Theo thống kê của Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu nhân điều của Việt Nam tăng cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, kim ngạch đạt gần 1,4 tỷ USD, tức tăng 25% so với năm ngoái. Chỉ có điều càng xuất khẩu nhiều, thì giá điều nhân bán ra càng giảm. Nếu như năm ngoái, giá điều nhân được chốt lại ở mức từ 5 đến 5,2 USD/kg thì hiện nay chỉ còn 4,2 USD/kg, lao dốc khoảng 20% chỉ trong khoảng 9 tháng qua.
Theo phân tích của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), giá điều nhân giảm mạnh chủ yếu do sản xuất trong nước tăng trưởng ồ ạt trong thời gian quá ngắn. Sản lượng chế biến tăng "nóng" nên các doanh nghiệp tranh bán, nhiều nơi bán bằng giá vốn, thậm chí dưới giá vốn. Có công ty môi giới cho hay bản thân các nhà nhập khẩu Mỹ cũng quan ngại về việc giá điều nhân Việt Nam rớt xuống quá nhanh khiến hàng nhập về bán không kịp, đẩy nhà phân phối rơi vào thua lỗ.
Trong khi đó, báo cáo của chi hội điều các tỉnh thành cho thấy nhiều doanh nghiệp chế biến điều Việt Nam đang tạm ngưng sản xuất vì thiếu nguyên liệu. Cụ thể, Long An chỉ còn 12/33 doanh nghiệp chế biến điều đang hoạt động; Bình Phước thì 80% các doanh nghiệp điều quy mô nhỏ và rất nhỏ đã ngừng sản xuất…
Ông Trần Văn Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Vinacas cho rằng các doanh nghiệp điều thấy giá có xu hướng xuống lại càng đua nhau sản xuất nhanh và hạ giá bán để sớm "thoát hàng". Còn những người mua Âu, Mỹ - với sự hỗ trợ đắc lực của các nhà môi giới bản địa - đã rất nhanh chóng cập nhật "điểm yếu" của doanh nghiệp ngành điều như khó khăn nguyên liệu, áp lực nợ nần, tâm lý bất ổn. Do đó, họ chỉ mua rất "từ tốn" để ép giá, thế nên "doanh nghiệp điều Việt Nam thua ngay từ sân nhà".
Vậy là điều nhân Việt Nam bị xuống giá do mất cân đối cung - cầu cục bộ, còn nhu cầu thế giới về dài hạn vẫn tăng đều – "biển vẫn đầy cá". Bằng chứng là hàng sản xuất ra tới đâu bán hết tới đó. Tồn kho điều nhân tại rất nhiều doanh nghiệp hầu như ở mức rất thấp. Thế nên, có lẽ đã tới lúc ngành điều cần lắm vai trò của một lực lượng đủ mạnh để có thể "cầm trịch", giữ quyền chi phối giá cả cho mặt hàng mà Việt Nam đang dẫn đầu khâu chế biến và xuất khẩu của thế giới.
Hiện ước tính Việt Nam có hàng nghìn nhà máy chế biến điều lớn nhỏ, riêng thủ phủ điều Bình Phước đã có hơn 600 doanh nghiệp. Công suất chế biến ở một cơ sở nhỏ cũng có thể đạt 10 tấn/ngày. Trong khi đó, để có thể "găm hàng giữ giá", doanh nghiệp phải có công nghệ chế biến rất tốt. Còn thực tế hiện nay, đa số doanh nghiệp điều chỉ có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, đầu tư cho thiết bị và công nghệ cũng chỉ ở mức "tầm tầm", lại luôn đối mặt với áp lực phải quay vòng vốn nhanh để giảm chi phí tài chính.
Thế nên, "lời hiệu triệu" của tổ chức như Vinacas chưa nhận được sự hưởng ứng đủ mạnh để hạt điều Việt Nam có thể nắm thế thượng phong khi xuất bán ra nước ngoài. Mỗi doanh nghiệp có dự kiến kinh doanh riêng, Hiệp hội chỉ có thể kêu gọi doanh nghiệp hưởng ứng chủ trương chung chứ không có quyền ra lệnh cho doanh nghiệp thành viên.
Còn theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, doanh nghiệp mà khổ một thì nông dân khổ mười, nhất là vào những thời điểm cây điều trong nước mất mùa như năm nay. Người đại diện Vinacas cũng cho rằng "Việt Nam cần có những doanh nghiệp đầu tàu cực lớn, có thể tập hợp sức mạnh của nhiều doanh nghiệp nhỏ trong ngành, đảm trách cả khâu xuất nhập khẩu, thu mua nguyên liệu, lẫn phân phối trong và ngoài nước, áp đảo mắt xích thương lái thì mới củng cố được vị thế bền vững của ngành điều, chứ như hiện nay, không ai có thể giải cứu được".
Theo dự báo từ Hội đồng hạt quả khô quốc tế (INC), sản lượng điều toàn cầu năm nay sẽ tăng nhẹ khoảng 4% so với 2017, đạt khoảng 3,45 triệu tấn. Nhờ giá thấp nên lượng tiêu thụ điều nhân cũng tăng từ 3,5 đến 5%.
Hiện tại, một trong những đối thủ lớn của ngành điều Việt Nam là Ấn Độ cũng đang rơi vào tình trạng khó khăn nhất thời tương tự. Có thông tin cho thấy thủ phủ ngành điều của Ấn Độ đã phải lên tiếng mong chính phủ "giải cứu" do doanh nghiệp không thể giải được bài toán thiếu nguyên liệu và đối mặt với sức ép lãi suất ngân hàng…
Từ khía cạnh thương mại mà nói, các thông tin trên vô hình chung đang mở ra cơ hội cho ngành điều Việt Nam về cuối năm.
Vinacas cũng tin rằng dù sản lượng xuất khẩu điều nhân cả năm nay có thể chỉ ngang với mức năm ngoái (350 nghìn tấn) nhưng kim ngạch vẫn có thể nhích lên mức 3,7 tỷ USD, giúp Việt Nam tiếp tục giữ vị trí số 1 thế giới năm thứ 13 liên tiếp về xuất khẩu nhân điều. Dự báo năm sang 2019 tới, ngành điều Việt Nam sẽ bước qua chu kỳ phát triển mới, với kim ngạch xuất khẩu có thể chạm mốc 4 tỷ USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận