Phóng to |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Câu chuyện quê hương của Josette Trần Tử Yến bắt đầu từ năm 1970, khi cô 10 tuổi, học cấp II. "Josette, tại sao em ghi quốc tịch của em là VN như thế?", thầy giáo dạy sử người Pháp ngạc nhiên khi thấy cô học trò điền vào tờ khai thông tin năm học mới.
Cô bé trả lời: "Thưa thầy, vì cha em là người VN, em tên đầy đủ là Josette Trần Tử Yến". Chuyện đời lạ lẫm của cô học trò nhỏ đã khiến thầy giáo viết một bài gửi đến tờ báo địa phương. Josette kể lại chuyện cho cha - ông Trần Tử Yến. Ông Yến nghẹn ngào ôm con gái: "Cha cảm ơn con vì con vẫn biết mình là người Việt".
Cho đến bây giờ, 38 năm sau, khi Josette đã nhiều lần về thăm VN, nhắc lại chuyện xưa Josette nói đó là sự kiện đánh dấu trong tiềm thức rằng cô có một quê hương khác ngoài Guyane.
70 năm ở trọ
Nhưng quê hương đó ra sao, qua lời kể của người cha, Josette không mường tượng được dù đó là những hình ảnh cụ thể: đất nước thon thả hình chữ S, đồng ruộng xanh rờn thấp thoáng cánh cò bay, phụ nữ với áo dài thướt tha... Đó là quê hương qua niềm nhớ của cha lúc ông xuống tàu đi đày biệt xứ vào năm 1931. Còn Josette qua năm tháng phải tự "cập nhật" quê hương cho riêng mình: tìm thông tin về VN trên truyền hình, báo chí.
Phóng to |
Cha cô từng là một người yêu nước, tham gia tổ chức VN Thanh niên cách mạng đồng chí hội và bị đày sang Guyane. 15 năm bị đày ải nơi rừng thiêng nước độc Guyane để lại cho ông lắm bệnh tật và tấm lưng đầy lằn roi. Năm 1946 được trả tự do, nhưng ông Yến phải đi làm lao động không công cho chính quyền. Ông lâm bệnh, vào bệnh viện.
Ở đó, ông gặp một phụ nữ là cháu của những người nô lệ da đen từng bị đưa đến Guyane thế kỷ trước. Hai con người đơn độc có nguồn cội ở cách xa Guyane nửa vòng trái đất cùng gặp gỡ nơi quê người, họ dễ hiểu tiếng lòng của nhau hơn. Những đứa con ra đời.
Khi người cựu tù ấy bắt đầu ngập tràn hạnh phúc gia đình cũng là lúc trong ông bị giằng xé với nỗi khổ tâm phải chọn lựa giữa quê hương và gia đình. Năm 1954, nhà lao An Nam ở Guyane đóng cửa, những cựu tù nhân người Việt đầu tiên được rời Guyane trở về cố quốc. Ông Yến cũng có tên trong đoàn. Nhưng ông do dự. Lá thư ông viết về cho người cháu đề ngày 22-11-1954: "Non 25 năm lưu lạc quê người, lúc nào trong lòng cũng chỉ ước vọng trở về hội họp cùng gia đình, thế mà nay người ta gọi cho về lại không về. Lo cho các bạn về mà nuốt nước mắt, đau đớn nhất là lúc máy bay cất cánh. Đi về một mình thì không nhẫn tâm, kéo cả gia đình về có nhiều bề trở ngại, nên chú chủ trương nán lại một thời gian".
Ông Yến đâu có ngờ lần dùng dằng đó lại trở thành định mệnh: ông đã phải ở lại Guyane mãi mãi, cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay vào năm 2002. Josette hiểu lòng cha: "Tôi biết rõ là đối với cha tôi, 70 năm của ông ở Guyane chỉ là ở trọ. Còn trái tim cha tôi vẫn luôn ở VN".
Thực hiện ước nguyện
Phóng to |
Tất cả 12 người con ông Yến lớn lên không ai biết VN là gì, dù tất cả đều mang chung họ là Trần Tử Yến. Da đen, tóc xoăn, nói tiếng Pháp, không biết tiếng Việt, chỉ biết VN là một xứ sở nào đó mà một đời cha luôn đau đáu nhớ về. Tất cả đều từng được cha bồng bế trên tay và ru bằng bài hát tiếng Việt thân quen: "Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc...".
Josette là người gần gũi cha nhất, thường được cha dẫn theo khi đi gặp các đồng hương ở Guyane, cùng ăn cơm nước mắm, cá khô, trò chuyện với họ. Khi cha đã già, Josette lại là người thường lái xe đưa cha đi gặp bạn bè người Việt. "Tôi biết việc gặp gỡ những người Việt ấy là một phần sống của cha tôi. Vì những lúc như vậy, ông được nói tiếng Việt, được đàm đạo chuyện ở quê nhà..." - Josette kể.
Đời sống kham khổ, vợ chồng ông Yến phải tần tảo lo cho tương lai những đứa con, chẳng thể có đủ tiền để một lần thực hiện mơ ước trở về thăm đất Việt. Lúc các con trưởng thành thì ông đã cao tuổi. Năm 1984, ông rưng rưng trong thư gửi về cho người cháu ruột là Trần Tử Kháng (hiện ở Q.12, TP.HCM): "Chú không quên đất nước, không quên làng mạc, không quên ai hết. Chú nhớ hết mọi người thân yêu, mọi nơi có vết chân chú, quên sao được". Năm 1988: "Chú bây giờ bệnh tật luôn. Chú không bao giờ quên non sông đất nước, nhưng trời không chiều lòng cho trở về nữa". Đã rất nhiều lần Josette muốn về VN cho biết quê hương ra sao, nhưng đồng lương ít ỏi của nghề giáo viên đành tạm khép lại mong mỏi của cô. Đến năm 1988, cô hoàn thành được nguyện ước. Hành trang của Josette về VN là những lá thư của cha gửi thăm bà con quê nhà và địa chỉ những bạn tù Guyane của cha năm nào.
Chàng trai "gan nhất Bắc kỳ” Ngày 1-5-1930, tòa án đại hình họp ở Hà Nội đã xử vụ tống tiền với bị cáo là Trần Tử Yến, 20 tuổi (giấy tờ ghi là 17 tuổi), cựu học sinh Trường Bưởi. Tòa buộc Yến tội "dùng vũ lực dọa Tham Thiên Đường - một chủ hiệu bào chế thuốc lớn ở Hải Phòng - lấy 8.000 đồng để dùng vào mục đích làm hại hoặc thay đổi chính phủ bảo hộ, xúi giục nhân dân phản đối các quan chức, gây cuộc nổi loạn". Theo báo Đông Pháp ngày 2-5-1930, trước tòa, không cần luật sư, không cần thông ngôn, Trần Tử Yến tự bào chữa rất hùng hồn. Tham Thiên Đường trước kia có nhận của những người hoạt động cách mạng 8.000 đồng để đi tuyên truyền nhưng lại giữ món tiền đó làm của riêng. Yến nói anh chỉ đòi lại số tiền mà Tham Thiên Đường đã lấy. Yến còn tố cáo người Pháp cai trị bóc lột và khinh rẻ người Việt, vạch mặt mọi chi tiết, kể về sự áp bức của Pháp đối với người lao động. Báo Đông Pháp tường thuật phiên tòa gọi Trần Tử Yến là "gan nhất Bắc kỳ”. Không thể kết án tử hình Yến vì anh chưa đủ 18 tuổi, chính quyền bảo hộ quy anh tội phản quốc, kết án chung thân, đưa vào Hỏa Lò, chuyển ra Côn Đảo và sau đó đày biệt xứ đi Guyane. |
Bước chân đồng hành
Từ sau chuyến về VN đầu tiên, đến nay Josette đã có bốn lần trở về VN. Lần nào cũng vậy, ông Yến viết thư thăm bà con, nhưng nét chữ mỗi năm càng nguệch ngoạc. Năm 1991, ở tuổi 83, ông viết cho ông Kháng: "Thấy phong cảnh quê hương mà không được đặt chân lên đất nước, không được vun xới một cành cây quê nhà, không được đưa hai bàn tay hứng lấy dòng nước suối thì còn chi là vui vẻ. Có lẽ lại tuôn nước mắt tràn trề mà thôi".
Những người con đã thực hiện nguyện ước thay cha mình. Lần đầu Josette về một mình, những lần sau có thêm anh chị em. Và cả bạn bè, cả những người Guyane lần đầu tiên đến với VN. Lần mới nhất về TP.HCM tháng 7-2008, Josette tìm cho được những hậu duệ tù nhân An Nam năm xưa. Vài con cháu tù nhân gặp nhau, cô nhớ lời của cha: "Con nhớ nói với những người con, người cháu ấy rằng cha ông của họ từng rất anh dũng khi lưu đày ở Guyane".
Được biết báo Tuổi Trẻ có kế hoạch vận động dựng bia tưởng niệm những tù nhân người Việt yêu nước tại Guyane, Josette nói: "Được vậy thì cha tôi và con cháu các tù nhân yêu nước sẽ mãn nguyện vô cùng". Cô đồng lòng sẽ thuyết phục người gốc Việt tại Guyane cùng nhau góp sức để việc dựng bia được thành công.
Kể từ khi biết được quê hương mình ở VN, cuộc hành trình gần lại với xứ sở cứ luôn thôi thúc Josette, bằng tất cả mọi cách. Gói ghém đồng lương của một giáo viên dạy học cho những đứa trẻ thiểu năng trí tuệ, cố gắng lắm vài năm Josette về VN được một lần. Những năm không về được thì cô vận động bạn bè đi VN, thuyết phục để những gia đình người Việt khác ở Guyane (gia đình họ Nguyễn, họ Lê...) về thăm quê.
Giờ học của Josette từ khi có quê hương VN cũng khác: cô thêm từ "quê hương" vào bài giảng. Những đứa trẻ luôn hỏi "Quê hương là gì hả cô?", "Là cái gốc của mỗi người". "Quê hương của cô là gì?". Josette đã có thêm từ mới để trả lời: "Là Việt Nam", dù những đứa trẻ chưa hiểu hết ý nghĩa của từ mà cô đã mấy mươi năm tìm hiểu.
Josette nói mỗi lần về VN, cô luôn nghĩ hành trình trở về quê hương của mình như có bước chân đồng hành của người cha, dù rằng hình hài của ông vẫn còn nằm lại ở quê người Guyane.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận