Đây cũng là một trong sáu công trình đạt giải ba Giải thưởng sáng tạo TP.HCM năm 2023 của ngành y tế TP.HCM. Tuổi Trẻ trao đổi với PGS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - trưởng khối sản Bệnh viện Hùng Vương - về công trình nghiên cứu này.
Trăn trở với sức khỏe người bệnh
* Tại Việt Nam hiện nay, tỉ lệ thai phụ mắc nhau cài răng lược phổ biến ra sao, thưa ông?
- Nhau cài răng lược là bệnh lý sản khoa nguy hiểm, vì bánh nhau cài chặt bất thường vào trong cơ tử cung.
Sau khi sinh, bánh nhau không bong hay chỉ bong một phần thay vì bong toàn bộ, gây ra tình trạng băng huyết dẫn đến mất máu nhiều và nhanh, thai phụ dễ tử vong chỉ 10 phút sau sinh.
Hiện nay, bệnh lý này đang có xu hướng gia tăng. Trước đây khoảng 10 - 20 năm, tại Việt Nam cứ 10.000 thai phụ thì chỉ 1 trường hợp mắc phải, nhưng hiện nay cứ 1.000 thai phụ thì 3-4 người mắc. Có thể thấy con số đang gia tăng rất nhanh.
Nguyên nhân chính là do tỉ lệ sinh mổ tại Việt Nam tăng (khoảng 30 - 40%) do nhiều nguyên nhân, yếu tố xã hội khác nhau như sợ đau, sợ xấu, sinh theo ngày giờ, xu hướng kết hôn muộn...
Khoảng 10 năm trước đây, đối với các thai phụ mắc phải bệnh lý nhau cài răng lược, sau sinh sản phụ sẽ được điều trị bằng cách cắt hoàn toàn tử cung để bảo toàn mạng sống. Thế nhưng đây không phải là phương pháp tối ưu, việc này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống phụ nữ sau này.
* Việc cắt bỏ hoàn toàn tử cung trước đây gây ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe của nữ giới?
- Sau thời gian cắt bỏ hoàn toàn tử cung, nhiều nghiên cứu y khoa trên thế giới đã ghi nhận rõ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của phụ nữ. Khi tử cung bị cắt, ngoài việc mất đi thiên chức làm mẹ, còn có thể dẫn đến rối loạn chức năng sàn chậu (táo bón, xón tiểu...), ảnh hưởng đến chức năng tình dục, suy giảm chức năng nội tiết, rối loạn chuyển hóa lipid, gia tăng bệnh lý tim mạch và đặc biệt là giảm tuổi thọ.
Lúc này, nhiều đội nhóm y khoa trên thế giới đã tìm những phương pháp mới thay vì cắt bỏ tử cung. Là người đã từng điều trị cho các sản phụ, tôi luôn trăn trở phải làm sao để bảo toàn được tử cung mà vẫn giữ được mạng sống cho họ.
Hành trình 10 năm chữa lành tử cung
* Sau nỗi trăn trở với người bệnh, nhóm nghiên cứu đã làm những gì?
- Giống như một trận đánh, muốn đánh thắng phải tiên đoán được "đối thủ" để có phương thức đối phó.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để chẩn đoán được tỉ lệ nhau bám vào tử cung, diện tích rộng hay không. Siêu âm chỉ nói được thai phụ đó có hiện tượng nhau cài răng lược. Từ năm 2008 tại TP.HCM đã phát triển rộng rãi kỹ thuật chụp cộng hưởng từ thai nhi sẽ mô tả được vùng nhau bám diện tích bám ra sao... để khi phẫu thuật dễ dàng hơn.
Khi mổ, chúng tôi sẽ cố gắng lấy toàn bộ bánh nhau, kiểm soát chảy máu và đã phát triển một kỹ thuật mới gọi là đặt huyết áp động mạch xâm lấn để kiểm soát chảy máu.
Ngoài ra, các bác sĩ thắt mạch máu, khâu vùng nhau bám... và mọi chuyện đã thành công. Thai phụ vừa bảo tồn được tử cung mà giữ được mạng sống.
* Khi kỹ thuật này được triển khai thành công đã mang lại những lợi ích ra sao với sức khỏe người bệnh và giảm gánh nặng y tế?
- Chi phí phẫu thuật, thời gian nằm viện, điều trị hậu quả cắt bỏ tử cung cao gấp nhiều lần so với phẫu thuật bảo tồn tử cung.
Đối với những người bị cắt tử cung nhưng chưa có con, để thực hiện thiên chức làm mẹ phải ghép tử cung, thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai hộ - đây là những kỹ thuật điều trị phức tạp và chi phí rất cao. Hiện nay ghép tử cung có giá từ 500 triệu đến 1 tỉ USD (ước đoán thế giới chỉ 70 - 80 ca).
Từ năm 2008 - 2018, bảo tồn tử cung tại bệnh viện mà chúng tôi thực hiện có tỉ lệ thành công vượt quá 90%, cứu sống hàng trăm thai phụ đồng thời giữ được tử cung cho họ, giúp hàng trăm trẻ sơ sinh không phải mồ côi mẹ ngay sau khi chào đời. Thậm chí một số bệnh nhân có thể mang thai sau khi bảo tồn tử cung.
* Các kỹ thuật bảo tồn tử cung này có phải tất cả bệnh viện hiện nay đều thực hiện được không?
- Hiện nay, các bệnh viện sản khoa lớn trên cả nước đều có kỹ thuật riêng với mức độ thành công khác nhau.
Sau khi kỹ thuật thành công, chúng tôi đã mang kỹ thuật này báo cáo tại các hội nghị chuyên ngành sản phụ khoa thành phố và toàn quốc. Bên cạnh đó, kỹ thuật còn được chuyển giao cho Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và đang được áp dụng hiệu quả.
Chúng tôi luôn chia sẻ với nhiều học viên từ các tỉnh thành khác với phương châm không "giấu nghề". Đồng thời đào tạo cho các bác sĩ tại bệnh viện để tiếp tục thực hiện sứ mệnh chăm sóc người bệnh. Hy vọng trong tương lai chúng tôi có thể báo cáo trong các diễn đàn khoa học trong khu vực cũng như trên thế giới.
Làm gì để tránh bệnh lý nhau cài răng lược
PGS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang cho biết khi mang thai để chẩn đoán được bệnh lý nhau cài răng lược, sản phụ nên đi khám thai ở những cơ sở y tế có uy tín để phát hiện kịp thời. Việc chẩn đoán và xử lý sớm góp phần tăng hiệu quả điều trị.
Đồng thời nên lựa chọn phương pháp sinh thường, chỉ lựa chọn sinh mổ khi có chỉ định của bác sĩ trong những trường hợp thai nhi và sản phụ có bất thường, tránh vết mổ cũ trên thân tử cung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận