịch cao này.
Thứ hai, xáo trộn hệ sinh thái tại chỗ. Hoạt động của con đường mới mở sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống các loài sinh sống trên núi Bà Tài, kể cả các loài ở hang hay các khe nứt, do ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, chấn động và các hoạt động khác của con người.
Thứ ba, chia cắt các quần thể sinh vật. Eo núi nói trên có vai trò quan trọng duy trì sự liền lạc giữa hai khối núi, giúp các loài động vật dễ dàng di chuyển qua lại và duy trì quá trình trao đổi thông tin di truyền, bảo đảm sự cân bằng cấu trúc gen trong quần thể của chúng. Một khi eo núi bị san ủi thì các mối quan hệ qua lại giữa các thể trong cùng quần thể, nhất là các loài động vật nhỏ, đặc biệt là các loài ốc, sẽ bị phá vỡ; các cá thể vốn trong cùng quần thể không thể giao phối tự do như trước và quần thể sẽ bị chia cắt thành quần thể nhỏ hơn. Về lâu dài có thể dẫn đến mất mát tính đa dạng gen do các quá trình ngẫu nhiên và như vậy các quần thể nhỏ có nguy cơ tuyệt chủng cao hơn khi môi trường thay đổi.
Thứ tư, mất mát đa dạng sinh học và gia tăng nguy cơ tuyệt chủng. Các loài đặc hữu, có sinh cảnh hạn hẹp sẽ mất sinh cảnh và đối diện nguy cơ tuyệt chủng tăng cao. Các loài sinh vật trong hang động, vốn nhạy cảm với ánh sáng và độ ẩm, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu nơi ở của chúng bị phá vỡ. Đặc biệt, khu vực eo núi chính là nơi phát hiện các loài thực vật đặc hữu và mới cho khoa học...
Thứ năm, đe dọa đến kế hoạch bảo tồn loài voọc bạc Đông Dương (Trachypithecus germaini) đang bị đe dọa. Trong kế hoạch đề xuất của Viện Sinh thái học miền Nam và Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới nhằm bảo tồn lâu dài loài voọc bạc Đông Dương được xếp hạng nguy cấp (EN) theo Danh mục đỏ thế giới (Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới, 2013) tại Kiên Lương, núi Bà Tài có vị trí đặc biệt quan trọng vì có vị trí đắc địa, thuận lợi nhất cho việc di dời và bảo tồn an toàn các bầy voọc đang bị đe dọa do khai thác núi đá vôi Khoe Lá - mà theo dự kiến sẽ bị khai thác gần như hoàn toàn trong thời gian không xa.
Phát hiện nhiều loài mới ở núi Bà Tài Khi tôi viết bài báo này, TS Louis Deharveng từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Paris (Pháp) đã cung cấp thêm thông tin khoa học quan trọng. Với một vài khảo sát ngắn tại núi Bà Tài, nhóm của ông đã thu thập được ít nhất 118 loài động vật chân khớp sinh sống trong đất ở các hang động và trên núi. Chỉ cần nghiên cứu kỹ số mẫu vật đã thu, con số này có thể đạt đến 300. Hầu hết các loài chưa được khoa học biết đến, chẳng hạn như một loài bọ hung nhỏ tạm đặt tên là Anonyxmolytes lilliput. Nhóm của ông cũng đã công bố ba loài động vật không xương sống mới cho khoa học từ núi Bà Tài gồm: rết Lê Công Kiệt (Sphaeropauropus lecongkieti),bọ nhảy Bà Tài (Blasconura batai) và bọ nhảy Hòn Chông (Rambutsinella honchongensis). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận