Đứng giữa những bia mộ các liệt sĩ, nhạc sĩ Trương Quý Hải nghẹn ngào hát vang hai ca khúc Về đây đồng đội ơi và Hát cho người còn sống. Cách đây 30 năm, nhạc sĩ Trương Quý Hải là chiến sĩ thuộc sư đoàn 356 tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Chiều 18-3, những thành viên trong đoàn hành trình đã có mặt tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, Hà Giang.
Chỉ mới vừa trong buổi sáng nhiều thành viên trong đoàn đang ở giữa phố phường náo nhiệt Sài Gòn, và bây giờ trước mắt đoàn hành trình là hình ảnh đài Tổ quốc ghi công ở nghĩa trang Vị Xuyên - miền đất cuối trời cực Bắc Tổ quốc.
Giữa nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, nhạc sĩ Trương Quý Hải lại ôm đàn cất tiếng gọi hồn tha thiết với những anh linh liệt sĩ “Về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn, hãy về đồng đội ơi, còn nằm khe đá hay thung sâu, hãy về đồng đội ơi người lính chiến mãi đôi mươi, về đây điếu thuốc lào, ấm chè chốt hồn nhiên vui cười, bạn bè đồng đội người thân ôm nhau nước mắt chan hòa. Biên cương hình bóng quê nhà...”. |
Biên cương hình bóng quê nhà
Ca sĩ Minh Chuyên đã đồng hành với Tuổi Trẻ nhiều lần cùng chương trình Tháng ba biên giới, khi nhìn nhạc sĩ Trương Quý Hải ôm đàn đứng hát giữa nhấp nhô mộ phần đồng đội cô đã bật khóc.
Minh Chuyên bảo: “Em nghĩ đến bố em, một người lính may mắn trở về sau cuộc chiến, ông cũng đi qua trận mạc và trở về nhà với tấm thẻ thương binh. Nếu ông không may mắn trong cuộc chiến? Ông sẽ như những người lính đang nằm đây! Chỉ nghĩ đến đó thôi là em đã khóc!”.
Kết thúc bài hát Về đây đồng đội ơi, điệp khúc “Biên cương hình bóng quê nhà” cứ vang vọng mãi trong chiều nghĩa trang.
Có cả trăm miền quê với hàng ngàn người lính trong nghĩa trang này.Nhưng các anh đã chọn Vị Xuyên nằm lại, quê nhà bây giờ chính là mảnh đất biên cương. Nhưng không chỉ có thế. Những ngày tháng ba này ở Hà Giang đang mùa hoa gạo đỏ. Cây gạo trổ hoa là hình ảnh quê nhà gần gụi nhất.
Trước nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên cũng có hai cây gạo cao vút, nở đầy hoa đỏ. Màu hoa thắm hay là máu những người lính trẻ hi sinh nơi biên cương một thuở vọng về?
Nhạc sĩ Trương Quý Hải, cựu binh của sư đoàn 356, thành viên tham gia đoàn hành trình “Tháng ba biên giới” của báo Tuổi Trẻ cũng là một lính trận của Vị Xuyên.
Sau những trận đánh khốc liệt ấy, anh may mắn trở về. Nhưng có rất nhiều người bạn lính của anh đã nằm lại trên những mái đồi của điểm cao 685, điểm cao 772, 1059, của bình độ 300-400. Món nợ với những bạn bè trang lứa không về đã khiến anh viết những ca khúc khắc khoải về tình đồng đội thiêng liêng của những người lính Vị Xuyên thuở ấy.
Tháng 7-2014, khi báo Tuổi Trẻ bắt đầu loạt bài nhắc nhớ về trận đánh khốc liệt tròn 30 năm ở Vị Xuyên, 12-7-1984 - 12-7-2014, câu chuyện về “sư đoàn hóa đá” 356 được báo chí nhắc đến. Sau đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã mời các cựu binh sư đoàn 356 gặp mặt.
Tại buổi gặp, nhạc sĩ Trương Quý Hải đã ôm đàn cùng những cựu binh Vị Xuyên hát bài ca Về đây đồng đội ơi ngay Phủ chủ tịch.
Ông Tăng Hữu Phong, phó tổng biên tập phụ trách báo Tuổi Trẻ, dâng hương viếng anh linh các liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên - Ảnh: Nguyễn khánh |
Ngã xuống lúc tuổi đời đẹp nhất
Nhiều thành viên trong chuyến hành hương đã không nén được xúc động khi đứng trước hàng ngàn nấm mộ mà tuổi tên khắc trên bia cho biết hầu như các anh đều ngã xuống ở tuổi hai mươi.
Với tiến sĩ Lê Nguyễn Minh Quang, người đã đồng hành trong suốt hành trình “Tháng ba biên giới” từ Quảng Ninh đến Điện Biên, đây là lần đầu anh biết đến Hà Giang: “Hôm qua trước khi ra đây tôi còn hãnh diện khoe với đối tác tôi là thành viên đoàn hành trình “Tháng ba biên giới” của báo Tuổi Trẻ. Đã ba lần tham gia và càng ngày tôi càng thấy chương trình vô cùng ý nghĩa. Đất nước ta hiện đang sống trong hòa bình nhưng không phải không có những mối đe dọa.
Chiều nay khi đứng trước hàng ngàn nấm mộ liệt sĩ trong nghĩa trang, tôi nghĩ đến những ngày các anh đã giành giật với quân giặc từng tấc đất và chắc chắn sự hi sinh của các anh đã làm kẻ thù khiếp sợ và hun đúc thêm tinh thần yêu nước cho những lớp trẻ sau này.
Các anh đã ngã xuống ở thời khắc đẹp nhất của cuộc đời, đó là thời tuổi trẻ. Năm 2013, đến Pò Hèn trong chương trình Tháng ba biên giới lần đầu, chỉ đứng trước hơn hai mươi nấm mộ ở đó tôi đã thấy vô cùng xúc động, vậy mà chiều nay trước mắt tôi là 1.723 nấm mộ, nhiều mộ còn để dòng chữ “liệt sĩ chưa biết tên” và như các cựu binh mặt trận Vị Xuyên kể, còn rất nhiều hài cốt đồng đội họ đang còn trên những đồi đá biên giới Thanh Thủy”.
Trong khu mộ lưng chừng mái đồi nằm phía phải của đài Tổ quốc ghi công ở nghĩa trang Vị Xuyên, chúng tôi bắt gặp một dãy mộ chí ghi thời điểm hi sinh là tháng 3-1985. Nghĩa là đúng vào những giờ khắc này tròn 30 năm trước, chỉ cách vị trí nghĩa trang hơn 30 cây số, những người lính trẻ này đã ngã xuống trên những đồi đá vùng cửa khẩu Thanh Thủy.
Thời điểm đó, những người lính của các sư đoàn 313, 356 trong tháng 3-1985 đang bắt đầu chiến dịch “lấn dũi” vô cùng khốc liệt.
Ông Tăng Hữu Phong, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, thay mặt đoàn hành trình đặt hoa viếng anh linh các liệt sĩ và khấn nguyện rằng hành trình Tháng ba biên giới lên với Hà Giang hôm nay chính là bày tỏ sự tri ân với những hi sinh của đồng bào và chiến sĩ nơi biên cương và cũng muốn nói với thế hệ trẻ hôm nay hãy sống xứng đáng với sự hi sinh ấy!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận