08/05/2023 12:13 GMT+7

Hành trình dấu vân tay lật mặt tội ác - Kỳ 1: Người mẹ trẻ sát hại hai con vì tình

Năm 1823, TS Jan Evangelista Purkinje là người đầu tiên lập hệ thống phân loại dấu vân tay mở đầu cho ngành sinh trắc dấu vân tay.

Dấu vân tay của Francisca Rojas - Ảnh: tn.com.ar

Dấu vân tay của Francisca Rojas - Ảnh: tn.com.ar

Trải qua 200 năm, dấu vân tay đã trở thành bằng chứng khoa học nhận dạng lâu đời nhất, tuy nhiên cũng đã có nghi vấn về tính không thể sai lầm của dấu vân tay.

Ngày 23-3-2023, một công dân Hàn Quốc bị bắt tại sân bay Podgorica (Montenegro). Kết quả kiểm tra dấu vân tay xác nhận người bị bắt chính là Do Kwon, người đồng sáng lập Công ty Hàn Quốc Terraform Labs (phát triển tiền ảo), đang bị truy nã.

"Năm 1901, Argentina là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng phương pháp nhận dạng bằng dấu vân tay.
GALE

Vụ án đầu tiên trên thế giới bị phát hiện do dấu vân tay

Sau khi hai loại tiền ảo TerraUSD và Luna mất giá gây thiệt hại nhiều tỉ won vào tháng 5-2022, các nhà đầu tư đã kiện Do Kwon lập hệ thống đa cấp lừa họ mua tiền ảo.

Kwon đào tẩu. Hàn Quốc phát lệnh truy nã với lý do Kwon cung cấp thông tin sai lệch cho các nhà đầu tư và vi phạm pháp luật về thị trường tài chính. Interpol cũng đã phát thông báo đỏ...

Từ thời Ai Cập cổ đại (năm 3000 trước Công nguyên), dấu vân tay đã được sử dụng như một phương tiện xác thực giấy tờ. Năm 1823, TS sinh lý học Jan Evangelista Purkinje (Czech) đã phân loại các đường vân tay thành chín mô hình, song kỹ thuật nhận dạng dấu vân tay chỉ bắt đầu phát triển vào thế kỷ 19.

Lịch sử ghi nhận châu Âu giữ vai trò chủ yếu trong quá trình phát triển phương pháp nhận dạng bằng dấu vân tay, nhưng vụ án hình sự với chứng cứ dấu vân tay đầu tiên trên thế giới lại là vụ người mẹ trẻ giết hai con ở Argentina năm 1892.

Đó là ngày 19-6-1892 tại thành phố nhỏ Necochea bên bờ biển Argentina, cô gái Francesca Rojas (26 tuổi) chạy ra khỏi căn chòi nhỏ vừa ôm vết thương nơi cổ vừa hét thất thanh: "Nó giết các con tôi rồi!".

Rojas khai khi đi làm về, cô nhìn thấy Pedro Velasquez trong nhà. Người này xô cô chạy ra ngoài. Hai con trai 4 và 6 tuổi đã bị đập đầu chết trên giường. Cô khăng khăng cho rằng Velasquez có động cơ gây án vì cô không muốn kết hôn với anh ta.

Velasquez bị bắt nhưng liên tục kêu oan. Thanh tra Edward Alvarez được cử đến. Ông nắm được thông tin mâu thuẫn như Velasquez có bằng chứng ngoại phạm, Rojas đang yêu một thanh niên khác và người đó không chịu kết hôn vì cô ta có con. Ông chuyển trọng tâm điều tra sang Rojas.

Tại hiện trường, ông tìm thấy dấu vân ngón tay cái dính đầy máu in trên cửa buồng các nạn nhân. Ông lấy cưa cắt một phần cánh cửa, sau đó lấy dấu vân tay của Rojas rồi dùng kính lúp so sánh dấu vân tay của Rojas với dấu vân tay để lại trên cửa.

Dù thời điểm đó còn ít kinh nghiệm làm việc với dấu vân tay, ông vẫn nhận ra hai dấu vân tay trùng khớp. Khi ông đưa ra bằng chứng dấu vân tay, cuối cùng Rojas phải thú nhận đã giết hai con rồi tự cắt vào cổ mình vì hai con không chịu cho cô ta bước thêm bước nữa.

Theo trang web nghiên cứu Gale (Mỹ), Argentina là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng phương pháp nhận dạng dấu vân tay vào năm 1901. Người có công lớn là Juan Vucetich làm việc tại phòng thống kê Sở Cảnh sát La Plata.

Lúc bấy giờ phương pháp nhận dạng nhân trắc học của Alphonse Bertillon người Pháp đang thịnh hành nhưng Vucetich lại say mê dấu vân tay. Ông đã viết sách hướng dẫn sử dụng dấu vân tay thay cho hệ thống đo nhân trắc học của Bertillon.

Hồ sơ hung thủ Henri-Léon Scheffer với các số đo nhân trắc học và dấu vân tay - Ảnh: police-scientifique.com

Hồ sơ hung thủ Henri-Léon Scheffer với các số đo nhân trắc học và dấu vân tay - Ảnh: police-scientifique.com

"Gã điên" thành nhà tội phạm học

Theo tài liệu lưu trữ của Bộ Nội vụ Pháp, 10 năm sau vụ án người mẹ trẻ si tình Francesca Rojas giết con ở Argentina, lần đầu tiên tòa án hình sự ở Pháp mới dựa vào chứng cứ dấu vân tay để buộc tội.

Sáng sớm ngày 16-10-1902, bác sĩ nha khoa Auguste Alaux phát hiện thi thể người giúp việc Joseph Reibel trong văn phòng ở thủ đô Paris.

Báo Le Figaro phát hành hôm sau tường thuật một tên trộm đột nhập vào nhà lấy trộm tiền và tài sản có giá nhưng không may bị phát hiện nên xuống tay giết người.

Alphonse Bertillon phụ trách phòng nhận dạng pháp y Sở Cảnh sát Paris đã mang mảnh cửa kính bị vỡ có in dấu vân tay tại hiện trường về phòng nhân trắc học, sau đó dùng quặng than chì làm nổi dấu vân tay. Khi đã thấy rõ bốn dấu vân, ông chụp ảnh, phóng lớn và đối chiếu với hồ sơ nhân dạng thu thập từ các nghi phạm bị bắt.

Nạn nhân có quan hệ đồng giới với Henri-Léon Scheffer, người đã từng bị bắt bảy tháng trước về tội trộm cắp. Bertillon may mắn tìm thấy phiếu nhận dạng của Scheffer trong đống hồ sơ lưu trữ lộn xộn.

Sau khi kiểm tra chéo, ông khẳng định chính Scheffer là hung thủ. Scheffer bị bắt và nhận tội. Báo cáo của Bertillon về dấu vân tay đã thuyết phục được bồi thẩm đoàn. Scheffer bị kết án khổ sai chung thân.

Lúc mới vào làm tại Sở Cảnh sát Paris, Bertillon chỉ giữ chân thư ký quèn phụ trách phân loại hồ sơ tội phạm và viết phiếu mô tả nghi phạm. Công việc rất tẻ nhạt và vô ích vì người phạm tội thường khai tên giả (giấy căn cước chỉ phố biến ở Pháp từ năm 1921).

Là hội viên Hiệp hội Nhân chủng học, ông cần mẫn theo học các khóa về sọ não, dân tộc học và nhân khẩu học, từ đó ông nghĩ ra khái niệm "lý lịch nhân trắc học".

Ông cho rằng khung xương cố định vĩnh viễn từ năm 20 tuổi, mỗi người có khung xương khác nhau và chỉ một cơ hội duy nhất trong 286 triệu để hai người có số đo nhân trắc học trùng nhau.

Từ đó ông đưa ra ý tưởng nhận dạng dựa trên 14 số đo cơ thể như chiều cao cơ thể, chiều dài và chiều rộng của đầu, chiều dài bàn chân, chiều dài khuỷu tay, khoảng cách mắt...

Dựa theo các số đo, ông phân loại lại hồ sơ lưu trữ thành nhiều nhóm nhỏ với mỗi nhóm chừng 10 người. Ngoài các số đo, hồ sơ còn được bổ sung ảnh nghi phạm và bảng mô tả các dấu hiệu đặc trưng.

Tháng 10-1879, ông trình bày phương pháp nhân trắc học nhưng cảnh sát trưởng Louis Andrieux gạt phắc và đánh giá ông là "gã điên nguy hiểm". Lần thứ hai ông trình đề án, sếp giận dữ đòi đuổi việc.

Ba năm sau, người kế nhiệm mới giao cho ông thử nghiệm trong ba tháng. Ngày 16-2-1883, lần đầu tiên Bertillon phát hiện một người tái phạm muốn giấu danh tính. Sau đó, phương pháp Bertillon mang lại thành công liên tục.

TS sử học hiện đại Jean-Lucien Sanchez (Pháp) đánh giá thật ra nhà tội phạm học Bertillon không mặn mà gì với phương pháp nhận dạng dấu vân tay bởi cạnh tranh với phương pháp nhân trắc học của ông, vì vậy ban đầu cảnh sát Pháp chỉ lấy dấu vân tay bốn ngón, sau đó đến năm 1904 mới lấy đủ vân tay 10 ngón.

Trong báo cáo đề ngày 24-10-1902, Alphonse Bertillon kết luận:

"Có vẻ như các dấu vân tay mà chúng tôi đã chụp ảnh trên cửa kính bị vỡ tại một trong những phòng khách của ông Alaux tương ứng chính xác với các dấu vân tay mà ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn trên bàn tay phải của ông Scheffer có thể tạo ra.

Vị trí tương ứng của các dấu vân tay... chứng minh rõ ràng rằng các dấu vân tay này xuất hiện sau khi cửa kính bị vỡ".

*****************

2h sáng, gia đình ông Hiller phát hiện trộm vào nhà. Xô xát xảy ra. Ba tiếng súng nổ. Có chứng cứ dấu vân tay, hung thủ đã nhận tội nhưng tranh tụng vẫn xảy ra gay gắt tại phiên tòa.

>> Kỳ tới: Bốn dấu vân tay của tên trộm

Phát hiện mới về cơ chế hình thành dấu vân tay của con ngườiPhát hiện mới về cơ chế hình thành dấu vân tay của con người

Cơ chế hình thành dấu vân tay của con người không nằm sâu trong da mà tương quan với sự phát triển của các chi, nghiên cứu này có thể giúp phát hiện các bệnh di truyền ở trẻ sơ sinh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp