Khi trời bắt đầu những trận mưa mang theo lớp đất đá trên các sườn núi trôi xuống sông suối cũng là lúc người dân các xã vùng cao lom khom, lục đục cả ngày mót vàng cám lẫn trong cát sỏi.
Đó là nghề "tọ mọ".
Phận người "tọ mọ"
Đổ bóng trên những dòng nước đục ngầu là dáng người lầm lũi "tọ mọ". Không như những đại gia vàng, phận nghèo trên sông suối ở đất vàng Phước Sơn chỉ mong đủ miếng ăn qua ngày.
Sông Nước Mỹ nối hai xã Phước Chánh và Phước Kim mùa này nước lấp xấp mắt cá chân, lộ những bãi cát dài tít giữa lòng sông. Trời hay đổ ào những cơn mưa chiều, nước kéo theo những lớp đất từ các triền núi đổ xuống, vàng lẫn ở trong đó, dù chỉ là vàng cám, nhỏ như hạt cát.
Khi mặt trời còn lấp dưới vạt rừng, mờ ảo sương giăng, nhiều tốp người bì bõm trên dòng sông. Dụng cụ nào có chi ngoài cái rổ, máng gỗ, miếng thảm nhựa, cây cuốc và cái mâm kim loại để đãi vàng.
"Người Bh'noong ở đây không khai thác kiểu hầm lò, dùng hóa chất cyanua mà chỉ đơn giản là cào cát sỏi dưới sông suối, đổ lên máng, lấy nước xối cho những hạt vàng li ti lẫn trong cát, rơi ra và bám vào tấm thảm. Tất cả là thủ công", người đàn ông đứng trên cầu Nước Mỹ chỉ xuống chỗ mấy nhóm người đang "tọ mọ", nói.
Chúng tôi băng qua bờ cát dài tiếp cận dân làm nghề "tọ mọ".
Thấy người lạ, nhóm người bỗng ngừng bặt, nhìn đầy dò xét, xen lẫn lo sợ. Giữa dòng sông, hai phụ nữ nước da cháy đen đang lom khom mót vàng.
Đó là hai chị em Hồ Thị Ch. (35 tuổi), Hồ Thị C. (37 tuổi, ở xã Phước Chánh). Hai tay chị Ch. thoăn thoắt xúc cát sỏi từ sông, đổ lên máng gỗ, tay phải múc gàu nước đổ ào ào cho lớp cát lọt xuống máng. Trên máng có đặt một lớp thảm bằng cỏ nhân tạo để cát lẫn vàng dính lại.
Mắt chị luôn chăm chú nhìn vào máng quan sát kỹ lớp cát. Hùng hục một hồi, chị Ch. lấy lớp cát trên tấm thảm đổ vào chiếc mâm bằng kim loại để mang theo hy vọng may mắn có những hạt vàng cám sót lại.
Chị Ch. kể thực ra chẳng có kinh nghiệm nào cả, đã gọi là làm "tọ mọ" thì hên xui. Làm chỗ này không có thì sang chỗ khác thử vận may.
Thấy chúng tôi lo lắng chỉ về phía cô bé 3 tuổi bì bõm chơi phía bờ sông, chị Ch. phân trần để ở nhà không ai ngó, vì ba đứa lớn đi học cả, mang ra đây cho nó chơi nước "rứa mà hắn lại ưng".
Chị Ch. tiếp mạch, mình đã đi "tọ mọ" vàng ba năm nay. Nhà diện hộ nghèo, sáu miệng ăn, chồng đi đốn keo thuê, còn chị thì ra sông "tọ mọ". Vậy nhưng cứ thiếu trước hụt sau. "Khổ lắm thì mới ra đây đào đãi.
Phụ nữ mà ngâm nước cả ngày, chân tay trắng phệch, nhăn nheo, chân lở loét cũng ráng mà làm. Ngày nào hên có chút cám được vài chục ngàn, trăm ngàn, có hôm "chạy gió", chẳng có chi", Ch. nói.
Đào đãi kế bên, là người chị gái của Ch. tên C. cũng xen thêm vào chuyện về những phận nghèo nơi đây. Chồng C. uống rượu nhiều như nước rồi đổ bệnh. Mình C. cáng đáng chồng và mấy đứa con.
Người phụ nữ chưa tới 40 tuổi hằn rõ nét lam lũ trên khuôn mặt. "Ngày mô cũng ngâm nước ri, mà nước chảy qua các bãi vàng của mấy công ty phía thượng nguồn ra suối rồi đổ về, chân tay ngứa ngáy kinh lắm", C. chia sẻ.
Mặt trời rọi thẳng đứng, hai chị em lục đục lên bờ ăn vội nắm cơm mang theo. "Tranh thủ làm chứ chiều là thủy điện trên nguồn xả nước", C. giải thích. Những "thân cò" lại tiếp tục "tọ mọ" giữa sông.
Mót vàng dưới bãi đại gia
Chúng tôi lại ngược lên xã Phước Thành, nơi được mệnh danh thủ phủ vàng huyện Phước Sơn bởi có nhiều mỏ vàng các công ty khai thác rầm rộ. Đứng nhìn con suối Đăk Met đục ngầu thì chúng tôi được người bản địa giới thiệu, đó "đặc sản" từ những bãi vàng rỉ ra.
Lội bộ men theo lòng suối, hơn 1 giờ đi mà chỉ thi thoảng vọng lại tiếng chim rừng, còn lại là một sự im ắng rợn người. "Phía trên là các bãi vàng Khe Tăng doanh nghiệp làm. Cứ đi lên hướng đó sẽ gặp nhiều dân tọ mọ, mót lại từ các bãi", một người đi rừng ngang qua nói.
Càng đi vào sâu, lều bạt những người đi "tọ mọ" ngổn ngang con suối Đăk Mek. Không bặm trợn như dân bãi vàng chuyên nghiệp, những người mót vàng, "tọ mọ" này chủ yếu là đồng bào Giẻ Triêng hiền lành, dễ gần.
Chúng tôi bắt gặp nhóm ba thanh niên đang chạy xe Win chở những bao rỉ nước nặng lặc lè được lấy từ lòng suối Đăk Met, để hỏi thăm. "Đem về nhà đãi lấy vàng, kiếm được đồng nào hay đồng nấy", T. đáp. "Bãi của các công ty thì đi lên hai con dốc dựng đứng nữa là tới. Dọc suối ni bà con mình làm tọ mọ thôi", T. giải thích.
"Sao không xin vô mấy công ty vàng mà làm?", chúng tôi hỏi. T. rít điếu thuốc nói: "Không chịu được đâu. Làm trong bãi đa số là dân nơi khác đến chứ dân bản địa thì lắc đầu. Mùi hôi, hóa chất độc hại rồi phải chui trong hầm sâu... ngán lắm".
"Nhưng làm trái phép ri, người ta truy quét miết mà?". Bập hơi thuốc, T. nói: "Cũng chịu thôi, tọ mọ có ngày còn được vài chục hoặc trăm bạc. Chứ bó gối ngồi nhà, lấy chi bỏ vô miệng. Họ có xử phạt cũng không có tiền để nộp đâu". T. nói rồi nổ máy xe phăng phăng chở những bao quặng men theo dòng suối chạy ra khỏi rừng.
Quá trưa, giữa dòng Đăk Met đục ngầu, vợ chồng ông Hồ Văn Thêm vẫn lầm lũi kẻ xúc cát sỏi, người đãi. Nhà đông con, không nghề nghiệp, nên ông bà ngày nào cũng lấy dòng suối này làm kế sinh nhai. "Sáu đứa con, ít ruộng, lúa phập phù, không mần ri lấy chi ăn", ông Thêm chia sẻ.
Khi bụng réo vì đói, vợ chồng ông lấy gói ni lông đùm cơm và chiếc hộp nhựa đựng canh chỉ lõng bõng nước, ít mắm rồi ngồi bệt trên mỏm đá giữa lòng suối ăn. Khác với những đại gia vàng khai thác hầm lò, những cư dân bản địa chỉ mong đãi được chút vàng cám để đắp đổi qua ngày trong cuộc sinh nhai.
Nghèo xác xơ trên đất vàng
Chúng tôi tìm đến UBND xã Phước Thành. Từ trụ sở xã nhìn về phía trước là Bãi Ruộng, bãi vàng của một đại gia vàng có tiếng, nhìn quanh các đồi núi là những bãi vàng của các công ty khác.
Lâu nay Phước Thành được biết đến là thủ phủ vàng Phước Sơn, vậy cư dân địa phương được hưởng lợi gì? Ông Hồ Văn Trung, phó chủ tịch xã, lắc đầu: "Lãnh đạo xã cũng rất trăn trở. Bà con ở đây chủ yếu sống bằng nông nghiệp, hết nghề nông không biết làm chi.
Sau khi các doanh nghiệp được cấp phép khai thác thì cũng có người dân địa phương vào làm việc, nhưng ít lắm. Phần lớn bà con không muốn làm vì phải vô hầm sâu rất sợ, hoặc công việc không phù hợp", ông Trung cho hay.
Ông tính sơ bộ toàn xã có 519 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu. Tỉ lệ hộ nghèo của xã là hơn 81%, cao nhất cả huyện. Cư dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa. Sau đợt bão lũ năm 2020, đa số ruộng của bà con dọc theo suối Đăk Met 1, 2 bị cuốn trôi hoặc bị đất đá sạt lở vùi lấp.
Cũng theo vị lãnh đạo xã, trên địa bàn có ba công ty khai thác vàng. Trong đó, có hai mỏ đã có phép, hai mỏ khác hiện đang chờ giấy phép.
Ngoài việc thực hiện các chính sách thuế với Nhà nước, thì hầu như các doanh nghiệp ít tham gia hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho địa phương. "Phía xã cũng đang có ý tưởng đề nghị doanh nghiệp khai thác vàng phối hợp với Nhà nước để hỗ trợ nhà ở cho bà con".
"Tỉ lệ hộ nghèo trên 57% và tập quán canh tác còn hạn chế, đây là rào cản phát triển kinh tế của xã, trong khi khoáng sản (vàng) là một lợi thế của địa phương" - ông Ba nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận