10/11/2012 06:03 GMT+7

Hậu ly hôn

MAI HƯƠNG - TÂM LỤA
MAI HƯƠNG - TÂM LỤA

TT - Những người đã ly hôn thường gọi vui: bây giờ mình là thành viên của câu lạc bộ vầng trăng khuyết. Kể từ khi “cắt nửa vầng trăng”, mỗi người bắt đầu làm quen với cuộc sống một mình.

XHyijJLl.jpgPhóng to

“Nhớ em vội vàng trong nắng trưa, áo phơi trời đổ cơn mưa. Bâng khuâng khi con đang còn nhỏ, tan ca bố có đón đưa...”. Mỗi lần đi nhà trẻ đón bé Na, ngang qua quán cà phê hay xe kẹo kéo trên đường, nghe người ta mở bài hát ấy là chị Minh Trang (ngụ đường Trần Văn Đang, Q.3, TP.HCM) lại nghe lòng muốn khóc.

Đơn thân

Ở trường mầm non, Na đang đợi mẹ. Hôm nay chị đến trễ vì bận việc ở cơ quan. Dừng xe trước cổng trường, chị thấy một cặp vợ chồng trẻ cũng đến đón con. Bé Na của chị đưa hai bàn tay nhỏ xíu về phía người đàn ông. Nó muốn được bồng. Khi đôi vợ chồng ấy bồng con trở ra xe, Na lon ton chạy theo, miệng kêu “ba, ba” rồi nhất định đòi leo lên xe về với “ba”. Chị bước nhanh về phía con, bế thốc nó lên rồi vội vã quay lưng ra cổng mà hai hàng nước mắt lăn dài trên má.

“Lúc đó thiệt tình tui vừa mắc cỡ, vừa thương con vừa không biết giải thích sao với con, không biết nói sao với hai vợ chồng kia. Dạo này đi đâu gặp ai là đàn ông, nó cũng bập bẹ gọi ba”- chị Trang kể. Hơn 2 tuổi, bé Na dường như cảm nhận được sự khác biệt khi lúc nào bên mình cũng chỉ có mẹ, trong khi các bạn thì có cả mẹ, cả ba. Bồng con ra khỏi nhà từ khi con mới hai tháng tuổi, chính thức ra tòa ly hôn khi con được năm tháng rưỡi, từ đó đến nay chị Trang vừa làm cha, vừa làm mẹ gần hai năm. Hôm đó, đón con về nhà, chị trăn trở suốt đêm rồi quyết định nhắn tin cho chồng cũ: “Anh, con đã bắt đầu lớn. Nếu được anh sắp xếp thì giờ tới thăm con, cho nó gọi một tiếng ba”. Không có tin trả lời. Lời đề nghị rơi vào hẫng hụt.

“Thời gian đầu tui ẵm bé Na về quê. Nhưng ở quê làm gì để sống, để nuôi con? Con được gần sáu tháng, tui bồng con ngược lên Sài Gòn mướn nhà trọ ở đường Trần Văn Đang, Q.3 rồi xin đi làm. Sáng sáng, tôi dậy sớm chuẩn bị đi làm, con còn ngủ cũng phải đánh thức nó dậy. Nhà không có người trông con, mọi chuyện đều phải một tay mình xoay xở. Đến mức mỗi lần đi vệ sinh hay vào nhà tắm tôi cũng phải bồng con theo...” - chị Trang nhớ lại những ngày quá vất vả khi một mình làm quen cuộc sống mới.

Với mức thu nhập của một nhân viên văn phòng, chị phải gói ghém vừa nuôi con, vừa trả tiền nhà trọ, nhà trẻ. Nghĩ đến tương lai cho hai mẹ con, chị quyết định học lấy bằng đại học. Những ngày vừa một mình nuôi con vừa đi học, buổi chiều đón con từ nhà trẻ về, gửi cho người quen xong chị chạy xe từ Q.3 lên Q.Gò Vấp học. “Có bằng đại học rồi, tôi hi vọng sẽ tìm được một việc làm tốt hơn. Bé Na mới 2 tuổi, còn cả một tương lai rất dài mà tôi phải lo cho nó”- chị nói.

Làm bạn

Mỗi lần hai đứa con trai của chị Nguyễn Hoàng Khánh Hương (ngụ đường Nguyễn Trường Tộ, Q. Tân Phú, TP.HCM) cần mua đồ điện tử là lại điện thoại, nhắn tin nhờ ba tư vấn. Ngày sinh nhật con, anh phụ trách mua quà, bánh sinh nhật, còn chị là người vào bếp nấu nướng. Trông họ vẫn hạnh phúc như một gia đình, dù hai người đã chính thức chia tay gần sáu năm và anh đã có gia đình riêng. Để làm được điều đó, chị đã biết cách vượt qua những tự ái của bản thân và quan trọng hơn, chị biết đặt quyền lợi của con lên hàng đầu.

Cuộc hôn nhân của hai người đổ vỡ từ khi chị phát hiện anh có người khác và có con riêng. “Dù anh không còn là chồng nhưng vẫn là cha của các con. Dù giận anh, hận anh cách mấy, mình vẫn không có quyền làm cho các con mất cha” - nghĩ như vậy, chị đã đồng ý tạo điều kiện cho anh được chia sẻ những vấn đề nảy sinh trong quá trình nuôi dạy con. Biết anh đã có tổ ấm riêng, chị thường tế nhị không bao giờ gọi điện cho anh bàn chuyện của con vào giờ anh sum họp gia đình. Ngày sinh nhật anh, chị mời anh ra quán cà phê, chúc mừng sinh nhật và nói: “Cảm ơn anh đã cùng em nuôi dạy các con thành người. Cho em xin lỗi nếu như trước đây, trong lúc nóng giận đã có những lời nói làm buồn lòng anh”. Lúc đó, trên gương mặt đàn ông gần 50 tuổi có những giọt nước mắt rơi...

Cách hành xử nhẹ nhàng, tinh tế của chị khiến anh cảm động và càng có trách nhiệm với con hơn. Hôm nào chị bận, anh sắp xếp thời gian đi họp phụ huynh. Lễ bế giảng năm học của con, hai anh chị cùng đi dự. “Có lần tôi đột ngột được thông báo phải đại diện phụ huynh phát biểu ý kiến trong buổi lễ, anh đã lấy giấy bút ra cùng tôi thảo những ý cần nói. Nhìn hai mái đầu của chúng tôi chụm lại gần sát nhau, ai cũng nghĩ chúng tôi vẫn là một đôi hạnh phúc. Sự thật chúng tôi đã trở thành những người bạn đặc biệt của nhau, cùng lo cho con và có thể chia sẻ với nhau mọi khó khăn trong cuộc sống. So với thời gian cùng sống trong một mái nhà mà xung đột, nghi ngờ rồi đau khổ, tôi cảm thấy tình trạng như hiện nay vẫn tốt hơn” - chị Hương nói.

Giận mấy rồi cũng qua đi

Ly hôn xong, sau quãng thời gian đau khổ, chị Mai Phương (Q.4, TP.HCM) đã bình tĩnh hơn. Chị tạo điều kiện cho chồng cũ đến đưa con đi chơi mỗi cuối tuần, cho con gọi vợ sắp cưới của chồng cũ bằng “má”. Có người thắc mắc, Phương chỉ cười: “Mình chỉ muốn có thêm một người thương yêu con mình. Nếu con mình gọi bằng “dì” sẽ có một khoảng cách. Một tiếng gọi người ta bằng “má”, mình cũng đâu mất mát gì. Giận mấy rồi cũng qua đi. Không có duyên vợ chồng thì làm bạn với nhau cũng tốt”.

MAI HƯƠNG - TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp