Tất cả các xe tải, dù chở hàng tiếp tế cho người dân miền Nam đều phải vào trạm kiểm soát y tế khai báo - Ảnh: T.MAI
Hàng chục chốt kiểm tra y tế, và mọi người phải xuất trình các loại giấy tờ chứng minh chuyến đi.
Vượt qua từng chốt
Chúng tôi cũng chưa bao giờ dọc quốc lộ 1 chẳng có lấy một hàng quán mở cửa. Tất cả vắng lặng trước đại dịch. Cái đói cồn cào, bữa ăn nơi lề đường, những cánh đồng trống thật sự là cảm giác nhớ đời.
Chiếc xe tải chở hơn 20 tấn hàng lao nhanh trên con đường huyết mạch. Tài xế Hoàng Anh Tiến (57 tuổi) cả đời gắn bó với vôlăng bảo rằng chưa khi nào quốc lộ 1 lại vắng đến mức này, chẳng có lấy bóng dáng xe khách, xe máy chỉ lưa thưa.
Trên đường đi, ông kể về cuộc đời mấy chục năm ăn nằm xe tải của mình gắn bó với Sài Gòn đến thân thuộc. Chuyến đi này là ông xung phong cầm lái bởi với tài xế Tiến: "Chắc cả đời tôi chỉ có lần này được làm gì đó ý nghĩa cho Sài Gòn, chứ trước giờ chỉ kiếm tiền từ thành phố này thôi" - anh Tiến nói.
Xe lao qua đèo Bình Đê, xuôi theo con dốc là đến thị xã Hoài Nhơn (Bình Định), xứ dừa của miền Trung hiện ra trước mắt. Đang nói chuyện đường vắng thì bỗng dưng phía trước một đoàn xe dài ùn lại. Chốt kiểm dịch cửa ngõ phía bắc Bình Định kê những bàn dài, bất kỳ tài xế nào cũng phải vào khai báo y tế và lịch trình. Anh cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ phân luồng, hướng dẫn tài xế vào khai báo.
Có tài xế nào xuống, anh cũng nở nụ cười và nói: "Anh em thông cảm, dịch giã phiền toái nhưng cố gắng bớt chút thời gian kiểm tra phòng dịch nghen. Cũng vì mục tiêu chống dịch". Lời chia sẻ khiến cái nắng oi bức và thời gian chờ đợi trở nên dễ thở hơn.
Gần nửa tiếng, chúng tôi mới trở lại xe, một lần nữa đưa giấy cho cảnh sát giao thông cuối chốt kiểm tra lại mới được tiếp tục hành trình. Xuyên qua Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, các chốt kiểm dịch ở đây nhìn thấy tấm băngrôn "Chuyến xe yêu thương, hướng về miền Nam thân yêu" nên cũng chỉ kiểm tra giấy đi đường và khai báo y tế tại Bình Định rồi vẫy tay cho qua.
Đến khuya, chiếc xe tới địa phận xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Chốt kiểm soát y tế ở đây lấy vị trí của một cây xăng có khoảng sân cực rộng làm nơi đỗ xe.
Tài xế phải vào những trại dã chiến được phủ bạt kín cho bớt bụi bặm để tiếp tục khai báo lịch trình và trình tất cả các giấy xét nghiệm của các thành viên trên xe. Tài xế Tiến khai báo xong, ghẹo các chiến sĩ đang cầm chiếc đèn pin nhỏ làm nhiệm vụ: "Khuya rồi, các anh lo ngủ giữ gìn sức khỏe đi, 2h sáng rồi còn thức. Bộ nhớ vợ không ngủ được à?".
Đáp lại là nụ cười vang trong đêm của một chiến sĩ công an, anh nói: "Sáng mai thay ca rồi ngủ bác, giờ phải thức bà con mới ngủ ngon được. Tôi cả tháng rồi chưa gặp vợ con, toàn nói chuyện qua điện thoại".
Lời nói nhẹ nhàng mà khiến các thành viên trên chiếc xe nghĩa tình phải suy nghĩ. Dịch bùng lên, những người ở tuyến đầu luôn khổ nhất. Họ không chỉ thức xuyên đêm mà lúc nào cũng đối chọi với nguy hiểm mang tên COVID-19 rình rập, kể cả một số lời phàn nàn của ai đó không hiểu hoặc cố tình không hiểu. Có đi trong những ngày này mới thấy đất nước đang căng mình, cuộc chiến với đại dịch còn dài với những đêm trắng nơi tuyến đầu.
Rời khỏi chốt kiểm dịch ở xã Vĩnh Tân, cả đội nhận được ân tình ấm áp khi các chiến sĩ tuyến đầu hỏi có nước sôi pha mì không, cầm miếng bánh ngọt ăn lót dạ này. Và họ không quên gửi lời hỏi thăm đến đồng bào Sài Gòn, chúc Sài Gòn sớm vượt qua dịch bệnh.
Bữa ăn vội bên đường của Chuyến xe yêu thương ở thị xã Sông Cầu, Phú Yên - Ảnh: TRẦN MAI
Bữa ăn ven đường
Dọc con đường huyết mạch nhất Tổ quốc không có lấy một hàng quán mở bán. Cửa đóng then cài, mọi hoạt động mua bán phải dừng lại, nhường chỗ cho cuộc chiến cam go hơn. Rời Quảng Ngãi từ 9h sáng mà đến tận 15h khi vượt qua đèo Cù Mông (giáp ranh giữa Bình Định và Phú Yên), chúng tôi mới tìm ra chỗ để ăn bữa cơm đầu tiên.
Lúc đó bụng đói cồn cào, anh Nguyễn Văn Trực, đại diện Công ty TNHH Quý Trường Hải và tấm lòng bà con mang quà vào TP.HCM, thở dài: "Tìm cái chỗ ngồi thôi cũng khó".
Nơi chúng tôi ngồi ăn cơm trưa là một lùm bụi cây giữa cánh đồng ở xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu, Phú Yên. Tài xế Tiến soạn ra những hộp thức ăn chuẩn bị từ lúc khởi hành và không quên động viên "lính mới". Tài xế Tiến nói: "Thôi ráng, đời anh gần 30 năm chạy xe mà chưa khi nào rơi tình cảnh soạn cơm dưới đường ăn vầy. Đúng là dịch bệnh...".
Cơm canh nguội ngắt, vậy mà ai cũng vội ăn, phía xa xa một chiếc xe chở yêu thương từ Thừa Thiên Huế cũng trờ lại một lùm cây gần đó ăn vội. Nhìn vào hố rác gần đó có nhiều bao nilông và hộp nhựa cũng đủ hiểu đây là chỗ ăn trưa của rất nhiều tài xế đường dài.
Ăn chưa xong thì một chiếc xe tải biển Quảng Trị cũng treo băngrôn "Sài Gòn ơi cố lên" trờ tới, tài xế mở cửa cabin hỏi vọng: "Ăn xong chưa tới lượt tụi tui". Chúng tôi cười, các anh cũng cười, tình cảnh này có lẽ sẽ là một phần lịch sử trong góc nhớ mỗi người những ngày sẻ chia yêu thương với miền Nam máu thịt.
Tài xế chuyến xe yêu thương của Quảng Trị tên Nguyễn Đình Hoàng lúc chờ chúng tôi dọng dẹp "chỗ ăn" nhường cho nhóm của anh, đã nói vui "Chắc trăm năm nữa cũng không có cảnh ni mô, miền Trung đi giúp miền Nam. Ăn cơm lề đường mà cũng chờ nhau".
Chẳng hiểu hữu duyên thế nào, tối hôm đó khi xe dừng lại ở xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh, Khánh Hòa ăn tối thì mấy chiếc xe yêu thương từ các tỉnh bạn cũng trờ tới. Có lẽ cả một đoạn đường dài, chẳng có chỗ nào thả mông ngồi ăn, nên khi thấy có chỗ phù hợp lại cùng tìm đến.
Dưới ánh đèn mờ mờ chiếu ra từ một nhà xưởng ven quốc lộ 1, những bữa cơm vội vã của cánh tài xế chở nhu yếu phẩm thiết yếu diễn ra chóng vánh rồi lại tiếp tục hành trình, để kịp chuyển hàng đến tay người dân khó khăn ở TP.HCM vào sáng mai.
Mỗi chuyến hàng chở tấm lòng của người dân cả nước hướng về đồng bào miền Nam thời điểm này là những nhọc nhằn mà anh Trực dùng từ "mằn mặn" quả rất đúng. Chính công ty anh tự bỏ tiền mua nhu yếu phẩm, rồi tiếp nhận thêm từ tấm lòng thơm thảo của bà con chuyển vào TP.HCM. Nhưng anh cũng không thể hình dung được khó khăn chờ đón nhiều đến vậy.
Anh Trực nói: "Đi vầy mới thấm thía tấm lòng của người miền Nam ngược bão lũ chi viện cho người miền Trung mình bao năm qua. Ân tình ấy, đi chục chuyến thế này cũng không báo đáp hết!".
"Anh em thông cảm, dịch giã phiền toái nhưng cố gắng bớt chút thời gian kiểm tra phòng dịch nghen. Cũng vì mục tiêu chống dịch" - lời một cảnh sát giao thông ở chốt kiểm dịch Bình Định.
***********
Con rể, cha vợ chung nghề tài xế, họ chung luôn cả suy nghĩ hướng về đồng bào miền Nam thân yêu. Cả hai bất chấp rủi ro dịch bệnh, xung phong cùng những chuyến xe hàng về miền Nam.
>> Kỳ tới: Hai cha con trên một chuyến xe nghĩa tình
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận