Vậy mà với mỗi vai trò, Mai Anh đều làm tròn một cách xuất sắc và với một nụ cười.
Kỳ 1: Kỳ 2:
Phóng to |
Mẹ Mai
Thật khó có thể tìm thấy Mai Anh ngồi ở đâu một chỗ. Lúc nào chị cũng tất bật với hàng tá công việc không tên và có tên. Sáng sớm lo cho con ăn sáng, rồi đưa con đi học, ba cậu con trai là ba ngôi trường khác nhau. Rồi Mai Anh đi làm, tất bật giữa máy tính, điện thoại với những bản thảo, bản in, dự án. Chiều đón con về, cơm nước và dạy con học buổi tối tại nhà. Hà Nội đang mùa đông, chiếc xe máy Mio cũ của nhà báo Mai Anh như oằn xuống với bốn mẹ con dày trong những chiếc áo rét. Xen vào những thường nhật ấy là những lần cả ba anh em cùng lây nhau lăn ra sốt vì ngủ chung giường, là những đợt Thiện Nhân đi bệnh viện điều trị dài ngày, đi cấp cứu bất thường vì những đột biến và cả những tai nạn bất ngờ vì... nghịch quá.
Bất thường xảy ra mãi rồi cũng thành bình thường. Nên Thiên Minh, Hải Minh đã quen với việc mẹ vắng nhà mỗi lần em Nhân phải đi nằm viện, quen với việc trò chuyện, trao đổi với mẹ trên mạng Skype mỗi bận xa nhà. Cậu bé Thiên Minh năm nay mới lớp 6 nhưng từ năm ngoái đã biết cách khéo léo thay băng nhẹ tay cho em, biết cả cách dùng bút chì, thước kẻ, đũa làm nẹp chân, garô cầm máu cho Nhân khi em trượt chân trong nhà tắm. Hải Minh chỉ hơn Nhân một tuổi, đã biết nói chuyện, trêu đùa để em bớt những cơn đau hậu phẫu, biết nhường nhịn, không bao giờ tị nạnh khi mẹ ôm Nhân trong lòng...
Một ngày chỉ có thể gặp Mai Anh ngồi nguyên một chỗ trong những phút hiếm hoi buổi tối khi các con đã học xong bài. Bốn mẹ con tụm lại trên giường đọc truyện, chơi trò đố vui, những tiếng cười rộn rã như là không có những nỗi đau. Và ngay khi đó thì máy tính của Mai Anh vẫn đã sẵn sàng mở để giải quyết công việc.
Thi thoảng hơn nữa là những phút riêng tư ở cuối bữa cơm, khi Thiên Minh, Hải Minh cố ý nán lại tâm sự với mẹ. Và câu chuyện khi nào cũng xoay quanh Thiện Nhân. Là câu hỏi vô tư của Nhân khi bốn mẹ con cùng chơi trò “gà đẻ trứng”: “Mẹ ơi, mẹ đẻ con ra trước hay anh Hải Minh ra trước? Lúc nằm trong bụng con có đạp mẹ mạnh bằng anh Thiên Minh không?”. Là phút mà Nhân lâm vào một cơn bàng hoàng khi bất chợt nhìn thấy tấm ảnh mẹ Mai Anh bế Thiên Minh khi ấy vừa tròn 1 tuổi. Không nhận ra anh Thiên Minh, Nhân nói mà gần khóc: “Mẹ ơi, mẹ xem này, lúc còn đủ hai chân con đẹp chưa này?”...
Khó có thể ngăn được một giây tim nhói đau khi nghe những câu chuyện ấy về Thiện Nhân, lại càng khó ngăn được cảm giác xao lòng trong vui mừng khi nghe mấy mẹ con Mai Anh bàn nhau xem phải cư xử làm sao trước những tình huống ấy: im lặng, lảng tránh, nói dối?... Mẹ Mai Anh bảo: “Các con cứ nói sang chuyện khác để em quên đi ngay lúc đó. Sau này...”.
Sau ca phẫu thuật vừa rồi, ngoài việc chuẩn bị cho Nhân bước vào ca phẫu thuật tiếp theo vào tháng 4, tháng 9 năm sau, mẹ Mai Anh còn phải lo đến việc Nhân sắp vào lớp 1. Sợ vào học Nhân sẽ lại phải nghỉ nhiều vì nằm viện, mẹ đã cho Nhân đi học chữ mỗi tuần hai buổi tối ngay từ bây giờ. Hải Minh đã đọc thông viết thạo rồi cũng được mẹ gửi luôn vào lớp để gần gũi, giúp đỡ em. Lo Nhân không theo kịp bạn bè trong lớp nhưng cả nhà cũng lại lo đến một ngày rất gần thôi Nhân sẽ biết đọc, biết mở máy tính, biết lên mạng và sẽ đọc được những bài viết về mình. “Lúc ấy không biết sẽ sao đây...” là phút trầm ngâm thật giống nhau của mọi thành viên trong gia đình, từ ông bà ngoại đến cha mẹ, đến các anh của Nhân trong những ngày này.
Lo là lo vậy, nhưng hơn ai hết Mai Anh biết cậu con trai rất thông minh và nhạy cảm của chị cũng sẽ rất dũng cảm khi nhận biết sự thật. Và những người quan tâm đến Thiện Nhân cũng đồng ý rằng Mai Anh không phải lo, vì thật hơn cả sự thật về Nhân là tình yêu thương ắp đầy mà chị và cả gia đình mình đã dành cho em.
Không cần cố gắng
Nuôi dạy một đứa trẻ đã khó, nuôi dạy một đứa trẻ khuyết tật khó hơn, cùng đứa trẻ khuyết tật ấy khắc phục khiếm khuyết của mình lại càng khó nữa. Và khó nhất lại chính là khuyết tật của Thiện Nhân, dễ tổn thương nhất lại chính là đức tính thông minh và nhạy cảm của Nhân so với những khắc nghiệt đến mức khốc liệt mà em phải đối mặt. Thế nhưng Mai Anh đã quyết sẽ dắt tay Thiện Nhân đi đến cùng của sự hoàn thiện, cả thể chất, cả tinh thần, quyết dùng tình yêu không vơi cạn của mình đánh đổi lấy cái ác, sự vô tâm mà bé đã không may gặp phải từ khi mới lọt lòng. Mai Anh đã quyết như thế ngay từ lần đầu gặp Nhân, dù sau đó cũng phải trải qua những đêm không ngủ để suy nghĩ. Những đêm ấy Mai Anh bảo chị không đắn đo mà chỉ tính toán xem mình sẽ phải làm gì cho Thiện Nhân.
Năm 2008 ấy, gia đình chị vừa trải qua một biến cố lớn, mà theo chị, đó là đại nạn thứ ba đến với gia đình trong đời mình. Lượng tính trước những khó khăn, thử thách vô vàn sẽ đến cùng Thiện Nhân, một người thân của chị khuyên: “Đừng bắt đầu một việc sẽ không bao giờ kết thúc”. Mai Anh bước qua. Vừa trải qua một cú sốc lớn trong đời, cha chị nhủ: “Gia đình mình đang cần một thời gian để bình yên. Con muốn làm một việc nhân nghĩa, bố không thể bảo con đừng làm, nhưng vì không muốn con khổ, bố cũng không bảo con nên làm. Con tự suy nghĩ, thấy mình làm được hay không thì hãy quyết định”. Mai Anh bước tới.
“Mọi người nghĩ việc nuôi dạy, chăm sóc, lo chữa trị các khuyết tật cho Thiện Nhân là một việc quá sức, nhưng tôi lại thấy nhẹ nhàng. Không có người mẹ nào mệt mỏi khi chăm con cả. Gặp bé Thiện Nhân, trong lòng tôi không phải tình thương mà là tình yêu. Tình yêu của mẹ với con mình. Là mẹ, tôi không cần cố sức. Tự khắc sẽ tỉnh dậy ngay khi con sốt, tự khắc sẽ nghe tiếng con rên vì đau, tự khắc sẽ biết có những giọt nước mắt con khóc thầm trên má... Nên mọi người thấy tôi ốm yếu, tên thường gọi là Còi, nhưng tôi vẫn được làm mẹ của Thiện Nhân”. Mai Anh lý giải bình thản mà khiến người nghe không khỏi ngạc nhiên, không khỏi xao xuyến. Tựa như cuộc đời đã công bằng khi sắp xếp cho Thiện Nhân gặp chị, để bé có một người mẹ thật sự sẽ lấp đầy được những khoảng trống bất hạnh.
Cuộc đời công bằng nên Mai Anh cũng đã gặp được một may mắn lớn trong đời ngoài những gập ghềnh trắc trở: trong một dịp tình cờ, chị đã được chụp phim và phát hiện kịp thời một dấu phình động mạch chủ trên não ngay vào giai đoạn nó đã đến ngưỡng vỡ. Bước vào ca cấp cứu sinh tử bất ngờ, Mai Anh vẫn còn tranh thủ vài giờ để chuẩn bị chúc thư cho các con. Các bác sĩ run tay khi cầm tấm phim chụp, nhưng khi nhận ra Thiện Nhân quẩn bên chân mẹ thì lại khẳng định như đinh đóng cột: “Đã là mẹ của Thiện Nhân thì nhất định sẽ vượt qua được”. Mẹ được đẩy vào phòng mổ, Thiện Nhân với theo nhét vào túi áo mẹ một chiếc ôtô nhựa nhỏ xíu. Chiếc xe của bé đã chở mẹ Mai Anh bình yên vượt qua cơn thập tử nhất sinh.
Nói như bà ngoại của Thiện Nhân: “Nhân đã tự mình chiếm được tình yêu của mọi người”.
_______________
Mọi người yêu mến Thiện Nhân gọi em là “chú lính chì”. Dù chỉ có một chân, “chú lính chì” đã vượt qua đau đớn và bước tới từng bước...
Kỳ tới: Chú lính chì dũng cảm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận