Chất lượng là yếu tố hàng đầu của hàng Việt khi ra thị trường quốc tế. Ảnh: Tây Việt
Gian nan đưa nước mắm truyền thống "xuất ngoại"
Ở cái tên của sản phẩm đã nói lên cái khó của việc xuất khẩu. Chúng ta đều biết nước mắm truyền thống Việt là sản phẩm ủ chượp, có độ mặn cao và mùi đặc trưng, không phù hợp với thị hiếu, khẩu vị của người nước ngoài.
Anh Lê Bá Linh, Giám đốc công ty Pacific Foods (thương hiệu nước mắm Mami) đã xác định đi theo xu hướng tiêu dùng mới: nước mắm nhẹ nhàng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Một trong những cách giảm mùi là chưng cất, ngưng tụ để lấy nước cốt.
Hơn nữa, để sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ, cần có tiêu chuẩn FDA (một chứng chỉ để Chính phủ Mỹ kiểm soát các loại thực phẩm khi vào Mỹ), và nền móng là nhà máy sản xuất phải có HACCP và ISO.
Năm 2008, từ các làng chài, nhà xưởng nhỏ sản xuất nước mắm Phan Thiết ở Bình Thuận, anh Linh kết nối, đầu tư thành nhà máy sản xuất với đủ các chứng chỉ yêu cầu cho ngành thực phẩm xuất khẩu.
"Khác với xưởng thủ công, ở nhà máy thì chai thứ nhất, thứ hai và chai thứ một triệu đều là giống nhau. Tính đồng bộ cao tuyệt đối như vậy thì mới giữ được uy tín trên thị trường", anh Linh chia sẻ.
Thời điểm đó, các lô hàng đầu tiên gửi sang thử nghiệm thị trường bị trả về, vì chưa đạt được mong muốn của đối tác. Không nản lòng, anh Linh và cộng sự tiếp tục nghiên cứu, cải tiến cả chất lượng sản phẩm và bao bì, mẫu mã… để tiến gần tới thị hiếu của người Mỹ.
Và rồi các kênh siêu thị, chợ, nhà hàng… cũng tiếp nhận hợp tác và "chạy" đều đều trong hơn 10 năm qua, cạnh tranh với các sản phẩm nước mắm Thái Lan và xì dầu Trung Quốc.
Lên sàn TMĐT: xu hướng tất yếu
Năm 2018, công ty được Bộ Công Thương chọn là một trong các đơn vị để hỗ trợ bán hàng trên Amazon, mất 8 tháng để hoàn thiện sản phẩm mới cho thị trường này và các thủ tục liên quan. Cuối 2019 đầu 2020, dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng rõ rệt đến kinh tế toàn cầu và xu hướng bán hàng trên TMĐT trở nên tất yếu hơn bao giờ hết.
Mỗi tháng, có khoảng 18.000 sản phẩm nước mắm Mami được bán trên nền tảng này, và cao điểm tháng 4-2020, sản phẩm lọt top Amazonchoice và Best Seller Amazon, vượt trên đối thủ cùng ngành từ Thái Lan.
Trên Amazon, nước mắm Mami 10 độ đạm bán với giá 12,99 USD/chai 700ml; nước nắm Mami 30 độ đạm có giá 17,99USD/chai (với tên seller là Link Nature Power). Ảnh chụp màn hình
Đây được coi là một cuộc chơi sòng phẳng về chất lượng trên thị trường vô cùng tiềm năng nhưng cũng rất khắt khe. Các sản phẩm để "lên sàn" cần qua vòng kiểm duyệt gắt gao của Amazon về các chứng nhận liên quan, xác thực tính minh bạch của công ty…
Để tiếp cận sự chú ý của người xem hàng, hình ảnh giới thiệu sản phẩm cần được chụp chuyên nghiệp, rõ ràng, thông tin ứng dụng đầy đủ.
Và sau đó sự đánh giá, nhận xét của người đã mua, đã dùng sản phẩm là yếu tố quyết định đến hành vi mua hàng của người xem sản phẩm. "Như vậy thì nếu chất lượng không đạt yêu cầu của người dùng cuối cùng ắt sẽ bị đào thải. Vì thế chúng tôi dành rất nhiều tâm huyết vào chất lượng - điều căn cốt của sản phẩm.", anh Linh cho biết.
Hiện tại Amazon có 18 website trên thế giới, sử dụng 27 ngôn ngữ khác nhau, tiếp cận khách hàng ở 185 quốc gia và vùng lãnh thổ; có hơn 300 triệu khách hàng và hơn 100 triệu thành viên Prime trên toàn cầu. Nếu bị "đánh bật" do chất lượng không đáp ứng nhu cầu khách hàng thì thực sự đáng tiếc ở một thị trường tiềm năng lớn và hợp xu thế 4.0 cũng như ảnh hưởng của dịch COVID-19 hiện nay.
Kinh doanh là tạo giá trị
Song song với việc giữ vững vị thế ở thị trường xuất khẩu, Pacific Foods có định hướng phát triển thị trường trong nước. Vào tháng 6-2021 tới đây, công ty sẽ ra mắt hai dòng sản phẩm nước mắm Mami Hảo Hạng có độ đạm cao. Tệp khách hàng nội địa là các nhà hàng, khách sạn lớn và người tiêu dùng tầm trung trở lên, tiếp cận thông qua hệ thống TMĐT và siêu thị.
Không chỉ sản xuất và kinh doanh nước mắm, công ty có chiến lược đưa các sản phẩm gia vị, gạo… của Việt Nam đến với thị trường thế giới nhiều hơn. Với kinh nghiệm trong ngành, anh Linh và cộng sự muốn kết nối nhiều hơn với các hộ gia đình, xưởng thủ công, đơn vị nông nghiệp… chưa tiếp cận được với thị trường lớn hơn.
Theo anh Linh, công ty sẽ tư vấn những bộ chuẩn cần có, quy trình sản xuất, định hướng hợp tác, đầu mối tiêu thụ, kêu gọi đầu tư… để sản phẩm Việt "xuất ngoại" nhiều hơn.
Ông Lê Bá Linh giới thiệu sản phẩm nước mắm Mami sẽ tung ra thị trường nội địa. Ảnh: Tây Việt
"Chúng tôi xác định con đường kinh doanh có sứ mệnh. Lợi nhuận là một mục tiêu của bất cứ ai làm ăn kinh doanh, nhưng điều lớn hơn nữa là tạo giá trị cho khách hàng, cho nhân viên công ty, cho nhà cung cấp. Tôi luôn truyền tải tinh thần này với đội ngũ của mình, cùng chí hướng thì mới đi cùng nhau lâu dài được.", giám đốc Pacific Foods hào hứng nói về mong muốn của mình.
Ngoài ra, công ty cũng thường xuyên thực hiện trách nhiệm xã hội như việc ủng hộ khẩu trang chống dịch cho Chính phủ Mỹ (thông qua Bộ Công Thương), ủng hộ cho ATM gạo, trao học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận