22/02/2020 07:36 GMT+7

Hậu ly hôn của 'vợ chồng Trung Nguyên': Tranh cãi quanh việc thi hành án...

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Đó là câu chuyện pháp lý hi hữu sau vụ ly hôn tốn nhiều giấy mực giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ (chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Hậu ly hôn của vợ chồng Trung Nguyên: Tranh cãi quanh việc thi hành án... - Ảnh 1.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại tòa phúc thẩm - Ảnh: Quang Định

Sau khi có bản án phúc thẩm, ông Vũ đã thi hành án xong. Tuy nhiên, ngay sau đó Viện KSND tối cao đã có yêu cầu hoãn thi hành án đối với phần tài sản trong bản án này. Sự việc khiến dư luận băn khoăn về việc cơ quan chức năng sẽ thực hiện yêu cầu này ra sao?

Yêu cầu hoãn thi hành án

Mới đây, Tập đoàn Trung Nguyên đã có thông cáo báo chí về việc tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thi hành án đối với ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Tập đoàn Trung Nguyên. Theo đó, ông Vũ và bà Thảo không còn là vợ chồng kể từ ngày 5-12-2019.

Ngày 13-1-2020, ông Vũ đã nộp số tiền 1.190 tỉ đồng tại Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, tức đã thi hành xong nghĩa vụ thanh toán chênh lệch tài sản cho bà Thảo.

Đồng thời, Tập đoàn Trung Nguyên đã hoàn thành văn bản, thủ tục tại sở kế hoạch và đầu tư ở các tỉnh thành để thông báo thay đổi thông tin cổ đông theo quyết định của tòa án, trong đó bà Thảo không còn là cổ đông trong các công ty thuộc tập đoàn này.

Tuy nhiên, cùng ngày Cục Thi hành án dân sự TP.HCM nhận được công văn yêu cầu hoãn thi hành án của Viện KSND tối cao, yêu cầu hoãn thi hành án phần tài sản để có thời gian xem xét, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm của bà Thảo.

Phía Tập đoàn Trung Nguyên cho rằng ông Vũ đã thi hành xong nghĩa vụ thanh toán chênh lệch cho bà Thảo trước khi Cục Thi hành án dân sự TP.HCM nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của Viện KSND tối cao, nên yêu cầu hoãn thi hành án của Viện KSND tối cao hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến các nội dung đã được thi hành án.

Trái lại, phía bà Thảo cho rằng bản án đang được hoãn thi hành nên các quyền của bà tại tập đoàn này vẫn đang được duy trì.

Xử lý 1.190 tỉ ra sao?

Một trong những vấn đề đặt ra là việc cơ quan chức năng sẽ xử lý số tiền 1.190 tỉ đồng ông Vũ nộp tại Cục Thi hành án dân sự TP.HCM ra sao? Luật sư Trần Văn Thanh (Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Đến nay bản án này chưa bị hủy và đang có hiệu lực pháp luật. Việc ông Vũ nộp số tiền 1.190 tỉ đồng tại Cục Thi hành án dân sự TP.HCM để thi hành án là đúng quy định của pháp luật. Nghĩa vụ thực hiện của Tập đoàn Trung Nguyên sau ngày thi hành án cũng đã thực hiện xong, điều này không phụ thuộc vào việc bà Thảo có đồng ý nhận số tiền này từ cơ quan thi hành án hay không.

Việc Viện KSND tối cao có văn bản yêu cầu hoãn thi hành án để xem xét giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm của bà Thảo thì việc này mới chỉ là tạm hoãn thi hành bản án, nhằm tránh những việc phát sinh làm khó khăn cho việc giải quyết vụ án sau này. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bản án đã được thi hành xong thì không thể tạm hoãn được nữa.

Luật sư Thanh cũng lưu ý rằng đây không phải là quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Song, nếu có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm thì vẫn phải chờ Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xem xét chấp nhận hay không chấp nhận kháng nghị hoặc hủy, sửa hay giữ nguyên bản án.

Trường hợp nếu Hội đồng thẩm phán TAND tối cao giữ nguyên bản án thì nghĩa vụ thi hành án của ông Vũ không thay đổi và ông Vũ đã thi hành xong.

Còn nếu Hội đồng thẩm phán TAND tối cao sửa một phần bản án thì các bên sẽ thực hiện theo nội dung này, số tiền ông Vũ đã nộp và tư cách cổ đông của bà Thảo sẽ tùy thuộc vào nội dung bản án có hiệu lực. Còn nếu bản án bị hủy, thì số tiền 1.190 tỉ đồng sẽ được trả lại nếu ông Vũ có yêu cầu.

Có được khôi phục tư cách cổ đông?

Về vấn đề này, luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng nghĩa vụ thanh toán khoản chênh lệch của ông Vũ - tức là một phần tài sản trong vụ án - lại có mối quan hệ mật thiết đối với tư cách cổ đông của bà Thảo.

Bởi lẽ, theo như bản án, sau khi hoàn thành nghĩa vụ thanh toán này, ông Vũ có quyền liên hệ các cơ quan chức năng để làm thủ tục thay đổi giấy phép kinh doanh theo quy định. Vì vậy, yêu cầu hoãn thi hành án của Viện KSND tối cao hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến các nội dung đã được thi hành án.

Trái lại, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng ông Vũ đã thi hành xong phần tài sản của bản án phúc thẩm, nhưng ngay sau đó Viện KSND tối cao có yêu cầu hoãn thi hành án thì việc thông báo thay đổi thông tin cổ đông cũng phải tạm hoãn theo, trong trường hợp Trung Nguyên đã thay đổi thông tin doanh nghiệp, xóa tư cách cổ đông của bà Thảo thì phải khôi phục.

Phần tài sản trong vụ ly hôn ở Trung Nguyên

Về tài sản, đối với bất động sản, hội đồng xét xử tuyên chia đôi, ông Vũ được nhận 6 bất động sản; bà Thảo nhận 7 bất động sản và "thối" lại cho ông Vũ tiền chênh lệch.

Về tài sản là vàng, ngoại tệ, tiền Việt trị giá khoảng 1.764 tỉ đồng trong các ngân hàng do bà Thảo quản lý, hội đồng xét xử tuyên chia 60-40, trong đó ông Vũ được hưởng 60%. Về tài sản là cổ phần tại các công ty, bản án chia theo tỉ lệ 60-40, trong đó ông Vũ được hưởng 60%, bà Thảo 40%.

Theo bản án, ông Vũ được sở hữu toàn bộ cổ phần của các công ty và "thối" tiền lại cho bà Thảo. Đồng thời tòa án ghi nhận sự tự nguyện của ông Vũ về việc không tranh chấp tại Công ty Trung Nguyên International ở Singapore.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: 'Vẫn còn các quyền ở Trung Nguyên'

TTO - Sau khi Trung Nguyên có thông cáo khẳng định bà Lê Hoàng Diệp Thảo không còn là cổ đông, bà Thảo cho rằng bản án đang được hoãn thi hành nên các quyền của bà tại tập đoàn này vẫn đang được duy trì.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp