Cảnh trong phim Những trang sử biên thùy - Ảnh: TFS |
“Ý thức độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc ta sớm được hun đúc từ thời các vua Hùng dựng nước.Thấm thía nỗi đau mất nước của 1.000 năm Bắc thuộc, kể từ khi Ngô Vương Quyền giành lại độc lập, các triều đại kế tiếp Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn nối nhau quyết tâm bảo vệ, gìn giữ biên cương, bờ cõi. Đến thời đại của chúng ta, thời đại Hồ Chí Minh, truyền thống giữ nước của cha ông càng được thể hiện rõ nét. Trải qua các biến cố, thăng trầm lịch sử, các thế hệ người Việt đã nối tiếp nhau viết nên “Những trang sử biên thùy” vẻ vang, hào hùng”.
Cứ mỗi tập phim phát sóng, lời bình ấy lại vang lên. Và chỉ cần xem một tập, người xem hiểu rằng Những trang sử biên thùy sẽ không là bộ phim loại truyền thống “cho có”, mà thật sự là câu chuyện hào hùng của bao thế hệ người VN trong hành trình bảo vệ biên cương bờ cõi.
Khởi quay từ tháng 4-2013, trong suốt bốn tháng liền đoàn phim (Hãng phim TFS phối hợp cùng báo Biên Phòng sản xuất) đã đi qua nhiều tỉnh thành có đường biên giới và bờ biển trong cả nước để ghi lại những hình ảnh. Năm tập phim mở đầu là câu chuyện về các phương lược bảo vệ Tổ quốc, mở mang và trấn thủ bờ cõi của ông cha ta.
Ngay trong tập 1 - Bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước thời nhà Lý đã nổi bật câu chuyện về tướng Lý Thường Kiệt với đường lối: Vừa đánh vừa đàm phán để bảo toàn lãnh thổ. “Cần thì tiến đánh như sấm sét, không cần thì nghị hòa, cố gắng giữ mối giao hảo chứ không kết oán thù sâu xa. Sự linh hoạt, mềm dẻo đó đã khiến nhà Tống phải trả lại đất hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn năm 1079, giúp Đại Việt giành lại chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ”. Trong phim còn đề cập đến chính sách ky mi - gả con gái vua cho các thổ tù, châu mục địa phương - một chính sách hiệu quả để vương triều kết thân và ràng buộc về trách nhiệm với họ, khiến họ trung thành và ra sức giúp vua bảo vệ vùng biên cương.
Câu chuyện về công giữ nước thời nhà Trần ở tập 2 cũng ngồn ngộn thông tin thú vị. Đó là chuyện vua Trần Nhân Tông sau hơn nửa đời người dành cho sơn hà xã tắc, đã dành phần đời còn lại của mình đi tu. Vì sao ông lại chọn đỉnh Yên Tử để dựng chùa? Theo sách sử, đó là tài nhìn sâu rộng của vị vua một lòng một dạ nghĩ đến an nguy của nước nhà. Chọn Yên Tử - một nơi có tầm nhìn bao quát cả về phương Bắc lẫn phương Nam, như cách lý giải của danh sĩ Ngô Thì Nhậm: “Đức tổ biết lấy thiên hạ làm chung, gặp buổi nước nhà yên ổn song nước láng giềng ở ngay bên cạnh rất mạnh nên chưa được yên tâm, mà việc đó không thể nói ra sợ lòng người dao động. Nhân thấy Yên Tử là ngọn núi cao phía đông nhòm mặt được tỉnh Yên, tỉnh Quảng, phía bắc có thể trông tới Lạng Sơn, Lạng Giang nên mới dựng tu viện, thường qua lại xem động tĩnh, khiến quân giặc ở ngoài không thể gây những việc đáng lo ngại. Đó mới thật là vô lượng, lực đại thế chí bồ tát...”.
Tư liệu không còn nhiều Là người viết kịch bản và đạo diễn năm tập phim đầu tiên, đạo diễn Tô Hoài cho biết:” Đoàn phim gặp khá nhiều khó khăn khi thực hiện bởi tư liệu và chất liệu không còn nhiều. Thời gian làm phim ngắn, kinh phí không nhiều nên hình ảnh trong phim mang tính minh họa và ước lệ. Phim sử dụng nhiều tư liệu của đồng nghiệp, đặc biệt là bộ phim Thăng Long những bước thăng trầm của đạo diễn Duy Nghĩa”. Đồng hành cùng đạo diễn Tô Hoài là đạo diễn Vũ Ngọc Khôi. Ông sẽ thực hiện 13 tập phim tái hiện công cuộc giữ gìn bờ cõi nước ta trong giai đoạn từ năm 1945-1979. Dự kiến 13 tập phim tiếp theo này sẽ phát sóng vào dịp lễ 30-4. Sau khi hoàn tất, toàn bộ 27 tập sẽ được phát sóng nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân VN 22-12. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận