17/02/2013 06:40 GMT+7

Hành xác trên đường về

NHÓM PV
NHÓM PV

TT - Ngày 16-2 (mồng 7 tết), hầu như những người về quê ăn tết đều quay lại TP.HCM và các tỉnh miền Đông chuẩn bị đi làm vào ngày 18-2. Vì thế nhiều đoạn quốc lộ trở nên quá tải.

Oz2j1n9s.jpgPhóng to
Hàng ngàn xe máy, ôtô từ các tỉnh ĐBSCL nối đuôi nhau đổ về TP.HCM chiều 16-2 - Ảnh: H.T.VÂN

Trên quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang, các điểm “nút cổ chai” cầu An Hữu, cầu Cổ Cò, ngã tư thị trấn Cai Lậy, cầu Kinh Xáng tiếp tục trở thành nơi “hành xác” người dân vì phải xếp hàng dừng và “bò” từng mét. Ngày 16-2 thời tiết ở miền Tây rất oi bức, nhiều người đi xe máy cho biết đã cố tình chọn giờ trưa để trở lại TP.HCM với hi vọng tránh được kẹt xe nhưng vì có nhiều người cùng nghĩ như vậy nên cùng đội nắng hàng giờ để vượt qua những điểm kẹt cứng trên.

20 phút mới qua khỏi một cây cầu

“Điểm đen” tai nạn giao thông tại cầu Bà Rén mới

Cầu Bà Rén mới nằm trên quốc lộ 1 đoạn giáp ranh giữa hai huyện Duy Xuyên và Quế Sơn (Quảng Nam) đang trở thành “điểm đen” tai nạn giao thông. Theo nhiều hộ dân sống quanh “điểm đen” này, chỉ sau hai tháng đưa vào sử dụng tại đây đã xảy ra gần chục vụ tai nạn giao thông. Nguyên nhân là hai đường dẫn vào cầu độ cong lớn, khuất tầm nhìn khi qua đường, đáng lưu ý là nút giao nhau giữa đường dẫn vào cầu với đường DH5 bất hợp lý vì độ dốc quá lớn. Đường DH5 do thấp hơn so với đường dẫn cầu Bà Rén mới, gây khuất tầm nhìn cho những người tham gia giao thông bằng xe máy mỗi khi lên cầu nên rất nguy hiểm.

Lê Thiên Ngân

Lúc 15g30, chúng tôi gặp anh Trần Văn Chiến chở vợ con bằng xe máy đang dừng xe xếp hàng chờ qua cầu Kinh Xáng. Anh Chiến cho biết anh về quê Kiên Giang ăn tết. Vợ chồng anh và hai con “chất” lên chiếc xe máy xuất phát từ Kiên Giang lúc 8g. Nhưng đến giờ này vợ chồng anh vẫn chưa qua khỏi Tiền Giang. Hai con anh mệt lả, đứa ngủ gật trên ghiđông xe, đứa úp đầu vào lưng anh mà ngủ.

Vợ anh phờ phạc, mắt mở không nổi mà vẫn phải ôm giữ đứa con ngồi phía trước. Anh Chiến thở dài: “Từ đây về Bình Dương còn hơn 100km nữa, chẳng biết đến bao giờ mới tới nhà. Sáng giờ bị kẹt bao nhiêu chỗ tui cũng không nhớ nổi, chỉ biết là bây giờ không còn sức để nói luôn”. 20 phút sau, anh Chiến và vợ con mới “bò” qua khỏi cầu Kinh Xáng.

Tại ngã tư thị trấn Cai Lậy, anh Nguyễn Thành Phát chở vợ con từ tỉnh Hậu Giang về TP.HCM cũng phải chịu trận giữa rừng xe máy, ôtô nổ máy ầm ầm, nhả khói với mùi xăng dầu rất khó chịu. Anh Phát cho biết đã 15 phút mà vẫn chưa qua khỏi điểm kẹt này. Dù cảnh sát giao thông (CSGT) đội nắng điều tiết rất nhiệt tình nhưng cũng không thể giúp người dân đi nhanh hơn được. Theo CSGT Công an Tiền Giang, tình trạng ùn tắc giao thông trên quốc lộ 1 xảy ra gần như liên tục hai ngày liền. Không chỉ làm người dân mệt mỏi mà lực lượng CSGT cũng phờ phạc theo. Đến tối 16-2, tình trạng ùn tắc tại các điểm “nút cổ chai” trên quốc lộ 1 qua Tiền Giang vẫn còn.

Xe máy rồng rắn, xe đò thảnh thơi

Tại cửa ngõ miền Tây ở TP.HCM, từ sáng 16-2 hàng ngàn xe máy nối đuôi nhau ken đặc đường. Đứng trên cầu vượt nút giao thông Bình Thuận (huyện Bình Chánh, TP.HCM), chúng tôi thấy dòng người rồng rắn trên quốc lộ 1, trong đó phương tiện chủ yếu là xe máy. Do quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bình Chánh khá hẹp nên thỉnh thoảng xảy ra ùn ứ ở một số chỗ như dưới chân cầu Bình Điền, dưới chân cầu vượt tại nút giao thông Bình Thuận. Đến giữa trưa, lượng xe máy có giảm nhưng đến đầu giờ chiều tăng lại và tăng mạnh vào cuối buổi chiều.

Trung tá Lại Văn Ba, đội trưởng Đội CSGT An Lạc, cho biết từ giao lộ quốc lộ 1 - Đinh Đức Thiện (giáp tỉnh Long An) đến giao lộ quốc lộ 1 - Dương Đình Cúc (H.Bình Chánh) tuyến đường cửa ngõ miền Tây dẫn vào TP.HCM, đội bố trí bốn chốt cảnh sát điều khiển giao thông, cùng ba tổ tuần tra kiểm soát, nếu xảy ra tình trạng kẹt xe thì các chốt, tổ sẽ phối hợp để điều tiết giao thông trở lại bình thường.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đi lại trên đường chủ yếu là xe máy, còn xe đò không nhiều. Trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, lượng xe đò tăng không đáng kể so với ngày thường. Tại bến xe miền Tây trong ngày 16-2 vẫn vắng hoe. Khoảng 5-10 phút mới có một chuyến xe vào bến.

Ucv9bf96.jpgPhóng to
Xe cộ qua cầu Kinh Xáng (Tiền Giang) lúc 17g40 ngày 16-2 chật cứng như nêm - Ảnh: TR.GIANG

Mua vé nhưng không được lên xe

Tại cửa ngõ phía đông TP.HCM, từ 16g ngày 16-2, quốc lộ 1 đoạn từ ngã ba Vũng Tàu (Đồng Nai) đến trước khu du lịch Suối Tiên (Q.Thủ Đức) có khá đông xe máy và ôtô đổ về TP.HCM. Đến 17g, lượng phương tiện đổ về TP đông hơn nhưng không xảy ra tình trạng ùn ứ mà di chuyển với tốc độ chậm.

Trong khi đó, ở các tỉnh miền Trung, nơi xe cộ xuất phát vào TP.HCM, tình hình rất căng thẳng. Ngồi chờ xe trên quốc lộ 1 đoạn qua chợ Kế Xuyên (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) từ 7g nhưng đến gần 11g ngày 16-2, chị Nguyễn Thị Kim Liên vẫn chưa đón được xe vào Nha Trang. Chị Liên cho biết hôm qua có đặt mua vé qua điện thoại của một nhà xe với giá 500.000 đồng/giường nằm nhưng sáng nay khi đến nơi hẹn mới được nhà xe thông báo hết vé và không bán nữa. Tương tự, anh Nguyễn Văn Nhân (Thăng Bình) mua vé khứ hồi TP.HCM - Quảng Nam của nhà xe Anh Thư với giá 1,4 triệu đồng (đã bao gồm tiền ăn), nhà xe hẹn 8g ngày 16-2 chở anh Nhân vào lại Sài Gòn nhưng đến 11g, anh Nhân vẫn chưa được lên xe và không được nhận lời giải thích nào của nhà xe.

Trong khi đó, tại khu vực ngã tư Hà Lam, nhiều hành khách mua vé xe của nhà xe Xuân Tùng (Đà Nẵng) loại 52 chỗ nhưng đến nơi lại được hướng dẫn lên xe 30 chỗ ngồi nên nhiều người phản ứng. Chị Lê Thị Tú (Thăng Bình) bức xúc nói: “Tôi và người bạn mua hai vé với giá 1,5 triệu đồng, đi xe 52 chỗ ngồi nhưng tới nơi thì họ bảo lên xe 30 chỗ ngồi của một nhà xe khác. Họ bảo với tôi do xe trong Nam ra không kịp nên phải điều xe này đi”. Tuy nhiên theo một tài xế, xe anh đã ký hợp đồng trọn gói với nhà xe Xuân Tùng vận chuyển hành khách ở khu vực huyện Thăng Bình vào bến xe miền Đông từ trước tết.

Còn tại Đà Nẵng chiều 16-2, ở số 130 Điện Biên Phủ, TP Đà Nẵng đã xảy ra vụ xô xát giữa các nhân viên nhà xe Xuân Tùng với hơn 30 hành khách. Nguyên nhân sự việc bắt nguồn từ việc nhà xe này hẹn khách từ 8g lên xe đi tuyến Đà Nẵng - TP.HCM nhưng đến chiều vẫn chưa thể khởi hành.

Tại Quảng Ngãi, đến 16g ngày 16-2, ở bến xe khách Quảng Ngãi và bến xe khách Chín Nghĩa (Quảng Ngãi), hàng trăm hành khách vẫn còn chầu chực để đợi xe đi tuyến Quảng Ngãi - TP.HCM. Ông Đỗ Tiến Đạt - phó giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi, trưởng Ban chỉ đạo vận tải khách phục vụ tết - cho biết có trên 500 hành khách bị kẹt tại bến trong nhiều giờ liền. Nguyên nhân, theo ông Đạt, là do kẹt xe tại huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định vì tai nạn giao thông nên các xe khách từ TP.HCM đi Quảng Ngãi bị ùn ứ không về bến như dự kiến ban đầu để đưa đón khách, nên xảy ra tình trạng ứ đọng khách nói trên.

Huy động tối đa kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông

Ngày 16-2, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đã ban hành công điện yêu cầu huy động tối đa lực lượng, phương tiện, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là các lỗi vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhận định trong hai ngày 16 và 17-2, tình hình trật tự an toàn giao thông sẽ diễn biến rất phức tạp, khó lường do người dân trở về các thành phố lớn để làm việc, lượng phương tiện giao thông tăng rất cao. Điều này khiến nguy cơ ùn tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ, nhất là các tuyến về thành phố Hà Nội, TP.HCM là rất lớn, cùng với nguy cơ gia tăng tai nạn giao thông.

Tai nạn giao thông trên đèo Bảo Lộc, 7 người thiệt mạng

DWbGN4H9.jpgPhóng to
Dòng xe nối đuôi chờ giải tỏa tai nạn giữa xe khách và xe tải trên quốc lộ 1 (đoạn qua tỉnh Bình Định) - Ảnh: Xuân Nguyên

Khoảng 17g30 ngày 16-2, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra trên đèo Bảo Lộc (thuộc quốc lộ 20, đoạn qua huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng). Thông tin ban đầu cho biết khi chiếc xe tải biển số Đồng Nai đang xuống đèo theo hướng Đà Lạt - TP.HCM thì bất ngờ tông vào ba xe máy đang đi trên đường. Hậu quả, năm người chết tại chỗ (trong đó có ba trẻ em), hai người chết trên đường đi cấp cứu. Nạn nhân đều là người dân Bảo Lộc.

* Khoảng 3g sáng 16-2, xe khách của Hãng Chín Nghĩa biển số TP.HCM chạy hướng Nam - Bắc đến đầu cầu Vạn Thiện, quốc lộ 1 (thuộc địa phận xã Cát Hanh, Phù Cát, Bình Định) đấu đầu trực diện xe tải biển số Bình Định chở kính làm tám người bị thương, trong đó hai tài xế và phụ xe bị thương nặng. Vụ tai nạn làm ùn tắc kéo dài hơn 10km trong gần mười giờ.

* Lúc 18g54 ngày 16-2, tàu SE5 chạy hướng Hà Nội - Sài Gòn mới rời ga Phước Lãnh (xã Phước Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) để tiếp tục hành trình sau khi nằm tại ga này hơn 1 giờ 40 phút do hỏng đầu máy. Tàu SE5 đến ga này lúc 16g55 cùng ngày để tránh tàu SE8 chạy hướng ngược lại và dự kiến rời ga để tiếp tục hành trình lúc 17g12. Tuy nhiên, do hỏng máy nên đoàn tàu SE5 không thể chạy được, phải đề nghị “cứu viện”. Điều độ chạy tàu Sài Gòn đã điều đầu tàu hàng đang nằm ở ga La Hai (thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân) đến để kéo đoàn tàu bị hỏng máy tiếp tục hành trình.

Phan Huy - TRƯỜNG ĐĂNG - Xuân Vinh - DUY THANH

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp