18/02/2020 12:51 GMT+7

Hành trình kết nối trí thức trẻ Việt năm châu

BÌNH MINH
BÌNH MINH

TTO - Những ngã rẽ của Nguyễn Thị Ngân Hà, cô gái 29 tuổi sáng lập tổ chức phi lợi nhuận VietConnect kết nối trí thức trẻ người Việt khắp toàn cầu.

Hành trình kết nối trí thức trẻ Việt năm châu - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Ngân Hà trong chuyến đi trải nghiệm văn hóa một mình tại San Francisco (Mỹ) - Ảnh: NVCC

Trong năm 2020, tôi muốn xây dựng VietConnect thành hệ sinh thái về kiến thức với các bài viết chuyên sâu, video, audio về các chủ đề xoay quanh bản sắc dân tộc Việt Nam, đồng thời mở rộng khả năng kết nối người trẻ, để cộng đồng này có thể sống với đúng tinh thần mà tôi mong muốn: Do người Việt, vì người Việt và ra thế giới.

NGUYỄN THỊ NGÂN HÀ

Vốn là học sinh ban A nhưng tự ôn luyện để thi đậu vào ngành báo chí - truyền thông tại Đại học Khoa học xã hội và nhân văn; đạt học bổng toàn phần ngành thạc sĩ báo chí và truyền thông ở Đại học Sussex (Anh) và xếp hạng nhì trong số các sinh viên xuất sắc nhất ngành, trở về Việt Nam làm việc với mức lương đáng mong ước nhưng quyết định từ bỏ để theo đuổi bằng thạc sĩ thứ hai và... tiếp tục trở thành sinh viên tốt nghiệp tốp đầu.

Đó là những ngã rẽ của Nguyễn Thị Ngân Hà, cô gái 29 tuổi sáng lập tổ chức phi lợi nhuận VietConnect kết nối trí thức trẻ người Việt khắp toàn cầu, cựu sinh viên ngành business analytics tại Đại học American University (Washington DC, Mỹ).

Ngân Hà cũng là chủ nhiệm câu lạc bộ "Analytics for Life" nhằm giới thiệu các sinh viên trong ngành business và Data analytics với các doanh nghiệp lớn tại Mỹ như Google, Amazon cũng như tham gia các cuộc thi ở lĩnh vực này. 

Ngoài ra, Hà còn là cây viết cho "Cultural Hub", một dự án kết nối và chia sẻ văn hóa và là blogger với những bài viết truyền cảm hứng thu hút người đọc trẻ từ 40 quốc gia trên thế giới.

Chưa từng ngại bứt phá giới hạn

"Sau thời gian làm việc trong ngành báo chí - truyền thông, tôi nộp đơn cho một tập đoàn Nhật Bản đang muốn mở rộng thị trường tại Việt Nam với mong muốn thử sức ở lĩnh vực kinh doanh. 

Sau vòng phỏng vấn tại Philippines, tôi may mắn được chọn để trở thành country manager (tạm dịch: giám đốc điều hành toàn quốc) quản lý thị trường Việt Nam" - Ngân Hà kể, nói rằng quyết định rẽ hướng ấy đã từng vấp phải những phản đối từ gia đình bởi mẹ cô luôn mong nhìn thấy con gái mình đi theo ngành báo chí - truyền thông của mẹ.

Vào thời điểm công việc đang ở đỉnh cao với nhiều thuận lợi, với bản tính đam mê tìm tòi, khám phá và học hỏi, Ngân Hà nhận thấy xu hướng phát triển của thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Things (IoT hay Internet vạn vật) và Big Data (dữ liệu lớn). 

Sau thời gian dài suy nghĩ và cân nhắc cẩn trọng, cô gái trẻ táo bạo này quyết định làm hồ sơ để học bằng thạc sĩ thứ hai tại Mỹ trong lĩnh vực Big Data.

"Đó là sự lựa chọn liều lĩnh trong mắt cả bạn bè lẫn gia đình, bởi điều đó đồng nghĩa với việc từ bỏ mọi thứ để làm lại từ đầu ở một nơi hoàn toàn xa lạ, trong một lĩnh vực hoàn toàn mới. Tại Mỹ, tôi không có người quen hay người thân nào. 

Gia đình cảm thấy rất khó chấp nhận quyết định lần này của tôi và liên tục khuyên tôi dừng lại" - Hà kể.

Tuy nhiên, với bản tính độc lập và quyết đoán, cộng với sự chỉn chu, cẩn thận trong suy nghĩ, Hà đã kiên trì thuyết phục gia đình bằng cách đưa ra kế hoạch cụ thể về nguyện vọng học tập, phương hướng phát triển.

"Tôi mất đến một năm để xin phép gia đình, nhưng rồi mọi người dần hiểu và đồng cảm nhiều hơn. Điều may mắn nhất của tôi chính là cha mẹ luôn cởi mở khi bàn về giáo dục và mở mang kiến thức cho con cái. Tôi và cả em gái mình đều trưởng thành từ "cái nôi" với truyền thống khuyến học và chăm chỉ" - Ngân Hà chia sẻ.

Thành lập câu lạc bộ đầu tiên về Data analytics

Theo Ngân Hà, về cơ bản, các ngành về Data analytics phân ra thành hai nhóm nghề chính: Business analyst phù hợp với các bạn trẻ thích kinh doanh, có tư duy phân tích logic và khả năng nhạy bén về công nghệ, còn Data scientist thiên về lập trình và tính toán để giải mã dữ liệu. Nhóm ngành này đòi hỏi người học phải thật sự đam mê và có thế mạnh về công nghệ và lập trình.

"Thời điểm tôi theo học, ngành này vẫn còn khá mới tại Mỹ và đa số sinh viên phải làm quen cách học. Vì vậy, tôi chủ động học thêm rất nhiều về toán, lập trình dữ liệu đồng thời xin phép trường cho thành lập câu lạc bộ đầu tiên về Data analytics" - Hà nói.

Là chủ nhiệm câu lạc bộ, đây không chỉ là động lực thúc đẩy cô bạn trẻ phải luôn tìm tòi để giỏi hơn mỗi ngày, mà còn là cơ hội để cô cùng các sinh viên trong ngành giúp đỡ nhau tiến bộ. 

Hà từng được American University đề cử với vai trò là đội trưởng dẫn dắt đội tuyển trường tham dự các cuộc thi về Data analytics với các trường đại học khác tại Mỹ. 

Ngoài ra, cô cũng kết nối thành viên câu lạc bộ với các tập đoàn lớn như Google, Amazon để sinh viên có cơ hội tiếp cận với môi trường làm việc thực tế.

"Hiện nay, số lượng nữ giới theo học các môn STEM ngày một nhiều hơn. Để học tốt các môn trong lĩnh vực này, bạn trẻ nên tận dụng thời gian học ở trường để đào sâu kiến thức trên lớp, tự nghiên cứu thêm, tham gia các hoạt động chuyên ngành trong và ngoài trường, mở rộng mối quan hệ về nhiều mặt để học hỏi và chuẩn bị cho quá trình tìm việc sau tốt nghiệp" - Hà chia sẻ. 

Theo cô, ưu điểm của các bạn nữ theo học ngành STEM chính là sự cẩn thận, tỉ mỉ và lập luận phân tích khá chặt chẽ.

"Vì vậy, nếu tự trang bị thêm khả năng tư duy, ứng biến tốt, kiến thức chuyên ngành vững cùng với ngoại ngữ lưu loát, tác phong làm việc chuyên nghiệp thì vẫn nhận được sự đánh giá cao từ các đồng nghiệp trong môi trường quốc tế" - Ngân Hà nhấn mạnh.

Kết nối trí thức trẻ Việt toàn cầu

hành trình kết nối trí thức trẻ việt năm châu 4 2(read-only)

Nguyễn Thị Ngân Hà (bìa trái) tham gia đội bóng đá tại Trường đại học American University - Ảnh: NVCC

Từng sống, làm việc và du lịch qua 15 quốc gia tại châu Á, châu Âu và châu Mỹ, Ngân Hà cho biết càng đi xa, càng có cơ hội mở mang kiến thức và trải nghiệm cuộc sống, cô nhận ra tư duy học hỏi đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Trong đó, mỗi người bạn mà Ngân Hà gặp gỡ đều có thể trở thành một người "thầy" để cô học hỏi thêm về nhiều lĩnh vực.

"Tôi luôn giữ tinh thần cầu thị và tôn trọng mọi người. Đó cũng là lý do tôi sáng lập ra VietConnect. Tôi tin rằng mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, trong đó có người Việt Nam đều có những sở trường riêng khi bước ra đấu trường quốc tế.

Khi cộng đồng các bạn trẻ Việt được hỗ trợ, kết nối, chúng ta có thể phát huy thế mạnh và bản sắc dân tộc, đồng thời khắc phục những điểm chưa hoàn hảo.

Tôi mong VietConnect sẽ trở thành cầu nối để giúp nhiều người trẻ Việt vươn xa và xuất hiện trên bảng vàng của nhiều ngành nghề, lĩnh vực trên thế giới" - Hà bộc bạch.

Với Ngân Hà, văn hóa là một trong những niềm đam mê lớn. Vì vậy, cô nói động lực lớn nhất của mình khi dành nhiều thời gian cho dự án Cultural Hub, viết blog, hay gần đây nhất là điều hành cộng đồng VietConnect chính là mong ước được nhìn thấy mỗi bạn trẻ Việt trở thành cầu nối văn hóa, xây dựng hình ảnh về người Việt năng động, chuyên nghiệp trong mắt bạn bè quốc tế.

'Hôm nay là trí thức trẻ, tương lai là lực lượng đầu đàn'

TTO - Ngày 28-11, phiên bế mạc Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ hai với sự tham gia của 236 trí thức trẻ Việt Nam đang học tập, sinh sống trong và ngoài nước đã diễn ra.

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp