Đó là một tin tức gây chấn động, bởi dù trên những hòn đảo hay các thành phố du lịch nổi tiếng ở châu Âu và thế giới, thỉnh thoảng vẫn có những tin tức tương tự xảy ra, nhưng lần này, người bị cáo buộc là người Việt, và họ nổi tiếng.
Có vô vàn ý kiến nhiều chiều liên quan đến câu chuyện này trên các báo, các diễn đàn mạng, Facebook, nhưng có một tin nhắn gửi cho tôi từ một độc giả cao tuổi khiến tôi suy nghĩ mãi.
Bác viết: "Mỗi người Việt ra nước ngoài hãy là một đại sứ của đất nước mình. Ai cũng thế, bất cứ người bình thường nào cho đến người nổi tiếng. Đừng để cái tên nước mình bị ô uế bởi những hành động thiếu văn minh, vô văn hóa nơi xứ người".
Tôi nhớ mãi một lần nhẹ nhàng góp ý với một người Việt rút bao thuốc lá ra và điềm nhiên châm thuốc trong một nhà hàng ở Rome, ngay dưới một biển báo cấm hút thuốc rất rõ ràng.
Tôi nói ông ta là dập thuốc ngay đi, vì ở Ý và nhiều nước châu Âu, việc hút thuốc trong các không gian kín như nhà hàng, quán cà phê... bị cấm, người hút có thể bị phạt nặng.
Ngay cả ở một số nơi công cộng như công viên cũng có thể bị cấm, bởi đấy là nơi mà người già, trẻ em và người có thai hay đi dạo.
Người đàn ông trừng mắt nhìn lại tôi, lầm bầm mấy câu gì đó, dập điếu thuốc rồi ném xuống sàn quán và bỏ đi.
Tôi nghĩ mãi về chuyện đó, phải chăng tôi làm gì sai trái với ông, khi tránh cho ông việc bị phạt và tránh cả việc người bản địa sẽ nghĩ không tốt về người Việt, dù chỉ là một người, là ông?
Sống ở châu Âu lâu, tôi chứng kiến nhiều câu chuyện như thế. Chuyện về người Việt bị phân biệt đối xử vì cách hành xử thiếu văn minh của họ là một câu chuyện dài không dứt.
Họ nói cười hô hố, ít chào hỏi và rất ít khi nói cảm ơn, không nhường cửa hay chen chúc ở thang máy, thang cuốn... trong những tour du lịch đông người đến một nơi du lịch là chuyện rất phổ biến.
Những hình ảnh chẳng hạn như ở Nhật Bản có những biển báo bằng tiếng Việt nhắc nhở người Việt không "cầm nhầm" trong siêu thị, hay biển báo ở Thái Lan nhắc người Việt khi đến nhà hàng buffet "ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu" làm nhiều người trong chúng ta phát ngượng.
Rõ ràng đã và đang có một khoảng trống về văn hóa ứng xử của nhiều người Việt ở nước ngoài, một phần vì ý thức của họ, phần vì họ đã luôn như thế ở chính nước mình và không coi đó là một điều không nên làm, phần nữa vì sự thiếu hiểu biết đối với văn hóa, phong tục của nơi mà họ vừa đến.
Trung Quốc, sau rất nhiều sự cố văn hóa gây ra do du khách nước họ tạo ra ở nước ngoài trong các chuyến du lịch, thậm chí đã từng ban hành những bộ quy tắc ứng xử rất chi tiết nhằm ngăn chặn tình trạng đó và để cải thiện hình ảnh của người Trung Quốc khi đi ra nước ngoài.
Một bộ quy tắc như thế, thậm chí cả những biện pháp mạnh như không cho người Việt đi nước ngoài một thời gian sau một sự cố nào đó mà người đó gây ra ở nước ngoài, liệu có nên được các cơ quan chức năng ở nước ta bàn luận và ban hành không, khi càng ngày càng nhiều người Việt đi du lịch nước ngoài?
Cuốn hộ chiếu Việt Nam vì những lý do khác nhau nên chưa có được thứ hạng cao trong Chỉ số hộ chiếu Hanley toàn cầu do trang web henleyglobal.com công bố hằng năm. Nhưng điều đó không có nghĩa là cuốn hộ chiếu Việt Nam kém giá trị hoặc chúng ta không đáng được thế giới đối xử với sự tôn trọng.
Chính thái độ sống và cách hành xử văn minh khi ra thế giới tạo nên giá trị của chúng ta và của cuốn hộ chiếu ấy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận