Tùng Dương với Ca ngợi Hồ Chủ tịch trong Giai điệu tự hào 4 - Ảnh: Hương Thảo |
Chương trình GĐTH được Việt hóa từ chương trình truyền hình Tài sản quốc gia. Từ năm 2009-2013, chương trình này được đánh giá đã vào loại thành công nhất trong lịch sử truyền hình của nước Nga hiện đại.
Những bài ca không quên
Cộng đồng mạng bình luận nhiệt tình Lên sóng đầu tiên vào ngày 25-1-2014, Giai điệu tự hào (do VTV phối hợp cùng Motion Media và Eco Pharma thực hiện) đã phát sóng được bốn số: Bài ca năm tấn, Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình, Rừng cây - đời người, Ăn no đánh thắng. Chương trình thứ năm dự kiến được phát sóng lúc 20g30 ngày 31-5 trên VTV1. Có thời lượng phát sóng cách quãng hơi dài - mỗi tháng chỉ một số, nhưng Giai điệu tự hào đang ngày càng thu hút khán giả truyền hình... Một điều khá thú vị là bên cạnh sự bình chọn của hai hội đồng tại trường quay và khán giả, chương trình cũng được xem lại khá nhiều trên YouTube và được cộng đồng mạng bình luận nhiệt tình. Hầu hết ý kiến đều khen ngợi những ca khúc khiến họ thêm yêu đất nước và tự hào là người VN. H.LÊ |
GĐTH với việc bình luận, bày tỏ cảm xúc “không giới hạn” đối với ca khúc kinh điển VN (nhất là ca khúc kháng chiến chống Pháp, Mỹ) thông qua đối thoại, bình luận (không phải lúc nào cũng thuận chiều) của hai hội đồng trẻ - già Việt, về cơ bản, đã đem đến hiệu quả đầu tiên về nghe - nhìn cho công chúng Việt.
Đó chính là những nỗi niềm cảm động, những rưng rưng tự hào, đã lâu lắm chưa được tác động từ những chương trình truyền hình thực tế ở VN hôm nay.
Bằng âm nhạc của quá khứ đầy tự hào, liệu có thể đánh thức những xúc động đang có thể bị ngủ quên ấy chăng, có thể làm hòa dịu những mâu thuẫn, thậm chí xung đột giữa hai thế hệ già - trẻ ở VN hôm nay chăng?
Tôi nghĩ GĐTH đã tự đặt ra và trả lời được những câu hỏi trên về căn bản và có thể tiếp tục trả lời, nếu giữ cho được hồn cốt khỏe khoắn, lãng mạn trẻ trung và cao vút tinh thần tự hào về quá khứ không thể nào quên, như lời một ca khúc của Hoàng Vân: “Người chiến sĩ ấy ai đã gặp anh, không thể nào quên, không thể nào quên...”.
Làm sao có thể quên được ngày “mùa xuân đầu tiên” về trên TP.HCM, vì “từ đây người biết yêu người”... là lời ca khúc lãng mạn trong trẻo nhất của Văn Cao viết về ngày thống nhất, qua tiếng hát trữ tình sâu lắng và dạt dào tình cảm của Hồng Nhung.
Và càng chẳng thể nào quên một quá vãng bi hùng của người Việt ở thế kỷ 20, qua tiếng hát thiết tha, lãng mạn thuần khiết, đầy nhắn nhủ của Cẩm Vân (mà theo tôi, không thể có ai hát hay hơn, đẹp hơn và thiết tha hơn Cẩm Vân, ca sĩ duy nhất đã lột tả được tinh thần lãng mạn tự hào này của Bài ca không quên của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn).
Đây là ca khúc đỉnh điểm của chương trình GĐTH số 3 với dàn dựng thiện nghệ, tài hoa của đạo diễn Việt Tú, khi xử lý không gian mỹ thuật cho ca khúc này trên sân khấu truyền hình của GĐTH.
Làm nền cho tiếng hát tràn trề nội lực của Cẩm Vân, Việt Tú đã dựng cả một dàn diễn viên gồm 30 bà cụ nông dân đứng ngay sau ca sĩ, im lặng trình diễn suốt từ đầu đến cuối bài hát.
Trên tay 30 bà cụ giơ cao 30 tấm hình liệt sĩ đã hi sinh trong hai cuộc kháng chiến. Và cả khán phòng gần 400 người cùng đứng dậy, trên tay họ là 350 tấm hình liệt sĩ mà trong đó nhiều người chưa tìm được hài cốt, chỉ còn lại di ảnh. Tất cả đều đứng lặng im, bồi hồi cảm động trước cảnh tượng sân khấu đẹp bi tráng ấy, và không thể cầm được nước mắt.
Cẩm Vân với Bài ca không quên trong Giai điệu tự hào 3 - Ảnh: Hương Thảo |
Sống dậy một ký ức tự hào
Công chúng nghe nhìn Việt hôm nay có thể là một công chúng rất nhạy cảm về chính trị - chính luận và tinh tường về thẩm mỹ hay không, điều đó còn phụ thuộc vào những chương trình truyền hình được dàn dựng tử tế hay không.
Ca khúc được dựng và hát như Bài ca không quên đã thỏa mãn cả cái nghe và cái nhìn hiện đại của họ, sự tự hào dân tộc đã có thể bị lãng quên, đã được đánh thức bằng giai điệu không thể nào quên của một thời chiến tranh vệ quốc mà quá nhiều máu xương đã đổ!
Nếu đặt GĐTH trong sự phát triển của chính nó, mới qua bốn số phát sóng, đã có thể thấy: GĐTH Việt đang hé lộ điểm sáng nhất, đó là sự nỗ lực đổi mới cách dàn dựng, cách dẫn chương trình, cách biểu diễn của các ca sĩ, trước sự khen chê nhiều lúc thẳng thắn đến “vỗ mặt”, ngay tại chỗ của hai hội đồng bình luận...
Và những người tổ chức, điều hành GĐTH đã gắng điều chỉnh để thật sự thiết lập được không khí âm nhạc thật sôi nổi, hào hùng, đầy khích lệ. Những bài ca vẫn đang đi cùng năm tháng, đã thành ám ảnh về giai điệu âm nhạc, thật khó quên ngay cả với người tham gia tổ chức, sáng tạo.
Việc dàn dựng, phối khí, biểu diễn xuất sắc các ca khúc như Mùa xuân đầu tiên, Bài ca không quên, Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Hò kéo pháo, Bộ đội về làng, Hành quân xa, Trên đồi Him Lam, Chiến thắng Điện Biên... đã làm nên những tác phẩm âm nhạc truyền hình đặc biệt.
Công chúng truyền hình Việt đã xúc động và tự hào rơi lệ về những ký ức không thể nào quên của đất nước, của dân tộc đang được sống dậy ngay trước mắt, bằng tác phẩm âm nhạc...
Tùng Dương: Lòng yêu nước luôn có sẵn trong tim mỗi người Tham gia ca hát chuyên nghiệp gần mười năm, tôi đã trải qua nhiều miền âm nhạc khác nhau. Khán giả biết nhiều đến Dương như một ca sĩ đương đại, nhưng để có hôm nay thì phải có hôm qua. Những ai đã yêu mến giọng ca Tùng Dương hẳn cũng đã được nghe tôi hát rất nhiều bài ca bất tử của hôm qua. Vết chân tròn trên cát của nhạc sĩ Trần Tiến mà tôi đã hát trong Giai điệu tự hào số 3 chỉ là một trong những ca khúc trữ tình cách mạng mà tôi rất hay hát vào những dịp thích hợp. Tôi đã hát ca khúc này lần đầu tiên vào năm 2009 tại nghĩa trang Trường Sơn bên dòng sông Thạch Hãn, trước mộ của những người lính đã nằm xuống vì quê hương. Khi hát những bài ca này, tôi hiểu chúng ta đã qua thời “tiếng hát át tiếng bom”, nhưng điều đó không có nghĩa là những khúc ca hào hùng, đầy bi tráng của cách mạng đã lỗi thời. Chúng ta vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, gian nan phía trước, mà vấn đề biển Đông cũng chỉ là một trong số đó. Trình bày trước công chúng những bài ca này, nghệ sĩ chúng tôi không có ý kêu gọi mọi người hãy “thức tỉnh”. Chúng tôi tin lòng yêu nước, lòng quyết tâm bảo vệ non sông đất nước luôn có sẵn trong tim mỗi người. Và chúng tôi vẫn sẽ hát những ca khúc như thế. Cẩm Vân: Càng sống càng thấm thía Bài ca không quên Tôi hát Bài ca không quên lần đầu tiên vào năm 1982, khi đất nước vừa trải qua chiến tranh biên giới Tây Nam. Lúc đó, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã mời tôi thể hiện ca khúc này cho bộ phim truyện cùng tên. Và thế là tôi hát, hát nhưng gần như không hiểu hay có ấn tượng đặc biệt gì về ca khúc này. Cũng phải thôi, vì khi đó tôi còn quá trẻ, kinh nghiệm sống chưa nhiều. May mắn nhờ khả năng cảm thụ âm nhạc, chất giọng trời cho phù hợp với ca khúc, cái duyên với bài hát mà được yêu thích luôn đến tận hôm nay. Nhờ cái duyên đó, tôi đã cùng Bài ca không quên đi đến khắp mọi nẻo đường Tổ quốc, để được thấy quê hương mình đẹp ra sao, đồng bào mình đáng quý thế nào, cả những đau thương mất mát không thể lãng quên. Và mỗi ngày tôi càng “thấm” Bài ca không quên nhiều hơn. Sau này, theo thời cuộc, Bài ca không quên không được yêu cầu hát thường xuyên như ngày trước nữa. Vì vậy tôi khá bất ngờ khi nhận được lời mời từ ban tổ chức Giai điệu tự hào, càng bất ngờ hơn khi chương trình được đầu tư và dàn dựng hết sức kỹ lưỡng, nghiêm túc. Tôi cảm động vô cùng khi sau chương trình, rất nhiều bạn bè ở xa đã nhắn tin hỏi thăm, chúc mừng, điện thoại của tôi liên tục reo, khán giả gửi tin nhắn, từ khán giả trẻ đến già đều nói họ đã khóc khi xem chương trình. Q.N. ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận