Việt Nam là một trong số những nước hiếm hoi trên thế giới có tục lệ làm đồ chơi con giống bằng bột cho trẻ em vào dịp tết Trung Thu. Con giống bột đã từng là đồ chơi dân gian truyền thống cho trẻ em Việt Nam, cho đến khi nó biến mất.

Có một người đàn ông nhiều năm nay cố tìm lại nghệ nhân làm con giống bột, nhưng ông đã phải đợi rất lâu để gặp được một nghệ nhân thực thụ đạt tiêu chuẩn về tay nghề cũng như lương tâm và lòng đam mê nghệ thuật.

Hành trình khôi phục con giống tò he thất truyền - Ảnh 1.

Năm 1998, trong một lần dạo chơi ở khu vực Nhà thờ Lớn, ông Trịnh Bách đã gặp hai ông cháu Đặng Xuân Hạ và Đặng Văn Hậu người làng Xuân La, Phú Xuyên, Hà Nội, đang ngồi nặn .

Nhìn cậu bé Hậu ngồi nặn ông già Noel bằng bột rất đáng yêu, ông Bách đã ra hỏi chuyện và chụp ảnh cậu bé. Ông Bách hỏi hai ông cháu Hậu có ai biết nặn con giống bột cổ kiểu Hà Nội không, cả hai đều lắc đầu.

Năm 2012, ông Bách vô tình gặp lại Hậu ở phố Hàng Lược. Lúc này Hậu đã trưởng thành, ngày ngày mang tò he từ Xuân La ra Hà Nội bán. Ông Bách muốn thử tài Hậu nặn cặp ‘long thăng long giáng’ do ông vẽ theo lối cổ, vì năm đó là năm Thìn. Không ngờ Hậu làm được, ngay cả những chi tiết khó nhất.

Lúc đó ông Bách biết đã gặp được đúng người. Ông đã bàn với Hậu đi tìm những nghệ nhân làm con giống bột cổ của Hà Nội.

Hành trình khôi phục con giống tò he thất truyền - Ảnh 2.

Một vài con giống Đồng Xuân tiêu biểu của bà Phạm Nguyệt Ánh - Ảnh: TRỊNH BÁCH

Năm 2017, cơ duyên giúp Đặng Văn Hậu gặp được bà Phạm Nguyệt Ánh. Ngay khi biết tin, ông Bách ngay lập tức bay về Việt Nam gặp bà Ánh.

Lúc ấy bà Ánh đã xấp xỉ 70 tuổi. Bà từng ở Đồng Xuân và từng được học nghề làm con giống bột của người Hà Nội cũ, thường gọi là con giống bột Đồng Xuân. 

Ngoài ra bà còn biết cách làm một số con giống Phố Khách của người Hoa.

Qua bà Nguyệt Ánh, Đặng Văn Hậu mới biết rằng nặn con giống bột cổ không phải chuyện đơn giản. Cần phải có bộ dụng cụ hơn chục món, và tay nghề phải thuần thục mới biết cách dùng. 

Cách pha bột cũng khác với cách pha bột để làm bánh chim cò, mà nay thường bị gọi nhầm là "tò he", truyền thống ở Phú Xuyên.

"Những con cá vàng kẹp vẩy vân, mâm ngũ quả, hay con cua, đôi hài của bà Nguyệt Ánh sẽ làm cho bất cứ ai khi còn bé đã được chơi con giống bột Việt Nam cũng phải xúc động vì hoài niệm", ông Trịnh Bách nói.

Ông Trịnh Bách là người từ bé đã say mê con giống bột. Ông đã từng họa lại tỉ mỉ từng mẫu và nhớ tất cả những hình ảnh đó.

Bằng ký ức của ông Bách, tay nghề của bà Ánh và Hậu, tư liệu nghiên cứu riêng của ông Bách; cả nhóm đã phục hồi lại con giống bột của nhiều trường phái: Đồng Xuân, Phố Khách, Xuân La. Gần đây Hậu còn chế được loại keo trộn vào bột giúp con giống giữ mầu lâu và không bị mốc.

Ông Trịnh Bách yêu cầu các nghệ nhân nặn rất tỉ mỉ, cẩn thận để món đồ chơi được phục dựng có được hồn cốt của đồ chơi ngày xưa.

"Tôi mất cả một buổi chiều mới làm được con lợn ỉ theo lối cổ. Làm giống lợn thật quá thì không giống. Làm thô quá cũng không được. Làm sao con lợn phải mập mạp, xinh xinh, và nhất là ngô nghê nhưng có hồn.

Con rồng Phố Khách cũng thế, theo yêu cầu của chú Bách chỉ được làm bốn móng. Vì ngày xưa chỉ rồng của vua mới có năm móng, người dân làm con giống để chơi; hay cả trong may mặc cũng như đồ gỗ, gốm sứ; chỉ được làm bốn móng. 

Riêng râu của con chuột bà Ánh dùng lõi của lông lườn gà, nhuộm đen theo đúng cách ngày xưa", Đặng Văn Hậu kể.

Hành trình khôi phục con giống tò he thất truyền - Ảnh 3.

Lông đuôi của con Phượng nếu làm bằng đuôi gà tre là hợp nhất nhưng không ai cho nhổ lông của loại gà này. Hậu đã mấy lần vào làng Hà Vĩ chuyên buôn lông gà ở Thường Tín nhưng không tìm được loại phù hợp.

Sau đó Hậu đã tìm tới làng làm chổi lông gà ở Triều Khúc. Ngồi bới kỹ, anh mới chọn được từng chiếc lông vừa ý để đem về luộc sạch rồi nhuộm các gam mầu ngũ sắc.

Và sự tỉ mỉ này đã được đền bù. Bộ Tứ linh (long, ly, quy, phụng) Hậu làm ra được đặt hàng tới tấp. Anh có thể bán được với giá 600.000 đồng mỗi bộ.

Điều mà ông Trịnh Bách quý nhất ở Đặng Văn Hậu là đức tính kiên trì, nhẫn nại, ham học hỏi, cầu tiến. Anh không bao giờ cảm thấy khó chịu vì những đòi hỏi khắt khe của ông Bách, vì anh hiểu điều đó đảm bảo sản phẩm tạo ra sẽ đạt được tiêu chuẩn cao của nền văn hóa cổ.

Hậu chia sẻ: "Ngày xưa tuy là đồ chơi dân gian nhưng người ta làm cầu kì, tỉ mỉ lắm chứ không làm hàng chợ như bây giờ. Nhìn những chiếc đèn trung thu Báo Đáp chú Bách phục dựng lại mới thấy quá công phu", Hậu nói.

Hành trình khôi phục con giống tò he thất truyền - Ảnh 5.

Năm nay, vô tình nhìn thấy những mẫu tò he phụ nữ mặc áo tứ thân, tóc vấn do ông Nguyễn Văn Phiên, chú của Hậu nặn. 

Ông Trịnh Bách biết là đã tìm thấy người có khả năng làm lại được những mẫu con giống bột Việt Nam từ đầu thế kỷ 20, đang được lưu trữ tại bảo tàng Quai Branly bên Pháp.

Hành trình khôi phục con giống tò he thất truyền - Ảnh 6.

Đầu tháng 10, ông Trịnh Bách về Xuân La gặp Hậu và ông Phiên. Ba người đàn ông quây quần xung quanh một cái bàn, nặn từ sáng đến chiều mới làm ra được sản phẩm gần giống với mẫu này.

Đó là một chiếc thuyền có cắm cờ, chở bốn người phụ nữ mặc áo dài, tóc vấn khăn đang múa. Cả nhóm đoán mẫu thuyền này là đồ lễ của người Việt Nam đầu thế kỉ 20, do các nghệ nhân làng Phú Xuyên tạo ra và họ tạm gọi là mẫu Tứ phủ.

Cuối ngày hôm đó ông Bách cầm chiếc thuyền về Hà Nội, lòng vui như một đứa trẻ có đồ chơi mới. Sau đó ông Bách và Hậu lại mầy mò phục hồi lại được mẫu Sơn trang (tên do nhóm tạm gọi). Hai người dự định sẽ tiếp tục tái tạo các mẫu khác.

Ông Bách là một người đàn ông có niềm say mê kỳ lạ với văn hóa truyền thống của dân tộc. 

Ông đã bỏ sự nghiệp của một nghệ sĩ guitar nổi tiếng tại Mỹ để trở về Việt Nam phục dựng lại vải vóc, trang phục cùng các ngành nghề gốm sứ, vàng bạc, gỗ chạm khảm cung đình Việt Nam. Bên cạnh đó ông cũng khôi phục lại những món đồ thủ công dân gian đã thất truyền như lồng đèn Báo Đáp (Nam Định), con giống bột… Ông làm công việc này hoàn toàn vì tình yêu, không vụ lợi.

Hành trình khôi phục con giống tò he thất truyền - Ảnh 7.

Hoàn thành mẫu “Tứ phủ” lần thứ nhất, ba người đàn ông vui sướng ngắm nhìn thành quả - Ảnh: NGỌC DIỆP.

Còn Đặng Văn Hậu sinh ra ở làng làm bánh chim cò (mà ngay nay vẫn bị gọi nhầm là tò he) Xuân La. Ông ngoại của Hậu, cụ Đặng Xuân Hạ, là một nghệ nhân nặn bột nổi tiếng ở Phú Xuyên. 

Từ bé Hậu đã được theo ông, theo mẹ mang tò he ra Hà Nội bán. Bột nặn quen thuộc với Hậu như cơm gạo hàng ngày, luôn dính lấy tay anh như một lớp da thứ hai.

Thuở bé Hậu bị bệnh tật nhiều. Tới năm 12 tuổi đã trải qua phẫu thuật năm lần. Đến tận năm 20 tuổi mổ lần cuối mới khỏi. Chứng kiến con trai có thể ăn uống bình thường, lấy vợ lập gia đình, bà Đặng Thị Với, mẹ của Hậu cảm thấy như một phép màu.

Hành trình khôi phục con giống tò he thất truyền - Ảnh 9.

Ông Trịnh Bách kể trước những năm 1960, mỗi dịp Rằm tháng Tám là các con giống nặn bằng bột lại được bầy bán khắp nơi ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Việt Nam. 

Truyền thống này cũng được những người Hà Nội di cư đem vào miền Nam từ năm 1954, và tồn tại ở đây cho đến khoảng cuối thập niên 1970.

"Lần đầu tiên về nước năm 1994, tôi vẫn thấy còn một, hai cô gái bầy bàn bán con giống bột Đồng Xuân vào dịp Trung Thu ở phố Hàng Mã. Các cô nói là do bà nội làm. Được một vài năm thì không thấy ai bán con giống bột này nữa.

Sau này tôi vẫn đau đáu tìm cách mang con giống bột trở lại vì thấy thương trẻ con ngày nay không biết được nhiều cái hay, đẹp của nền văn hóa truyền thống Việt", ông Trịnh Bách nói.

Hành trình khôi phục con giống tò he thất truyền - Ảnh 10.

Cuộc gặp gỡ giữa ông Trịnh Bách và Đặng Văn Hậu là một duyên lành. Với bàn tay khéo léo của một nghệ nhân có tài, Hậu đã hồi sinh những con giống bột trong ký ức của ông Bách. Với sự giúp đỡ của ông Bách, Hậu có điều kiện mở mang sự nghiệp theo những hướng anh cũng không ngờ tới.

Hậu và anh trai hiện đang là những nghệ nhân hiếm hoi của làng nghề Xuân La nuôi được thợ. Họ rất năng động và khá đắt show các sự kiện phục vụ cho thiếu nhi. Anh em họ đã đi khắp từ Bắc xuống Nam. 

Họ cũng đã tổ chức các tour du lịch cho khách về trải nghiệm ở làng nghề.

Năm ngoái Hậu làm thử 600 con giống bột cổ truyền, và ngay sau đó đã được các tổ chức triển lãm, bảo tàng, và các đơn vị tổ chức Trung Thu đặt hết. 

Năm nay anh làm số lượng lớn hơn những mẫu con giống bột cổ; như bộ Lục súc (lợn, gà, ngựa, trâu, chó, dê), mâm ngũ quả, bộ đầu sư tử, bộ tứ linh, v.v., bày trên Hàng Mã. Và hàng của anh bán không kịp trở tay.

"Những người đã từng chơi con giống bột hồi bé đã bất ngờ khi thấy con giống bột xuất hiện trở lại ở phố cổ. Nhiều người từ nước ngoài trở về nhìn thấy nó đã rất xúc động. Cảm giác bán con giống cho những người đã từng được chơi món đồ chơi này hồi bé cũng xúc động lắm. Cả tôi và chú Bách đều rất mừng, vì thấy cơ hội đưa con giống bột trở lại đời sống", Đặng Văn Hậu chia sẻ.

Hành trình khôi phục con giống tò he thất truyền - Ảnh 11.


NGỌC DIỆP
TRỊNH BÁCH, NGỌC DIỆP
KIỀU NHI
BẢO SUZU
3/12/2018
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp