Hát bả trạo còn được gọi là chèo bả trạo, hò hầu linh, hò đưa linh… vốn là một loại hình nghệ thuật dân gian có yếu tố tâm linh của cư dân ven biển từ Bình Trị Thiên, đặc biệt là Quảng Nam – Đà Nẵng tới tỉnh Bình Thuận.
Hát bả trạo là hát có kèm các động tác múa, trong đó “bả” có nghĩa là nắm chắc, “trạo” có nghĩa là mái chèo. Tùy từng vùng biển và từng tỉnh mà tục lệ hát bả trạo được tổ chức định kỳ theo năm hoặc vài năm tổ chức 1 lần với mục đích lễ tế cá Ông. Lời hát bả trạo chủ yếu ca ngợi công đức của cá Ông, đồng thời cầu xin cá Ông phù hộ để ngư dân được bình an giữa biển khơi, đánh bắt được nhiều tôm cá…; cũng có những lời hát mô tả cảnh lao động sản xuất của người dân trên biển.
Thành viên của một đội hát bả trạo gồm có: Tổng Mũi, Tổng Khoang và Tổng Lái cùng khoảng 10 đến 16 con trạo tùy theo sự tổ chức của từng địa phương, nhưng phải luôn luôn số chẵn.
Về trang phục, Tổng Lái thông thường mặc lễ phục cổ truyền áo dài đen, quần dài trắng, khăn đóng đen. Tổng Mũi cũng ăn mặc giống như Tổng Lái, nhưng cũng có khi Tổng Mũi mặc một bộ đồ màu sắc rực rỡ như một diễn viên tuồng, tay cầm cặp sênh điều khiển. Còn Tổng Khoang mặc áo ba màu, quần ngắn, tay cầm gàu tát nước. Những người tham gia còn lại lập thành đội chèo. Tùy từng địa phương, mỗi đội chèo thường có từ 12 đến 16 người, cũng có khi lên đến 18 hoặc tối đa là 20 người và đặc biệt là số người tham gia đội chèo bao giờ cũng là số chẵn để cho cân xứng và trình diễn dễ dàng hơn. Các con trạo thì mặc áo trắng quần trắng (có quấn xà cạp) đầu chít khăn, lưng thắt vải đỏ, chân đi đất, tay cầm mái chèo dài 1m20, sơn đen trắng. Nhạc cụ của hát bả trạo có đàn cò, trống, kèn, sênh.
Nghệ thuật trình diễn và hát bả trạo là sự phối hợp nhịp nhàng giữa âm nhạc, lời ca và động tác trình diễn của Tổng Mũi, Tổng Khoang và Tổng Lái cùng đám bạn chèo dưới sự điều khiển thống nhất của Tổng Mũi.
Có thể nói rằng, hát bả trạo là một màn diễn xướng, một loại hình nghệ thuật mang ý nghĩa tâm linh kết hợp với những yếu tố sôi nổi, kịch tính và cao trào của những lời ca, động tác múa. Trong suốt bao nhiêu năm qua, hát bả trạo vẫn được duy trì, truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác trong các lễ hội cầu Ngư của ngư dân.
Hát bả trạo đã được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào ngày 9 tháng 9 vừa qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận