20/09/2023 12:47 GMT+7

Hành trình yêu thương vô bờ của mẹ - Kỳ 4: Dạy con biết yêu bản thân mình

Có ba cô con gái đều có tính cách mạnh mẽ, độc lập, chị Châu làm nghề kiểm toán (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhận mình không phải người mẹ dụng công trong nuôi dạy con. Nhưng những điều chị làm với con thì không nhiều người mẹ làm được như vậy.

Chị Châu (thứ ba từ trái sang) với ba cô con gái trong một pha tạo dáng vui nhộn - Ảnh: NVCC

Chị Châu (thứ ba từ trái sang) với ba cô con gái trong một pha tạo dáng vui nhộn - Ảnh: NVCC

Có ba cô con gái đều có tính cách mạnh mẽ, độc lập, chị Châu làm nghề kiểm toán (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhận mình không phải người mẹ dụng công trong nuôi dạy con. Nhưng những điều chị làm với con thì không nhiều người mẹ làm được như vậy.

Làm bạn với con - chuyện cực khó và cực dễ

"Ngày trẻ, tôi cũng hay cãi bố mẹ. Không biết có phải vì thế mà khi làm mẹ, tôi thấy bọn trẻ cãi lại, hay nói cách khác là có phản biện với bố mẹ trong mọi việc là bình thường.

Thậm chí, tôi thích con có quan điểm và thẳng thắn bày tỏ hơn là im lặng và chống đối ngầm", chị Châu mở đầu chủ đề làm bạn với con bằng quan điểm khá khác biệt như vậy.

Có thể nói thời nay, phụ huynh nào cũng muốn làm bạn với con, nhưng để đạt được điều đó rất khó. Còn với những người mẹ như chị Châu thì điều đó lại gần như hiển nhiên.

Hỏi chị hành trình có thể trở thành bạn của con ngắn hay dài, bắt đầu từ đâu, có những chuyện nào cần lưu tâm đặc biệt - chị không trả lời được.

Vì chị không vạch ra kế hoạch mà chỉ có những nguyên tắc đặt ra cho mình, hướng đến điều mình và các con đều thấy tốt, thoải mái. Vì thế mọi thứ diễn ra tự nhiên như chuyện thường ngày, như không có gì phải dụng công, nỗ lực.

Chị Châu kể: "Có lần đi leo núi với con út. Giữa chừng con không muốn đi tiếp. Tôi bảo "thế con cứ ngồi nghỉ chờ mẹ. Còn mẹ phải tiếp tục hành trình". Tôi đi xong rồi quay lại chỗ con ngồi nghỉ.

Nhưng dĩ nhiên cũng có lần tôi thay đổi vì con, hoặc con nhường tôi một chút. Con lớn và con út thích kiểu khám phá giống mẹ, nhưng cô con gái giữa dễ bị mệt, hay dị ứng nên tôi lại chọn cách đi chơi "sang chảnh" hơn một chút hoặc ở nhà, mẹ con cùng ăn gì đó, nấu gì đó và làm gì đó cùng nhau.

Mẹ con tôi sẽ ứng xử thoải mái như thế. Tôi không ép các con theo mình. Cũng không làm gì để các con thấy mẹ phải khổ sở, hy sinh vì chúng nó. Vì cả hai điều đều sẽ khiến bọn trẻ bị áp lực, miễn cưỡng và chúng tôi sẽ khó trở thành bạn".

Chị Châu cho rằng bữa ăn sum họp gia đình có ý nghĩa kết nối mọi thành viên với nhau. Nhưng khi các con lớn, mỗi người có một lịch công việc, học hành khác nhau thì chị phải điều chỉnh.

"Thay vì bắt các con ăn đúng giờ, tôi chỉ thông tin các con bố mẹ sẽ ăn tối giờ này. Lúc đó, đứa nào thu xếp xong việc, học hành thì ăn cùng bố mẹ. Còn không thì mẹ sẽ để phần. Chính vì cho các con thoải mái, chúng lại rất coi trọng việc có thể ăn cùng bố mẹ, và cố thu xếp thời gian của riêng mình. Bữa ăn vì thế cũng vui hơn là sự miễn cưỡng".

Bí quyết làm bạn với con, theo chị Châu là tạo không khí để có thể nói mọi chuyện không có giới hạn, không phán xét, quy chụp. Và đôi khi bố mẹ cũng phải thẳng thắn thừa nhận mình đã sai, chứ không phải luôn đúng.

"Mẹ định kiến người béo thế là không được", có lần bị con gái phản đối. Chị Châu nhận: "Ừ, có thể mẹ không đúng. Nhưng mẹ cần thời gian để thay đổi, chứ ngay lập tức mẹ chưa thay đổi được điều mẹ đang nghĩ".

Chị chia sẻ không phải việc gì mẹ con cũng đồng quan điểm. Nhưng chị và các con học cách tôn trọng những khác biệt của nhau. Những ứng xử kiểu như thế khiến các con chị cảm thấy sự chân thật, tôn trọng, giúp duy trì sự cởi mở, tin cậy từ hai phía.

Chị Châu có cùng gu du lịch bụi để khám phá những điều mới lạ với con và đồng nghiệp của con - Ảnh: NVCC

Chị Châu có cùng gu du lịch bụi để khám phá những điều mới lạ với con và đồng nghiệp của con - Ảnh: NVCC

Phải yêu bản thân để biết bảo vệ mình

Yêu bản thân có thể là ích kỷ nhưng cũng có thể là cách bảo vệ mình, biết mình muốn gì và có các lựa chọn đúng đắn. Yêu những gì mình có cũng là cách để tự tin và hạnh phúc và có sức mạnh nội tại để vượt lên những trở ngại trong cuộc sống. Đó là "triết lý" chị Châu luôn lấy đó làm gốc trong nhiều ứng xử, trao đổi, đồng hành với các con.

Chị kể: "Tôi cũng từng khá sốc khi nghe các con chia sẻ về vấn đề yêu đương, giới tính. Vì thế hệ tôi được cha mẹ dạy dỗ khác. Nhưng dĩ nhiên tôi không bảo các con không được làm thế này, thế kia.

Có những cái khi đã bình tâm, tôi nhận ra các con đúng, và tôi mới nên là người cần thay đổi. Nhưng có những cái thì vẫn lấn bấn, băn khoăn, và tôi phải tạm chấp nhận, tôn trọng ý kiến khác biệt của con.

Nhưng để bảo vệ các con trước những luồng quan điểm hiện đại quá, cởi mở quá trong khi cuộc sống nhiều rủi ro, phức tạp, tôi đặt ra với các con nguyên tắc "phải yêu bản thân mình". Yêu bản thân quá đến mức không có sự chia sẻ với người khác là ích kỷ.

Nhưng nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, yêu bản thân thì sẽ quý trọng thân thể, sức khỏe, biết cách phòng ngừa, tránh xa những điều nguy hiểm. Yêu bản thân sẽ không làm điều gì để cảm thấy phải xấu hổ, hối hận.

Chị tâm sự thêm: "Trong câu chuyện về giới tính và quan hệ với bạn khác giới, tôi cũng nói nếu con yêu bản thân thì sẽ có lựa chọn để không khiến mình bị tổn thương. Kiến thức về giới tính, tình dục an toàn có đầy trên mạng, bọn trẻ tìm là thấy.

Nhưng trong cuộc sống không phải cứ có thông tin là hành xử đúng. Tôi cũng không thể cấm các con điều này, điều kia được. Vì thế chỉ nên gợi ý thôi để bọn trẻ tự nhận thấy mình nên làm gì".

Cũng với triết lý "yêu bản thân" trong việc lựa chọn trường học, nghề nghiệp, chị Châu và chồng cũng có quan điểm khác nhau. Nhiều người muốn con học những ngành "thời thượng", cơ hội việc làm tốt, thu nhập ổn định. Nhưng chị muốn con lựa chọn trường và ngành học con yêu thích và phù hợp với sở trường, khả năng.

"Không yêu thích, không phù hợp tố chất của mình thì sẽ không làm tốt và không thể thấy hạnh phúc với lựa chọn đó", chị nói. Cô con gái đầu và út của chị đỗ trường chuyên và các con thích môi trường học hành đó.

Nhưng cô con gái giữa, mặc dù đỗ trường chuyên vẫn không học mà chọn trường tư. Dù có nhiều băn khoăn nhưng chị vẫn tôn trọng ý muốn của con.

Chị kể: "Có một khoảng thời gian mẹ con mất kết nối khi con học nội trú. Sau quãng ngày đó, tôi đã phải dành nhiều thời gian hơn để kết nối lại với con và cùng con vượt qua một khủng hoảng tinh thần.

Giờ nghĩ lại, tôi băn khoăn không hiểu mình có sai lầm khi không quyết cho con vào trường chuyên mà để con học nội trú ở trường tư. Nhưng rồi lại thấy cuộc sống có thăng, trầm, có hay, dở khác nhau.

Những trục trặc mẹ con tôi trải qua, nhìn ở mặt tích cực có khi cũng tốt. Kiểu như đi xa sẽ thấy cần gần nhau hơn, sóng gió sẽ thấy yêu sự yên bình hơn, và chúng tôi sẽ biết cách để làm bạn cả trong lúc cuộc sống ổn và chưa ổn".

Hành trình cùng con của chị Châu không phải lựa chọn của nhiều người mẹ vì tâm lý chung của phụ huynh đều muốn vạch cho con hành trình an toàn nhất mà mình kiểm soát được, bao bọc được. Cách của chị đang chọn sẽ có rủi ro. Nhưng bù lại, người mẹ lại giúp con có đủ bản lĩnh, tâm thế vượt qua được rủi ro.

----------------

"Một hôm, con gái tôi đang học lớp 7 về tâm sự: mẹ ơi con có người yêu. Anh ấy đang học lớp 8 và hứa sẽ bảo bọc con suốt đời".

Kỳ tới: Khi con yêu ở tuổi 13 và muốn làm nhà thơ

Hành trình yêu thương vô bờ của mẹ - Kỳ 3: Mẹ giúp con bước ra khỏi vỏ sò tự tiHành trình yêu thương vô bờ của mẹ - Kỳ 3: Mẹ giúp con bước ra khỏi vỏ sò tự ti

Trẻ tự ti thường rất ngại bước ra khỏi "vỏ ốc" của mình. Có thể đó là những việc rất bình thường đối với những đứa trẻ bình thường, nhưng với trẻ tự ti thì rất khó khăn...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp