26/12/2015 10:13 GMT+7

Hạt mầm “Công dân trẻ” đã nở hoa

QUỐC NGUYÊN
QUỐC NGUYÊN

TT - Năm nay là năm thứ 10 hình thành, cuộc vận động “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM” đã thật sự phát triển để không chỉ giới thiệu những gương mặt nổi bật, mà qua đó những “quả ngọt” do chính những “công dân trẻ” tạo ra đã để lại nhiều dấu ấn cho xã hội.

 

Từ ước mơ của công dân trẻ Lê Thanh Thúy, chương trình
Từ ước mơ của công dân trẻ Lê Thanh Thúy, chương trình "Ước mơ của Thúy" đã thu hút sự quan tâm, chung tay của nhiều thành phần trong xã hội. Trong ảnh: hàng ngàn bạn trẻ đến tham gia các hoạt động gây quỹ cho bệnh nhi ung thư tại Ngày hội hoa hướng dương 2015 ở TP.HCM - Ảnh: Ngọc Hiển

Nối tiếp ước mơ của đóa hướng dương Lê Thanh Thúy chăm sóc cho bệnh nhi ung thư, những “mắt thần” TS Nguyễn Bá Hải tặng người khiếm thị, phát hiện để phòng bệnh và tạo con tôm giống sạch cho bà con của TS Trần Hữu Lộc hay phần mềm “Bus map - xe buýt thành phố” của sinh viên Lê Yên Thanh... là một số trong những dấu ấn đáng nhớ của nhiều “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM” các năm qua.

Chúng tôi nhận thấy mỗi điển hình được vinh danh đã luôn tự ý thức rèn luyện không chỉ để xứng đáng với danh hiệu mà còn nỗ lực tạo ra những sản phẩm, công trình có ích, đóng góp thiết thực cho cộng đồng. Do đó, tổ chức Đoàn, Hội sẽ phải làm tốt hơn nữa vai trò kết nối để những hành động đẹp, công trình, sản phẩm ý nghĩa do các “Công dân trẻ tiêu biểu” tạo ra ngày càng lan tỏa và cùng góp phần vào việc xây dựng, phát triển thành phố

Anh NGUYỄN MẠNH CƯỜNG (bí thư Thành đoàn TP.HCM)

Tấm lòng với xã hội

Ngay khi được vinh danh là một trong năm “Công dân trẻ tiêu biểu” đầu tiên của TP.HCM năm 2006, Lê Thanh Thúy - cô gái không may bị ung thư xương - đã có ước mơ làm điều gì đó cho bệnh nhi ung thư.

Ước mơ ấy đã thành hiện thực bằng chương trình “Ước mơ của Thúy” do báo Tuổi Trẻ khởi xướng, làm nhịp cầu. Thanh Thúy đã thỏa ước nguyện, chống nạng đến từng giường bệnh để tận tay trao những món quà ân tình cho các bạn nhỏ mắc bệnh ung thư ngay trong những ngày cuối đời của mình.

Chương trình này vẫn tiếp tục nhiều năm qua, trong đó ngày hội Hoa hướng dương vì bệnh nhi ung thư được tổ chức đều đặn vào những lần tưởng niệm ngày mất của Thúy hằng năm.

Không chỉ dừng ở TP.HCM, ngày hội đã vươn ra Hà Nội và một số tỉnh, thành khác để chia sẻ, hỗ trợ chi phí điều trị, xây tặng sân chơi, tổ chức sinh nhật định kỳ hằng tháng và cả hình thành những lớp học ngay trong bệnh viện cho bệnh nhi ung thư.

Tính đến thời điểm hiện tại, có hàng vạn tấm lòng đã ủng hộ hơn 16 tỉ đồng giúp chương trình có thể nối rộng vòng tay với bệnh nhi ung thư cả nước.

Trong khi đó, TS Nguyễn Bá Hải (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) - được tuyên dương năm 2012 - được nhắc đến với “mắt thần” đã mang lại nhiều tiện ích cho người khiếm thị.

Trải qua nhiều phiên bản, đến nay “mắt thần” không chỉ gọn nhẹ như chiếc kính đeo thông thường mà còn được cải tiến để khả năng nhận diện vật cản thông minh hơn.

Đáng nói là công nghệ ấy từng có người đặt vấn đề mua lại với con số tiền tỉ song anh không chuyển nhượng, bởi mục tiêu lớn nhất của vị tiến sĩ công dân trẻ ấy là có thể sản xuất, tặng cho càng nhiều người khiếm thị càng tốt.

Một công dân trẻ khác là TS Trần Hữu Lộc (ĐH Nông lâm TP.HCM) - được tuyên dương năm 2014 - từ lâu đã là người bạn thân thiết của bà con nuôi tôm. Tên tuổi anh không chỉ được biết đến trong nước mà cả ở giới chuyên gia thế giới chuyên nghiên cứu về con tôm.

Tốt nghiệp tiến sĩ tại Mỹ nhưng Lộc nhất quyết trở về VN vì “ở đó là quê hương, còn rất nhiều bà con nuôi tôm đang cần mình và bản thân mình có thể giúp được”. Nhờ kết quả nghiên cứu của Lộc, bà con nuôi tôm đã chủ động phòng tránh bệnh, giúp tăng năng suất và làm ăn khấm khá hơn với con tôm.

Công trình mới nhất được nhắc đến khi nói về công dân trẻ Lê Yên Thanh (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) - được tuyên dương năm 2014 - chính là phần mềm “Bus map - xe buýt thành phố”. Xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm xe buýt di chuyển hằng ngày mà một sinh viên tỉnh lên thành phố học như Thanh cần biết, bạn đã viết phần mềm này.

Hiện Thanh đã chuyển giao cho Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở Giao thông vận tải TP.HCM). Truy cập phần mềm này, bất kỳ người dân nào của thành phố có nhu cầu sử dụng xe buýt đều có thể tra cứu thông tin hữu ích hoàn toàn miễn phí.

Tiến về phía trước

Bá Hải vẫn miệt mài với hành trình tạo ra những sản phẩm phục vụ tốt hơn cho con người, trong đó có chiếc gậy thông minh để kết hợp với “mắt thần”.

Mới đây, tại diễn đàn Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, Hải chia sẻ suy nghĩ của bản thân rất đáng để mỗi bạn trẻ lưu tâm: bớt than thở và đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan hay sự mất công bằng nào đó, cần nỗ lực không ngừng mỗi ngày để bồi đắp giá trị tâm hồn của bản thân bằng những suy nghĩ và việc làm cụ thể để cùng xây dựng đất nước.

Trước đó, TS Hải đã thuyết phục được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao các đơn vị liên quan cấp kinh phí để có thể xuất xưởng “mắt thần” hàng loạt phục vụ, tặng người khiếm thị nghèo cả nước trong thời gian tới và các công việc liên quan cho dự án này vẫn đang được tiến hành.

Trong khi đó, TS Hữu Lộc vẫn ăn ngủ hàng giờ với phòng thí nghiệm để có thể hiểu con tôm cặn kẽ nhất, giúp bà con có những vụ nuôi tôm thắng lợi nhất có thể. Nơi ấy luôn có những cộng sự chung tình yêu con tôm như anh, để mỗi ngày tìm cách chế ngự các chứng bệnh, tạo ra con giống sạch mà xa hơn là tạo được con tôm giống bố mẹ.

Từ con tôm thẻ chân trắng, TS Lộc và các cộng sự còn nghiên cứu trên con tôm sú, tôm càng xanh mà theo anh là điều kiện và môi trường nuôi của VN rất thuận lợi cho những loài này.

Lê Yên Thanh cùng nhóm tác giả vừa được vinh danh giải nhì giải thưởng “Nhân tài đất Việt” 2015 cho phần mềm tra cứu thông tin liên quan đến lộ trình, giờ giấc, tìm đường đi của xe buýt nói trên. Thanh vẫn tiếp tục sáng tạo trong thế giới đa dạng của công nghệ thông tin để viết ứng dụng mới phục vụ đời sống.

Hè 2016 Yên Thanh sẽ có mặt thực tập tại Google ở Mỹ cùng hai sinh viên khác cùng trường sau khi vượt qua những vòng kiểm tra, vấn đáp trực tuyến với các chuyên gia của Google về kiến thức chuyên môn, khả năng tư duy, công nghệ và thuật toán.

Và người ta sẽ còn nhớ mãi, nhắc về Lê Thanh Thúy không chỉ với tinh thần lạc quan, nghị lực chống lại căn bệnh ung thư đến phút cuối đời mà còn là tâm nguyện ý nghĩa của cô. Để hôm nay chương trình ấy đã và sẽ còn tiếp sức, chia bớt nỗi đau với cả ngàn bệnh nhi ung thư.

Dấu ấn đáng tự hào

Tính luôn lần tuyên dương của năm 2015, có 58 bạn trẻ được vinh danh và trao giải thưởng “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM”. Đây là những điển hình được hội đồng bình chọn của Thành đoàn TP.HCM bỏ phiếu chọn từ 936 đề cử do các đơn vị gửi về. Các bạn có mặt trên nhiều lĩnh vực, từ lực lượng vũ trang, công nhân, văn nghệ sĩ, vận động viên, nông dân đến sinh viên, học sinh học tập xuất sắc...

Trong 58 gương được tuyên dương, có hai tiến sĩ trẻ, hai anh em ruột, một đôi vợ chồng, có người được phong tặng nghệ sĩ ưu tú. Theo quy chế giải thưởng, tại thời điểm được tuyên dương các gương phải từ 30 tuổi trở xuống, trong đó người trẻ nhất được vinh danh là vận động viên cờ vua Nguyễn Anh Khôi vào năm 2012 khi mới 10 tuổi.

QUỐC NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp