
Những người biểu tình tập trung tại Cambridge Common trong một cuộc biểu tình kêu gọi ban lãnh đạo Harvard phản đối sự can thiệp của chính phủ liên bang vào trường đại học tại Cambridge, Massachusetts ngày 12-4 - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, ngày 14-4, Đại học Harvard cho biết họ đã bác bỏ nhiều yêu cầu từ Tổng thống Trump.
Chỉ vài giờ sau khi Harvard đưa ra lập trường của mình, chính quyền Mỹ đã tuyên bố đóng băng 2,3 tỉ USD tiền tài trợ liên bang cho trường.
Bên cạnh đó, Nhà Trắng còn đang xem xét việc đóng băng 9 tỉ USD trong các hợp đồng và khoản tài trợ của liên bang dành cho Harvard như một phần của chiến dịch trấn áp biểu tình ủng hộ người Palestine bùng phát trên các khuôn viên trường đại học trong 18 tháng qua.
Người phát ngôn Nhà Trắng Harrison Fields cho biết ông Trump đang "nỗ lực giúp cho giáo dục đại học vĩ đại trở lại bằng cách chấm dứt tình trạng bài trừ Do Thái không được kiểm soát. Hơn thế nỗ lực này đảm bảo tiền thuế của liên bang sẽ không dùng để tài trợ cho việc hỗ trợ hành vi phân biệt chủng tộc hoặc bạo lực nguy hiểm".
Không chỉ Harvard, mâu thuẫn giữa các trường đại học khác và chính phủ Mỹ cũng đang leo thang, làm dấy lên mối lo ngại về quyền tự do ngôn luận và học thuật khi ông Trump chọn cách đóng băng hàng trăm triệu USD tiền tài trợ cho các trường đại học, gây sức ép buộc các trường phải thay đổi chính sách.
Hiệu trưởng trường Harvard Alan Garber đã viết trong một bức thư công khai vào ngày 14-4 rằng những yêu cầu mà chính quyền đưa ra vào tuần trước bao gồm giảm quyền của sinh viên và giảng viên đối với các vấn đề của trường, báo cáo ngay lập tức những sinh viên nước ngoài vi phạm hành vi với chính quyền liên bang, cùng một số yêu cầu khác.
Chính quyền Tổng thống Trump nhìn chung còn đề cập đến việc tìm kiếm nhiều quan điểm chính trị, bao gồm cả quan điểm bảo thủ.
Phía Hardvard cho rằng đồng ý với yêu cầu này đồng nghĩa cho phép chính quyền liên bang "kiểm soát cộng đồng Harvard" và đe dọa "các giá trị của trường với tư cách một tổ chức tư nhân cống hiến cho việc theo đuổi, tạo dựng và truyền bá kiến thức".
Ông Alan khẳng định: “Không có chính phủ nào - hay đảng nào - được phép ra lệnh về những gì các trường đại học có thể giảng dạy, những ai họ có thể tuyển dụng, và những lĩnh vực nghiên cứu nào họ có thể theo đuổi”.
"Trường đại học sẽ không từ bỏ quyền độc lập hoặc từ bỏ các quyền tự do hiến pháp của mình. Harvard cũng như bất kỳ trường đại học nào khác, đều không để chính quyền liên bang tiếp quản" - ông Alan nhấn mạnh.

Những người biểu tình ủng hộ Mahmoud Khalil - học viên cao học tổ chức các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine - tập trung tại quảng trường Thời đại ngày 12-4 - Ảnh: REUTERS
Harvard cho biết họ còn thực hiện những thay đổi lớn trong 15 tháng qua để cải thiện môi trường học tập và chống lại chủ nghĩa bài từ Do Thái, bao gồm kỷ luật sinh viên, dành nguồn lực cho các chương trình thúc đẩy sự đa dạng về tư tưởng và cải thiện an ninh. Tuy nhiên Harvard tỏ ra thất vọng "khi chính quyền đã bỏ qua những nỗ lực này và thay vào đó lại xâm phạm quyền tự do của trường theo những cách không hợp pháp".
Theo Reuters, những cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine trong khuôn viên các trường nổ ra trước khi ông Trump nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai, sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel năm 2023 và các cuộc tấn công tiếp theo của Israel vào Gaza.
Vì các cuộc biểu tình này, hàng trăm du học sinh đã bị hủy visa và trục xuất. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio thông tin từ đầu năm đến nay, ít nhất 300 visa của du học sinh quốc tế đã bị thu hồi.
Thái độ cứng rắn của Harvard hôm 14-4 đã được hoan nghênh bởi nhiều sinh viên và các trường đại học, trở thành trường đại học đầu tiên trực tiếp từ chối tuân thủ các yêu cầu của chính quyền và thiết lập một cuộc đối đầu giữa chính quyền liên bang và trường đại học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận