Chu trình của sán - Ảnh minh họa
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Duy Phong, Trường ĐH Y dược TP.HCM, trong giai đoạn khi sán đi từ máu về lại ruột thì bị mắc kẹt lại một số cơ quan của người như não, mắt, gan, cơ, da… gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Người nhiễm sán không có triệu chứng đặc hiệu mà tùy thuộc vào nơi ấu trùng sinh sống sẽ phát ra biểu hiện rõ hơn.
Nếu sán làm tổ ở mắt có thể khiến lồi nhãn cầu gây lác mắt, nhìn đôi, làm bong võng mạc gây giảm thị lực, có thể bị mù.
Khi sán vào não, người nhiễm sán có thể bị nhức đầu, động kinh, rối loạn tâm thần, rối loạn thị giác, giảm trí nhớ, gây viêm màng não do ký sinh trùng. Và thực tế có rất nhiều trường hợp nhập viện viêm màng não do ký sinh trùng gây ra.
Hoặc khi sán làm ổ trong tim sẽ gây rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng van tim, dẫn đến suy tim.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, trẻ nhỏ luôn là đối tượng dễ bị nhiễm giun sán cho dù cha mẹ đã chăm sóc và cho con ăn uống cẩn thận.
Phần lớn sán ký sinh sẽ lấy chất dinh dưỡng trong cơ thể khiến người nhiễm sán bị suy dinh dưỡng, thiếu máu… Hoặc trường hợp khẩn cấp là đau bụng, khó chịu vùng bụng, cơ thể suy nhược, gầy còm, tiêu chảy…
Để xác định một người có bị nhiễm sán hay không, bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm tìm trong công thức máu, bạch cầu tăng sẽ tiếp tục tìm loại giun sán nào đang khưu trú sẽ có thuốc đặc trị.
Trong một số trường hợp, tùy thuộc vào sức đề kháng của mỗi cá nhân mà ảnh hưởng đến kết quả dương tính hay âm tính với ký sinh trùng. Nên có nhiều trường hợp làm xét nghiệm nhiều lần vẫn không tìm thấy sán.
Khi xét nghiệm kháng thể người bệnh, có thể hiểu nôm na như công an truy bắt tội phạm, "tội phạm" đã được dẫn giải đi rồi nhưng công an vẫn ở lại hiện trường làm tiếp các thủ tục, và kết quả xét nghiệm tìm thấy kháng thể chính là hiện trường chứ không phải sán. Hoặc ngược lại, tội phạm ẩn nấp mà công an tìm chưa ra thì cho kết quả âm tính.
Trong trường hợp nghi ngờ người bệnh viêm màng não do ký sinh trùng thì ngoài làm xét nghiệm công thức máu, bác sĩ còn chỉ định làm xét nghiệm dịch não tủy.
Chính vì vậy, để phòng ngừa nhiễm sán, người dân vẫn phải dựa trên nguyên tắc ăn chín uống sôi, lựa chọn thực phẩm an toàn. Không ăn các loại thức ăn tái, sống, tiết canh, thực phẩm không rõ nguồn gốc...
Tăng cường vệ sinh môi trường sống. Trẻ nhỏ rất hiếu động, chưa ý thức được cái gì sạch, cái gì bẩn nên có thể vô tình bị nhiễm giun sán. Cha mẹ cần chú ý luôn rửa sạch tay cho bé trước và sau khi ăn; không cho bé bò trườn dưới nền nhà; luôn cắt móng tay móng chân sạch sẽ; đảm bảo nguồn thực phẩm mà con ăn uống…
Đặc biệt, khám sức khỏe định kỳ. Tẩy giun sán định kỳ, đối với người từ 60 tuổi đến trẻ em theo định kỳ một lần trong năm, đối với người già trên 60 tuổi cần tẩy định kỳ 6 tháng một lần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận