Phóng to |
Jacqueline Lundquist cùng gia đình nhà văn Ngô Thảo (bìa trái) trong buổi công bố tập sách Thư chiến trường - Ảnh: Lam Điền |
Khi được hỏi, Jacqueline chỉ cười tươi đáp lại: “Ồ tôi đã đến Việt Nam lần thứ ba rồi, mọi thứ đối với tôi ở đây đều vô cùng thân thuộc và dễ chịu”.
Jacqueline kể năm 2009, bà quyết tâm trở lại Chu Lai (Quảng Nam) và Đà Nẵng, nơi chiến trường năm xưa cha mình - sĩ quan Mỹ Don Carl Lundquist - từng đóng quân trong một năm và mất chỉ sau vài tháng trở về nhà. Lần thứ hai là vào năm 2013, bà quay lại cùng một người bạn, vốn là một nhà viết kịch bản với ý định dựng một bộ phim từ những gì đã đi và thấy. Còn lần thứ ba này, bà đến theo một lời mời để ký hợp đồng phát hành một cuốn sách đặc biệt: Thư chiến trường (Phương Nam Book và NXB Hội Nhà Văn), với một bên là những lá thư của một sĩ quan người Mỹ viết cho con gái nhỏ và vợ ở nhà, còn một bên là những lá thư của một anh lính Việt Nam - sau này chính là thiếu tá, nhà văn, nhà phê bình Ngô Thảo - gửi cho gia đình nhỏ của mình.
"Quyền độc lập của một đất nước là điều đáng được tôn trọng hơn bất cứ điều gì" Jacqueline Lundquist |
“Tôi gặp Hạnh, và sau này là Hiền, hai cô con gái của ông Ngô Thảo, rất tình cờ thông qua một người bạn. Lúc đó tập sách Những bức thư từ Việt Nam tập hợp gần 300 bức thư cha tôi đã viết gửi về cho gia đình trong suốt một năm ông ở Việt Nam đã được xuất bản tại Mỹ và Ấn Độ, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ công chúng. Tôi mang sách đến tặng cho Hạnh vì biết cô là người Việt Nam, nhưng thật bất ngờ khi biết cha cô cũng từng có một thời gian dài phục vụ trong quân ngũ. Chúng tôi có một sự đồng cảm rất kỳ lạ khi trò chuyện cùng nhau. Và ý tưởng thực hiện một tập sách chung nhanh chóng được hình thành” - Jacqueline tâm sự về mối duyên đưa cô cùng tập sách của mình đến Việt Nam.
Mất cha khi vừa lên 5 tuổi nhưng phải đến 29 năm sau, khi Jacqueline 34 tuổi và đang mang thai đứa con đầu lòng, bà mới có đủ can đảm để lật giở lại chiếc hộp ký ức mà mẹ mình đã cất giữ rất cẩn thận, bên trong là những tấm ảnh, bức thư nhàu nát mà cha bà đều đặn gửi về trong suốt một năm xa nhà. “Tôi đã luôn rất sợ những ký ức về cha, về một người tôi không còn nhớ rõ mặt, tôi sợ phải đối mặt và chấp nhận nỗi đau đó. Chỉ đến khi tôi đang mang thai, khi tôi đón nhận một niềm vui mới, tôi mới có đủ dũng khí để mở chiếc hộp ấy. Đó là vào mùa hè 1997. Và sau khi đọc tất cả, tôi đã luôn mong muốn sẽ được đến Việt Nam, nơi mà tôi nghĩ mình sẽ cảm nhận và hiểu về cha nhiều hơn bất cứ vùng đất nào”.
Tập sách Thư chiến trường dày 392 trang khá đặc biệt khi được chia thành bốn phần: nguyên bản tiếng Anh những bức thư của sĩ quan Don Carl Lundquist và bản dịch ra tiếng Việt, nguyên bản tiếng Việt những bức thư của nhà văn Ngô Thảo và bản dịch ra tiếng Anh. Cựu tổng thống Bill Clinton chính là người đã viết lời đề từ cho cuốn sách Letters from the battlefield do Jacqueline thực hiện trước đó. Jacqueline kể: “Chúng tôi thường có những cuộc điện thoại khuya để trao đổi, ông đã động viên tôi rất nhiều. Có lẽ ông cũng phần nào hiểu được nỗi đau của tôi, bởi cha của ông cũng đã qua đời từ khi Bill còn nằm trong bụng mẹ. Chúng tôi cùng thống nhất ở một điểm rằng: những bức thư, đó là sản phẩm tuyệt vời của suy nghĩ. Đọc thư và nhìn những dòng chữ được viết ra trên trang giấy ta hoàn toàn có thể mường tượng và cảm nhận được tình cảm ấm áp ẩn chứa trong đó, dù là bao nhiêu năm đã trôi qua. Đọc để hiểu rằng chúng ta không quên nhưng luôn học cách để tha thứ, và quyền độc lập của một đất nước là điều đáng được tôn trọng hơn bất cứ điều gì”.
Sự kết nối vô hình Năm 2009, Jacqueline với sự giúp đỡ của những người bạn Việt Nam đã tìm đến đúng vị trí cha mình chụp tấm ảnh ở Chu Lai và “Như có một sự kết nối vô hình nào đó, tôi thấy cha thật gần, vì tôi đã hiểu cuộc đời của ông là như thế nào. Tôi đã khóc trên vai của ông Anh, người Việt Nam đã giúp tôi tìm ra vị trí của tấm ảnh” - Jacqueline nghẹn ngào nói. Hiện đang là người điều hành cho một dự án nước sạch tại các nước đang phát triển, Jacqueline dành phần lớn thời gian của mình cho việc đi và giúp đỡ những người phụ nữ ở đây kiếm thêm thu nhập từ nguồn nước sạch để con cái họ được học hành và có thêm cái ăn. Theo chia sẻ của Jacqueline, một phần lợi nhuận của cuốn sách Thư chiến trường phát hành tại Việt Nam sẽ được dành tặng cho Tổ chức STREETS International - một tổ chức hiện đang hoạt động chủ yếu ở Hội An, chuyên giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. |
Phóng to |
Hai mặt bìa của cuốn sách Thư chiến trường - Ảnh: Hữu Khoa |
* Nhà văn Ngô Thảo:
Chúng tôi khác nhau lắm mà cũng rất giống nhau
Tôi đã đọc hết câu chuyện của người lính Mỹ cũng bỏ lại vợ con để ra chiến trường. Tôi thấy ông ấy và tôi khác nhau lắm mà cũng rất giống nhau. Cái khác lớn nhất là ở tính cách và văn hóa. Người Mỹ nhớ vợ, nhớ con họ bộc lộ mạnh mẽ bằng những ngôn từ táo bạo, còn tôi, thương lắm yêu lắm cũng chỉ dám nói “anh yêu em” là cùng! Tôi khi ấy chỉ là một anh lính binh nhì tầm thường, còn ông ấy đã lên hàng tướng nên đời sống nhà binh của chúng tôi cũng khác nhau nhiều. Tuy vậy, đọc đi đọc lại, tôi thấy ông ấy và tôi đều giống nhau ở cái tâm thế ra trận. Đó là ý thức về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với đất nước, dân tộc mình chứ không phải tâm thế của những kẻ hiếu chiến và khát máu, chúng tôi đều không mong muốn chiến tranh xảy ra. Trong bất cứ cuộc chiến nào, chiến thắng sẽ đến với một bên. Nhưng để chiến thắng, chúng ta phải mất đi rất nhiều con người tốt đẹp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận