Phóng toNSƯT Nhất Sinh và ca sĩ trẻ Hoài Phương (cựu thành viên nhóm Mặt Trời Mới) cùng song ca bài hát Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây tại khu mộ tập thể ở nghĩa trang quốc gia Đường 9 - Ảnh: H.O.
Không có sân khấu, không có âm thanh ánh sáng, không có khán giả vỗ tay, nhưng những nghệ sĩ của Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen vẫn say sưa biểu diễn giữa không gian tê lạnh của núi rừng và hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ. Có thể là kỳ lạ, nhưng rõ ràng những nghệ sĩ này đã vượt một chặng đường dài từ TP.HCM đến đây chỉ để đàn, hát và trò chuyện cùng những người đã khuất, trong một chuyến lưu diễn đặc biệt.
Những ngày này miền Trung có mưa phùn, ẩm và rất lạnh. Sương nhiều khiến con đường từ nghĩa trang Trường Sơn đi sang nghĩa trang quốc gia Ðường 9 trở nên mờ ảo. Nghĩa trang Ðường 9 đang được xây dựng lại với những quần thể tượng đài và kiến trúc để nhắc nhớ một thời hoa lửa. Ở đó có những ngôi mộ tập thể quy tập hàng chục hay hàng trăm chiến sĩ cùng hi sinh trong một ngày hoặc một trận đánh, có mộ biết tên, có mộ chưa biết tên.
Giữa không gian ấy, lời bài hát Trường Sơn Ðông - Trường Sơn Tây của NSƯT Nhất Sinh và nữ ca sĩ trẻ Hoài Phương nghe da diết như một lời tâm tình đằm thắm nhưng kiên cường. Hay như NSND Ðỗ Lộc, trước khi cất tiếng sáo trên sông Thạch Hãn đã bồi hồi nhắc đến những kỷ niệm cũ: "Hơn 40 năm trước khi tôi biểu diễn ở đây, các anh đã bảo khi nào hòa bình thì về quê các anh chơi. Hôm nay tôi trở lại đây để thổi cho các anh nghe bài hát ngày xưa các anh rất thích".
Cứ thế, tiếng hát, tiếng đàn, tiếng sáo cứ vang vọng và tiếp nối từ Trường Sơn sang đường 9, từ bờ sông Thạch Hãn đến thành cổ Quảng Trị, những địa danh mang trong lòng mình bao nhiêu xương máu của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, văn nghệ sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến...
Bên cạnh các nghệ sĩ của Nhà hát Bông Sen, cuộc hành trình còn có sự tham gia của nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần, chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai, nhà thiết kế Sỹ Hoàng... Giữa một nơi trang nghiêm và trầm lắng của đại ngàn, giữa những tiếng hát ca ngợi về một quá khứ đớn đau nhưng hào hùng, dường như không ai cầm được sự xúc động.
Dù đã nghe, đã biết, đã học, đã khắc ghi về những hi sinh lớn lao của những người đi trước, nhưng có đến tận đây và lắng nghe những tiếng hát này, dường như mới có thể cảm nhận rõ những câu chuyện huyền thoại. Và đó cũng là điều mà NSƯT Ðặng Hùng - giám đốc Nhà hát Bông Sen, mong muốn những nghệ sĩ trẻ của đoàn mình hiểu được, khi quyết tâm tổ chức chuyến lưu diễn đặc biệt này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận