04/10/2022 09:55 GMT+7

Hành trình 'không gục ngã' của nữ sinh xứ đảo

DUY KHÁNH
DUY KHÁNH

TTO - Vừa hoàn thành kỳ thi THPT, Phan Thị Thu Uyên tin mình sẽ đậu đại học nên đi tìm việc làm thêm, dành dụm cho hành trình sắp tới.

Hành trình không gục ngã của nữ sinh xứ đảo - Ảnh 1.

Bốn năm đại học phía trước với cô cựu học sinh lớp 12A3 Trường THPT An Thới, TP Phú Quốc (Kiên Giang) chưa một lần bước chân ra khỏi đảo như thế nào Uyên chưa hình dung được. "Nhưng mình phải tự lo trước đã!", cô nghĩ vậy nên phải đi làm thêm, bắt đầu từ 6h và kết thúc lúc 22h mỗi ngày với vài chỗ làm khác nhau.

Không cho phép mình gục ngã

Đến phòng trọ tìm mới hay Uyên đang đi làm thêm cho một quán kem. Sáng Uyên phụ quán phở, gần trưa tất tả đi chợ nấu ăn cho cha và em. Chiều đưa em đi học rồi qua quán kem phụ bán tới khuya. Chưa bao giờ Uyên thấy mệt, đúng hơn là em không cho phép mình mệt mỏi.

Căn phòng trọ hơn 10m2 được một người thương tình cho cha con Uyên tá túc mấy năm qua. Cô gái loay hoay mãi mà không biết mời khách ngồi đâu vì không có ghế. Cái bàn ghép từ mấy thanh sắt hàn lại, lót vài tấm gạch bông cũ vừa làm bàn học, vừa là bàn ăn của ba cha con.

Vừa tiếp khách Uyên vừa tranh thủ chỉ bài cho Huy, cậu em trai đang học lớp 5. Từ ngày mẹ mất, Uyên vừa là chị cũng như là mẹ của Huy nên đấy là điều Uyên lo nhất khi phải rời em và cha đi học. Cô gái không trăn trở về quãng đường phía trước của mình, chỉ lo cha với em ở nhà vì bao năm qua chưa bao giờ Uyên xa em trai ngày nào.

Chỉ tay lên cái gác sát trần, Uyên bảo đó là thế giới của mình. Phòng trọ thấp, còn phải thêm gác để cho Uyên có chỗ học và ngủ, cô chỉ có thể ngồi hay nằm chứ không thể đứng. Nắng như cái lò thiêu, mưa lại như có ai lấy thùng thiếc gõ vào tai. Nhưng với Uyên, vậy đã là quá may mắn bởi nếu không có căn phòng này, mấy năm qua ba cha con không biết trôi dạt phương nào.

Trong vòng tay thầy cô, bạn bè

Đã bốn năm rồi mà mấy cha con vẫn không thể lý giải vì sao mẹ lại chọn cách từ giã cõi đời như thế. Đó là sáng tinh mơ một ngày hè, chị em Uyên còn say giấc trong căn phòng trọ nhỏ thì tiếng đập cửa cùng tiếng la thất thanh của những người xung quanh. 

Cha con Uyên ngơ ngác mở cửa, mẹ đã treo cổ trên cành cây gần đấy tự lúc nào. Mẹ không để lại một lời trăng trối. Tối đó, trước khi cả nhà đi ngủ, mẹ con cười nói rôm rả, còn chuẩn bị đồ đạc để sáng thức nấu bán đồ ăn sáng cho mấy cô chú công nhân quanh xóm trọ.

Mọi thứ như sụp đổ đối với ba cha con. Vì không có nhà, cũng chẳng bà con thân thích, mẹ Uyên được đưa đến căn chòi trên nghĩa địa. Đám tang mẹ cũng nhờ thầy cô, bà con xóm trọ chung tay lo liệu. 

Cái chết đột ngột của mẹ khiến cha Uyên sụp đổ, công việc làm thuê cũng đứt đoạn. Kể từ hồi lớp 10, Uyên vừa học vừa đi làm thêm đỡ đần với cha. Uyên nói bốn năm qua, nếu không có bạn bè, thầy cô cưu mang có lẽ Uyên đang làm công nhân ở một công trình nào đó phụ cha nuôi em.

Cô Trần Thị Thực - phó hiệu trưởng Trường THPT An Thới, cũng là mẹ Quỳnh Trang (người bạn thân của Uyên suốt ba năm phổ thông) - cho rằng kết quả của Uyên rất xứng đáng với sự nỗ lực không tưởng của em. 

Khi biết con gái mình chơi thân với Uyên, cô đã tìm hiểu hoàn cảnh, dõi theo hành trình vượt khó và đồng hành với em mấy năm qua. Căn phòng trọ cha con Uyên tá túc cũng do cô hiệu phó xin cho ở nhờ. Rảnh là cô chạy lại xem chị em Uyên thế nào, có món gì ngon cũng kêu Trang đem cho bạn...

Uyên rơm rớm nước mắt khi nhắc đến các thầy cô đã cưu mang mình thời gian qua. Rồi cô mở đếm những tờ giấy khen, cả các giấy chứng nhận học bổng Uyên được nhận từ các nhà hảo tâm, nhẩm tính số tiền nhận được. Hỏi sao phải cất kỹ mấy giấy chứng nhận đó đến vậy, Uyên bảo muốn lưu giữ để nhắc mình không được phép quên những ân tình mà thầy cô, bạn bè đã dành cho mình.

Hành trang lần đầu vượt biển vào đất liền thực hiện ước mơ đời mình, Uyên nói sẽ mang theo những "kỷ vật" ấy để mỗi khi nhớ trường, nhớ thầy cô, bạn bè hay lúc nào thấy mệt mỏi quá sẽ xem đó là động lực để đứng dậy, vượt qua khó khăn như bốn năm qua kể từ khi mẹ mất.

Cô học trò đặc biệt

Cô Hoàng Thị Ánh - giáo viên chủ nhiệm - nói Uyên là cô học trò đặc biệt, một trong những học sinh ấn tượng nhất trong đời đi dạy của mình.

Hầu như thầy cô, bạn bè cả trường đều biết hoàn cảnh gia đình và dành rất nhiều tình cảm nhưng Uyên chưa bao giờ xem đó như một đặc ân mà rất có trách nhiệm.

"Năm cuối học hành vất vả, lại phải làm thêm kiếm tiền phụ cha nhưng chưa bao giờ thấy Uyên than vãn hay trễ nải việc học. Ai cần gì Uyên đều sẵn sàng giúp. Những ngày gần kỳ thi THPT, Uyên xung phong kèm cho một số bạn còn yếu nên kết quả thi của các bạn khá tốt", cô Ánh cho biết.

Hãy đăng ký ngay với Tuổi Trẻ

Các bạn tân sinh viên khó khăn hoặc người giới thiệu biết về hoàn cảnh tân sinh viên hãy truy cập để đăng ký hồ sơ học bổng Tiếp sức đến trường.

Báo Tuổi Trẻ đang phối hợp với 63 tỉnh thành đoàn cả nước dự kiến trao 1.000 suất học bổng (trị giá hơn 15 tỉ đồng) hoặc có thể nhiều hơn cho tân sinh viên khó khăn, mỗi suất 15 triệu đồng.

Từ nguồn hỗ trợ của nhiều đơn vị, cá nhân và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ, đến nay đã có 22.370 tân sinh viên được "tiếp sức" để không dang dở ước mơ giảng đường với số tiền hơn 164,5 tỉ đồng.

Q.L.

Hành trình không gục ngã của nữ sinh xứ đảo - Ảnh 4.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Dẫu gập ghềnh vẫn bước tới cùng Dẫu gập ghềnh vẫn bước tới cùng

TTO - Cha mất gần 10 năm trước, mẹ yếu đau bệnh suốt song vẫn phải một mình bươn chải ngược xuôi để gồng gánh gia đình ba miệng ăn. Đó cũng là nỗi xót xa mà Trương Văn Mạnh vẫn đau đáu trong lòng.

DUY KHÁNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp