Sáu bệnh viện khác ở VN đã theo dõi ca mổ từ các đầu cầu địa phương.
Phóng to |
GĐ Bệnh viện Việt Đức Nguyễn Tiến Quyết (cầm micro) trao đổi với đầu cầu Philippines từ đầu cầu Bệnh viện Việt Đức |
PGĐ Bệnh viện Việt Đức Trần Bình Giang, người chủ trì ca phẫu thuật tại đầu cầu Bệnh viện Việt Đức, nói cầu truyền hình y khoa (telemedicine) đã san bằng khoảng cách địa lý, và đây sẽ là phương án hiệu quả để tăng cường chuyên môn cho tuyến y tế cơ sở.
Dạy mổ bằng telemedicine
Trưa 28-3, ngoài các đồng nghiệp khoa ngoại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ ở đầu cầu Phú Thọ, bác sĩ Hoàng Công Lâm, PGĐ bệnh viện, đã về Hà Nội, vào tận phòng mổ cùng bác sĩ Bình Giang và các đồng nghiệp ở Bệnh viện Việt Đức. Theo bác sĩ Lâm, ở Phú Thọ đã mổ nội soi nhiều, nhưng nội soi một lỗ thì "lần này phải xuống Việt Đức để học".
“Mổ u tuyến thượng thận là loại phẫu thuật khó, do bệnh nhân mắc bệnh thường bị cao huyết áp, khi phẫu thuật phải kết nối chặt chẽ giữa phẫu thuật viên và kíp gây mê, trước đây chúng tôi mới chỉ mổ mở để điều trị loại bệnh này, giờ đây sẽ học các thầy ở Việt Đức để mổ nội soi” - bác sĩ Lâm nói với PV Tuổi Trẻ.
Buổi trưa, qua telemedicine, các thầy thuốc ở Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện ĐH Quốc gia Philippines đã có dịp thảo luận rất kỹ về tình huống bệnh và cách thức phẫu thuật của ca mổ ở hai đầu cầu. Và các phẫu thuật viên, bác sĩ gây mê, hồi sức, điều dưỡng ở sáu bệnh viện vệ tinh của Việt Đức gồm Bệnh viện đa khoa Bắc Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định, đa khoa khu vực Sơn Tây (Hà Nội) được theo dõi hai ca phẫu thuật thông qua hình ảnh truyền bằng công nghệ kỹ thuật số rất rõ nét.
Một bác sĩ ở đầu cầu Phú Thọ cho hay họ đã nghe rất rõ các bàn luận của bác sĩ hai nước và có thêm nhiều kinh nghiệm cho nghề nghiệp nhờ hoạt động như thế này.
Theo ông Trần Bình Giang, ngoài sáu bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Việt Đức, tám bệnh viện vệ tinh của Bạch Mai…, Bộ Y tế đang có dự án thiết lập mạng telemedicine tới khoảng 30 bệnh viện nữa, nhằm hỗ trợ đào tạo và hội chẩn ca bệnh khó với bệnh viện tuyến dưới.
“Trước đây có khi gây mê rồi, mổ ra rồi nhưng bệnh viện tỉnh gặp khó khăn, phải đợi bác sĩ ở Hà Nội, TP.HCM về, nhưng có telemedicine, chỉ cần bật camera lên hỏi là các chuyên gia ở T.Ư có thể chỉ giúp họ bằng kinh nghiệp của mình, khả năng cứu chữa người bệnh được nâng cao”- ông Giang cho biết.
30 hình/giây
Theo ông Giang, tốc độ truyền hình ảnh của hệ thống telemedicine ở Bệnh viện Việt Đức hiện nay là 30 hình/giây, trong khi mắt người cảm nhận hình ảnh tốc độ 24 hình/giây đã mượt mà lắm rồi. Với chất lượng hình ảnh này, các học viên ở các đầu cầu có thể cảm nhận được các thao tác phẫu thuật viên trong phòng mổ, nhất là phẫu thuật nội soi thì tất cả hình ảnh đều thông qua thiết bị.
“Tại hội nghị nội soi châu Á - Thái Bình Dương 2010, VN đã thực hiện một ca phẫu thuật giới thiệu cho 13 đầu cầu quốc tế. Năm 2011, khi hội nghị tổ chức ở Thái Lan, hình ảnh phẫu thuật cũng đã được truyền đi bảy điểm cầu trong đó có VN. Đây là cơ hội để giới phẫu thuật viên chúng tôi biết nhau, xem họ làm tốt gì, mình còn cần học gì, chưa kể trao đổi kinh nghiệm giữa các bệnh viện trong nước” - ông Giang nói.
Hiện tại Bệnh viện Việt Đức đang tổ chức 5-7 cầu truyền hình y khoa đa trung tâm/năm. Nhưng mục tiêu của Việt Đức là tổ chức telemedicine với Trung tâm phẫu thuật nội soi ở Strasbourg (Pháp), đồng thời mời các GS bậc thầy trên thế giới thị phạm các phẫu thuật khó.
Nếu không có telemedicine, điều này rất khó khăn do các GS rất khó thu xếp thời gian, mà tổ chức đi nước ngoài học họ mổ thì lấy đâu ra tiền. Nhưng nhờ có telemedicine, khó khăn này có thể khắc phục được phần nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận