Ảnh minh hoạ
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho rằng nhiều người không thể xin từ chức vì áp lực gia đình, dòng họ.
Tuy nhiên, một trong những tiêu chuẩn để trở thành người có chức là phải có bản lĩnh chính trị và ứng xử trong đời sống. Người có bản lĩnh là người biết chấp hành sự phân công của tổ chức, biết tự tiến lui đúng lúc trên quan trường.
Trong khi đó gia đình và dòng họ không phải là những tổ chức quyền lực chính trị nên nó không thể bắt buộc các thành viên phải răm rắp tuân theo sự háo danh của mình. Vậy thì những lãnh đạo giải thích dòng họ, gia đình háo danh nên không cho người thân trong nhà, con cháu trong họ từ chức không thể thuyết phục được mọi người.
Câu mà ông Cường dẫn lại nghe rất quen vì vế sau của câu thường được nhiều người vận dụng khi giải thích hành vi của mình. Chẳng là chúng ta từng nghe một số vị bảo rằng họ phải lấy bằng tiến sĩ, thạc sĩ vì áp lực gia đình, vì dòng họ của mình chưa có hoặc ít có tiến sĩ, thạc sĩ hơn dòng họ khác. Nhiều người bảo rằng họ phải làm đủ thứ việc, kể cả lách luật để có tiền gửi về gia đình xây mộ đẹp, dòng họ xây nhà thờ to cho bằng chung quanh…
Từ lâu, các nhà xã hội học đã phát hiện khi giải thích những hành vi từ hơi sai sai đến sai trái, nhiều người thường viện dẫn đến những điều cao cả hơn. Ví dụ một người chạy xe quá tốc độ cho phép, đụng người đi đường trầy tay, xước mặt… người đó nói rằng do vội đi mua thuốc cho mẹ già đang bệnh nặng. Tức là vì lo cho mẹ mà đụng người đi đường, chứ chẳng phải vì anh ta chạy ẩu.
Thành ra kiểu nói kiên quyết không từ chức, phải đi học thạc sĩ, tiến sĩ lấy le… vì áp lực của dòng họ, gia đình háo danh cũng là những kiểu viện dẫn những điều cao cả hơn. "Tôi ngồi lì giữ ghế, tôi lấy bằng thật - kiến thức giả, tôi lách luật kiếm tiền… là vì gia đình, dòng họ, cộng đồng, chứ tôi có muốn làm việc đó đâu" ....
Xưa rồi Diễm! Các vị khư khư giữ ghế là vì háo danh, vì bổng lộc của chính các vị, chứ chẳng vì ai hết!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận