Phóng to |
Kỹ sư Hưng (thứ hai từ trái qua) và những người bạn quốc tế trên biển Đông - Ảnh tư liệu |
Bạn đồng hành
Ngay từ những năm trước 1975, các nhà khảo sát địa chấn VN ở miền Bắc đã tiến ra biển cùng bạn bè Liên Xô. Ở thềm lục địa phía Nam cùng thời kỳ đó cũng có mặt nhiều chuyên gia địa vật lý người Anh, Mỹ, Pháp... Tất cả họ đều làm việc bình thường mà chưa hề gặp sự tranh chấp, phá hoại nào. Đến giờ, nhiều bản hợp đồng làm việc hợp pháp trên vùng biển VN có chữ ký, đóng dấu của các công ty quốc tế cũng chính là những vật chứng quan trọng khẳng định chủ quyền biển VN đã được thực thi và quốc tế công nhận từ rất lâu...
Kỹ sư địa vật lý Lê Quang Hưng, người đã có mặt trên con tàu địa chấn Bình Minh ngay từ đầu thập niên 1980, vẫn nhớ mãi những người bạn Liên Xô thân thiết cùng làm việc ở vịnh Bắc bộ. “Mỗi lần chúng tôi ra khơi thường hơn 20 người gồm thủy thủ đoàn và đội khảo sát địa chấn biển. Trong đó có mặt bốn người bạn Liên Xô hỗ trợ anh em địa chấn VN thời kỳ đầu làm việc trên biển”. Kỹ sư Hưng tâm sự Bình Minh chỉ là chiếc tàu nhỏ vài trăm tấn, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, trang thiết bị làm việc cũng hạn chế nhưng anh em rất gắn bó với nhau.
Trưởng nhóm Liên Xô Sergei Bogdanov thường nói vui: “Tàu này là mái nhà và anh em Việt là gia đình thứ hai của tớ”. Tàu nhỏ, anh em phải nằm nghỉ xếp lớp chật chội cùng nhau trong phòng chung. Nhiều hôm thuyền trưởng xin được cá tươi của ngư dân đánh bắt để cải thiện bữa ăn. Thi thoảng còn có cả rượu “cuốc lủi”. Các bạn Liên Xô thích thú nói vùng biển chủ quyền VN ấm áp, giàu thủy sản và người dân thân thiện.
Sau nhiều năm lênh đênh trên biển VN, các bạn Liên Xô quyến luyến không muốn về nước. Ngày phải chia tay, họ tặng lại tất cả vật dụng cho bạn bè người Việt và xin ảnh làm việc trên tàu để kỷ niệm. Kỹ sư Hưng cũng chuyển sang đi các tàu khảo sát địa chấn lớn hơn của Na Uy, Pháp, Anh, Mỹ, nhưng anh vẫn không quên những người bạn Liên Xô đồng cam cộng khổ trong những ngày đầu ra biển còn nhiều khó khăn.
Làm việc với người Mỹ, kỹ sư Hưng cũng có nhiều kỷ niệm về người bạn trực tính, sẵn sàng trao đổi thẳng thắn bất cứ chuyện gì. Suốt bốn tháng cuối năm 1998, đầu 1999, Hưng và những người bạn Mỹ, Anh trên tàu Marrine đã khảo sát địa chấn ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền thềm lục địa VN mà tàu Viking 2 vừa bị tàu Trung Quốc quấy rối. Kỹ sư Hưng là người đại diện VN đi theo giám sát và hỗ trợ làm việc nên có nhiều điều kiện trao đổi với các bạn Mỹ, Anh. Cảm nhận đầu tiên của anh thì đó là những người làm việc rất chuyên nghiệp. Sau những nghiên cứu kỹ lưỡng về chủ quyền biển hợp pháp của VN, họ đến VN với bản hợp đồng chặt chẽ.
Ngoài những buổi làm việc, trao đổi kinh nghiệm với nhau, họ thích trò truyện cùng Hưng. Nhiều người tâm sự VN có vùng biển chủ quyền giàu tài nguyên nên cần phải bảo vệ và khai thác vùng biển này để phát triển đất nước. Hưng có người bạn Mỹ Jesse Martines từng là cựu chiến binh và bị thương ở chiến trường miền Trung, VN. Anh đã trở lại quê hương của những chiến binh bên kia chiến tuyến, nhưng không phải bằng tàu chiến mà là tàu khảo sát địa chấn biển.
Tâm sự với Hưng, anh ta hay nói về kinh nghiệm xương máu đừng bao giờ làm tổn thương tinh thần ái quốc của người Việt. Đó là sức mạnh lớn nhất của dân tộc này mà anh đã phải mất cả tuổi trẻ mới thấm thía được. Còn Hưng cũng thường tâm sự với bạn bè quốc tế về lịch sử đất nước mình. Một dân tộc với dải đất hình chữ S vươn mình ra biển như cánh chim hải âu. Và dân tộc ấy tuy còn nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ lùi bước trước kẻ thù nào.
Nhân chứng giữa đại dương
Suốt hàng thế kỷ qua, lớp lớp người Việt đã dấn thân ra biển. Chỉ riêng ngành khảo sát địa chấn VN cũng có nhiều thế hệ từng soi bóng mình dưới lá Quốc kỳ trên sóng nước biển Đông. Thế hệ đầu như TS Trương Minh, Ngô Thường San, Nguyễn Cương Binh, thế hệ nối tiếp như kỹ sư Lê Quang Hưng và những người trẻ hiện nay như kỹ sư Phạm Khôi, Nguyễn Đức Toàn, Mai Văn Phương, Phạm Văn Mạnh...
Đồng hành với họ là hàng ngàn bạn bè quốc tế. Đặc biệt, mỗi người bạn quốc tịch Nga, Mỹ, Canada, Nhật, Bỉ, Na Uy, Anh, Pháp, Đức... cũng chính là chứng nhân quốc tế cho sự hiện diện khẳng định và thực thi chủ quyền biển thiêng liêng của dân tộc VN chưa một phút giây bị gián đoạn.
TS Ngô Thường San tâm sự ngay sau năm 1975 cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã chủ trương kêu gọi nhiều nước cùng hợp tác phát triển ngành dầu khí VN. Đó là sự gắn bó mật thiết với Liên Xô (và Nga sau này). Và đó cũng là sự trở lại nhanh chóng của Na Uy, Pháp, Mỹ, Anh.
Ngay sau năm 1975, tàu khảo sát Gemeaux của Pháp đã khảo sát địa chấn trên biển VN và tàu Longva của Na Uy, Geco của Pháp... rồi bây giờ là Viking 2. Cùng nếm trải sóng gió đại dương và chia sẻ buồn vui với đồng nghiệp VN, mỗi chuyên gia, kỹ sư quốc tế trên các con tàu này là những người hiểu biết và thấu cảm vùng biển chủ quyền VN.
TS San kể ông từng ăn dầm nằm dề, nếm trải ngọt đắng cùng các bạn Nga Mamedov, Ardjanov, Vovk... trong những năm tháng khó khăn, mày mò tìm kiếm dầu khí của Vietsovpetro. “Đó là những bạn bè cởi mở, nhiệt tình, xem đất nước VN như tổ quốc thứ hai và xem biển cả VN như một phần máu thịt của mình”. TS San tâm sự họ không chỉ biết tài nguyên biển mà còn hiểu rõ chủ quyền biển của VN.
Trước khi họ sang VN, chính phủ họ đã nghiên cứu rất kỹ chủ quyền biển VN mới ký kết hợp tác, đưa chuyên gia sang. Về sau, khi những bạn Nga này về nước, TS San sang thăm đã ôm nhau rất xúc động. Họ tâm sự vẫn còn mãi trong tâm tưởng những ngày lênh đênh trên biển VN ấm áp và hình bóng tàu cá thân thiện mà can trường của ngư dân, những đuốc dầu rực sáng... Xúc động nhất là có người đã bộc bạch ước nguyện muốn trở lại sống cuối đời ở VN để ngày ngày được giẫm chân trên bờ cát thân quen sóng vỗ.
Cũng như bạn bè Nga, nhiều chuyên gia, kỹ sư đến từ các quốc gia khác khi chia tay VN thường mang về nước làm kỷ niệm từ những viên đá cuội tới gói cát nơi đáy đại dương. Họ thấu cảm rằng đó không chỉ là mang hình hài, hương vị biển cả, mà còn chứa chan tình cảm của một dân tộc sống cạnh đại dương bao la với tấm lòng yêu chuộng hòa bình và khát vọng công lý từ ngàn xưa. Một dân tộc, với họ, đã trở thành bạn bè thân thuộc từ trong chính những ngày gian khó...
Kỳ 1: Cờ Tổ quốc trên biển Đông Kỳ 2: Những phát nổ địa chấn trên biển Kỳ 3: Đạp sóng biển ĐôngKỳ 4:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận