04/05/2018 12:15 GMT+7

Hậu 10 kỳ Festival Huế, rồi sẽ ra sao?

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Vậy là Huế đã thực hiện được 10 kỳ festival sau 18 năm gieo hạt và gặt hái. Lúc này, việc đánh giá festival văn hóa - du lịch được xếp hạng quốc gia ấy không phải là "mùa này hơn mùa trước", mà câu hỏi cần đặt ra là nó sẽ tiếp tục thế nào?

Hậu 10 kỳ Festival Huế, rồi sẽ ra sao? - Ảnh 1.

Nếu có công ty chuyên kinh doanh sự kiện này thì rất nhiều chương trình đặc sắc của Festival Huế sẽ tạo được nguồn thu lớn - Ảnh: THƯỢNG HIỂN

Câu hỏi này khiến người ta nhớ đến đề án xây dựng Huế trở thành thành phố festival đã được Chính phủ phê duyệt từ hơn 10 năm trước (năm 2007). 

Một đề án mà giới chuyên môn văn hóa đều cho rằng đó là điều kiện cần và đủ để Festival Huế tiếp tục tồn tại một cách bền vững.

Chính phủ cho cơ hội, nhưng nguồn vốn thì hầu như là tỉnh phải tự kiếm. Tỉnh ban hành cơ chế, chính sách, nhưng thu hút đầu tư đâu có dễ!

Ông Nguyễn Văn Cao (chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế)

Thành phố festival: thành hình nhưng chưa rõ

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin Thừa Thiên - Huế, cho rằng Chính phủ quyết định phê duyệt đề án "Huế - thành phố festival đặc trưng của Việt Nam" là đã tạo cho Huế một cơ hội vàng.

Ông Hoa chính là một trong vài người khai sinh ra Festival Huế và là thành viên nòng cốt của nhóm chuyên gia xây dựng đề án "Thành phố festival". 

Tháng 7-2008, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành một kế hoạch với 7 nhiệm vụ rất cụ thể cùng một danh mục 45 dự án, công trình để triển khai quyết định của Chính phủ.

Sau 10 năm, đề án "Thành phố festival" đã được thực hiện như thế nào?

Hậu 10 kỳ Festival Huế, rồi sẽ ra sao? - Ảnh 3.

Nếu Festival Huế được vận hành bởi một doanh nghiệp, thì các chương trình đầu tư công phu thế này sẽ được khai thác để tạo nguồn thu - Ảnh: Thượng Hiển

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Cao, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng "cơ bản là đã đạt được". 

Theo ông Cao, tỉnh đã thực hiện các nhiệm vụ của đề án, trong đó tốt nhất là bảo tồn di sản, tôn tạo các không gian lễ hội như Đại nội, hai bờ sông Hương.

Quy hoạch toàn bộ bờ nam sông Hương từ cầu Phú Xuân về cầu Trường Tiền trở thành khu vực chỉ dành cho văn hóa và du lịch.

Hệ thống thiết chế văn hóa đã được xây dựng thêm, sắp tới sẽ có nhà hát Sông Hương, trung tâm chiếu phim, các bảo tàng. 

Nguồn nhân lực cũng đã chú trọng đào tạo tại chỗ để mỗi mùa festival không còn phải đi mời Hà Nội, TP.HCM...

Ông Cao cho rằng đã làm được nhiều nhưng vì nhiều dự án của thành phố festival lồng ghép trong các chương trình trọng điểm của tỉnh về du lịch, phát triển đô thị Huế, mà không có dự án nào riêng cho festival nên mọi người cứ cảm giác như không có. Và cái khó vẫn là nguồn vốn đầu tư.

Hậu 10 kỳ Festival Huế, rồi sẽ ra sao? - Ảnh 4.

Show diễn của ban nhạc rock đến từ Pháp có bán vé nhưng rất thấp - Ảnh: Công Triệu

Phải có công ty festival

Ông Phan Tiến Dũng, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, cũng thừa nhận Huế còn quá thiếu nhiều thiết chế văn hóa đạt chuẩn, vì vậy muốn tổ chức một liên hoan phim quốc gia cũng không có đủ rạp chiếu, chưa có một gallery chuyên nghiệp để trưng bày tranh, không có một nhà hát sang trọng cho nghệ sĩ đẳng cấp biểu diễn...

Theo kế hoạch, sở này là đơn vị được giao nhiều việc nhất, trong đó có xây dựng nhà hát, rạp phim, trung tâm triển lãm...

Tuy nhiên, ông Dũng nói việc này chỉ doanh nghiệp mới làm được. Ông Cao cũng đồng ý như vậy, Nhà nước chỉ xây dựng chính sách, nhưng bao năm rồi vẫn chưa tìm được nhà đầu tư.

Đó là nguyên nhân mà đến nay, sau 18 năm với 10 kỳ lễ hội, việc vận hành và khai thác Festival Huế vẫn là công việc của Nhà nước, với "nhiệm vụ chính trị lồng ghép với nhiệm vụ kinh tế".

Hậu 10 kỳ Festival Huế, rồi sẽ ra sao? - Ảnh 5.

Festival Huế rất cần sự có mặt của doanh nhân trong bộ máy điều hành. Trong ảnh là cuộc diễu hành xe cổ - Ảnh: Thượng Hiển

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng Festival Huế đã bị "hành chính hóa", và lực lượng điều hành Festival Huế vẫn chưa chuyên nghiệp.

Vì vậy, từ 10 năm trước, đã có ý kiến phải thành lập một công ty festival để điều hành và khai thác Festival Huế.

Chắc chắn, Festival Huế không phải xin kinh phí ngân sách mà còn thu được nhiều tiền từ việc bán quảng cáo, bán bản quyền, tài trợ, bán vé, hàng lưu niệm, ghi hình các chương trình hay để bán băng đĩa cho du khách và vô số dịch vụ khác...

Và đó chính là nguồn đầu tư cho "Thành phố festival". Cả ông chủ tịch UBND tỉnh lẫn giám đốc Sở KH-ĐT Phan Thiên Định và ông trưởng ban tổ chức Festival Huế là phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung đều đồng ý như thế.

Nhưng bao giờ Công ty Festival Huế ra đời? Ngay cả ông chủ tịch tỉnh cũng lắc đầu chưa biết được. "Chúng tôi phải tiếp tục xây dựng cơ chế ưu đãi để tìm kiếm thôi" - ông Cao nói.

Festival Huế 2018 lộng lẫy bế mạc: Hát khúc ân tình đêm giã bạn

TTO - Hàng vạn người dân và du khách đã đến quảng trường Ngọ Môn thưởng thức chương trình nghệ thuật bế mạc tối 2-5, với chủ đề 'Huế! Khúc hát ân tình'.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp