19/12/2020 10:35 GMT+7

Hậu kiểm với văn nghệ

NGUYỄN THẾ THANH
NGUYỄN THẾ THANH

TTO - Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản... là những nước đã thực thi cách làm này từ nhiều năm qua. Kinh tế phát triển, xã hội ổn định thì văn hóa không thể không thay đổi về hình thức quản lý thích hợp. Thay đổi quản trị để quản trị sự thay đổi.

Không thể không vui khi cách đây vài ngày, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành nghị định 144/2020 với nhiều điểm tiến bộ, mở ra sự thông thoáng đáng kể trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Trong nghị định 144 không còn thấy nhắc đến các khái niệm "ca khúc trước 1975", "ca sĩ hải ngoại" - những khái niệm do lịch sử sinh ra và từng gây ra sự ức chế không nhỏ cho nhiều người Việt Nam một thời gian quá dài.

Bởi vì sự tồn tại của các khái niệm này không góp phần hàn gắn các vết thương tinh thần trong cộng đồng dân tộc, nếu không muốn nói là chừng mực nào đó còn làm tổn thương thêm do thiếu sự bao dung đối với mối quan hệ của con người trong một giai đoạn lịch sử.

Mặt khác, những quy định bó buộc trước nghị định 144 cũng đã gây ra những cản trở, tốn kém không đáng có cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Sau những hào hứng vì sự cởi mở, tiến bộ trong quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn thể hiện trong các quy định của nghị định mới, có lẽ phải sớm nghĩ rộng hơn đến những giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả nghị định này ở hiện tại và tương lai.

Chẳng hạn, bên cạnh bốn tiêu chí không được chấp thuận hoạt động biểu diễn nghệ thuật như đã quy định trong nghị định, trong lĩnh vực ca nhạc nên chăng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cần ban hành danh sách các ca khúc bị cấm lưu hành dưới bất cứ hình thức nào (trong băng đĩa, trên sân khấu và màn ảnh...).

Danh sách này sẽ do một hội đồng xem xét, thẩm định trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành, bổ sung, cập nhật theo định kỳ và sẽ được công khai trên cổng thông tin của các ngành liên quan để mọi người có thể truy cập, giám sát và góp ý sửa chữa khi có sai sót.

Việc tổ chức hội đồng thẩm định để ban hành danh sách ca khúc cấm lưu hành cần xây dựng rõ các tiêu chí, chọn lựa đúng nhân sự có năng lực và kinh nghiệm, có quy chế về hoạt động và trách nhiệm.

Chắc chắn sự tồn tại của hội đồng này sẽ không kéo dài, vì các ca khúc thực sự cần cấm chỉ hình thành trong một giai đoạn của lịch sử và cũng không phải là bao trùm lên toàn bộ nhu cầu thưởng thức âm nhạc của công chúng trong giai đoạn lịch sử ấy.

Cách làm này cũng có thể áp dụng cho văn chương, điện ảnh, sân khấu.

Một điều nữa, cần nghĩ ngay từ bây giờ đến việc xây dựng lộ trình sớm cho việc tiến tới hậu kiểm đối với các hoạt động nghệ thuật biểu diễn thay vì cấp phép (trước đây) và ra văn bản chấp thuận như nghị định 144 quy định.

Khi đã có quy định về những điều cấm thì trách nhiệm của người tổ chức các loại hình biểu diễn phải được đề cao khi gửi hồ sơ đăng ký chương trình (thời gian, địa điểm, giấy phép kinh doanh) đến cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa.

Các tổ chức, cá nhân đăng ký phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tất cả những gì xảy ra về nội dung và hình thức trong chương trình do mình tổ chức. Mức xử phạt cao hay thấp tùy vào mức độ vi phạm.

Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản... là những nước đã thực thi cách làm này từ nhiều năm qua. Kinh tế phát triển, xã hội ổn định thì văn hóa không thể không thay đổi về hình thức quản lý thích hợp. Thay đổi quản trị để quản trị sự thay đổi. Chẳng phải đúng vậy sao?

Không còn khái niệm Không còn khái niệm 'ca khúc trước 1975', thi người đẹp quốc tế không cần danh hiệu trong nước

TTO - Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn vừa được Thủ tướng ký ban hành đã bỏ các khái niệm ‘cấp phép’, ‘tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam’, người đẹp đi thi sắc đẹp quốc tế không cần phải đạt danh hiệu trong nước.

NGUYỄN THẾ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp