Hành trang để vào đời

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TT - Lễ tri ân và trưởng thành hiện nay còn được mở rộng cho học sinh lớp 5, lớp 9 với nội dung tri ân cha mẹ, thầy cô và đã trở thành một hoạt động xúc động và ý nghĩa mỗi mùa ve kêu, phượng nở...

VQSzXWh7.jpgPhóng to
Lễ tri ân và trưởng thành của Trường THPT Thành Nhân - Ảnh: Lưu Trang

18 tuổi, những học sinh cuối cấp có thêm những lần đầu tiên thật ngọt ngào và xúc động: lần đầu tiên được tri ân thầy cô và cha mẹ khi đứng trước ngưỡng cửa mới của cuộc đời.

Bức thư đầu tiên

"Thật sự tôi bất ngờ và cảm động trước những suy nghĩ của các cháu. Tôi vẫn nghĩ rằng còn quá sớm để các cháu biết ơn cha mẹ. Nhưng khi nghe các cháu tâm sự, tôi hiểu rằng bọn trẻ đã trưởng thành, biết thương cha mẹ, biết ghi ơn thầy cô. Đó là hành trang quan trọng để các cháu bước vào đời"

Ông Phan Đình Phượng (phụ huynh có con học lớp 12A2)

“Đây là bức thư đầu tiên con viết cho cha mẹ suốt 18 năm qua”, cô học trò Vũ Thị Thùy Nhung, lớp 12B4 Trường THPT tư thục Thành Nhân, Q.Tân Phú, TP.HCM, đã bắt đầu những cảm xúc của mình trên bục tri ân như thế. Nếu không có lễ tri ân, không có những “đặt hàng” từ thầy cô giáo, có thể sẽ có hoặc không có bức thư đầu tiên ấy.

Nhung nói rằng em yêu lắm đôi bàn tay mẹ, đôi mắt của cha. Dù chưa nói ra thành lời nhưng em hiểu những khổ cực mà cha mẹ phải gánh chịu để tương lai con cái được tươi sáng hơn.

“Vậy mà có những lúc bị ba mẹ la mắng, đòn roi, con nghĩ rằng ba mẹ ghét con nên mới như thế. Ba mẹ không hiểu cho con, không một lời khen ngợi, động viên, không hiểu tâm lý tuổi trẻ, áp đặt và ràng buộc con quá nhiều”.

Những trách móc dại khờ để rồi đến khi lớn khôn mới hiểu ba mẹ không thể cùng con đi suốt đường đời. “Con thật sự rất sợ một ngày nào đó con không còn được gọi hai tiếng cha ơi, mẹ ơi nữa”, nói đến đây hội trường im bặt, cô trò nhỏ cố ngăn nước mắt lăn dài trên má, sụt sịt rồi cúi gằm mặt như hối lỗi và hàm ơn.

Thầy Nghi, chủ nhiệm lớp của Nhung, nói rằng em là một trong những học trò may mắn và hạnh phúc khi cha em có mặt tại lễ tri ân và lắng nghe những tâm sự tận đáy lòng của con gái mình. Bởi rất nhiều học sinh khác không có người thân đến dự.

Cậu học trò L.H.Đ. cứ đứng tần ngần như chờ đợi. “Người duy nhất có thể đến dự lễ là cậu em, nhưng cậu phải đi làm, nếu đi dự lễ thì sẽ mất một ngày công...” - em nói. Mẹ của Đ. đi làm ăn xa, ba tháng một lần chuyển học phí của Đ. qua số tài khoản của trường. Bài phát biểu cảm xúc của em trên bục tri ân là viết về bà ngoại, người sống với em từ nhỏ.

Tuổi thơ buồn và tủi thân khi không được sống gần cha mẹ, Đ. cùng bà ngoại đi bán chè trên chiếc xe đạp cũ, những ngày bán ế, hai bà cháu ăn chè thay cơm. Những khi cãi lời, đứa cháu nông nổi đá đổ nồi chè của ngoại.

Để rồi, điều mà đến năm 18 tuổi Đ. nhận ra, đó là: “Nỗi bất hạnh lớn nhất không phải là thiếu vắng người thân yêu bên cạnh, mà bất hạnh là khi không cảm nhận được hết tình yêu thương mọi người dành cho mình”. Mọi người lắng lại khi nghe cậu học sinh cao lớn, chững chạc bật khóc mà nói: “Con mong ngoại sẽ nghe được những lời này ở thế giới bên kia”.

Những mảnh vỡ cuộc đời

Mồ côi, cha mẹ không hạnh phúc, không sống với cha mẹ... là câu chuyện không hiếm của học sinh các trường tư thục. “Xa nhà, thiếu thốn tình cảm nên các em sống co mình lại, thầy cô phải tìm hiểu, động viên rất nhiều để các em hòa đồng với tập thể. Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần bài viết của các em chuẩn bị cho lễ tri ân, và không thể không khóc bởi hoàn cảnh nhiều em quá đáng thương. Nhìn bề ngoài các em mạnh mẽ, ồn ào nhưng không ngờ trong lòng các em có rất nhiều rạn nứt” - cô Lý Thục Trang, hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ.

Không chỉ cô mà hàng trăm giáo viên, phụ huynh và học sinh có mặt tại buổi lễ đều phải kìm nén cảm xúc của mình trước những lời tri ân rất thật của những học trò mới lớn. Buổi lễ thật “nhạy cảm” khi mà một tiếng nhạc dạo, một tiếng thở dài, sụt sịt cũng làm những người xung quanh rưng rức...

Bài tri ân của cô học trò Phan Thị Thùy Vân, lớp 12A2, lại là về anh trai mình. Người anh trai ấy đi làm xa, dù rất cố gắng nhưng đã không thể kịp về dự lễ tri ân và trưởng thành của em gái. Trong dòng nước mắt, Vân nói: “Anh tôi không phải là tiến sĩ, kỹ sư, chỉ là một người lao động bình thường. Từ nhỏ, anh đã thay bố mẹ nuôi nấng tôi. Ký ức về bố mẹ mờ nhạt lắm, chỉ có cảm xúc về anh trai thì luôn hiện hữu trong tôi. Khi điền thông tin vào hồ sơ thi đại học, tôi nghĩ đến anh tôi, người đã hi sinh giấc mơ vào đại học, hi sinh những tháng năm tuổi trẻ để hôm nay tôi thực hiện ước mơ của mình”.

Nhà trường đã tổ chức lễ sinh nhật chung cho tuổi 18 của toàn bộ học sinh khối 12, đánh dấu thời khắc trưởng thành, thời khắc sắp chia xa cánh cổng trường nội trú để mở một cánh cửa mới rộng lớn hơn.

Điều đọng lại chính là những tháng ngày được thầy cô chăm sóc, vỗ về. Như lời cảm ơn rất dài của học sinh Thanh Trúc: “Con cảm ơn các thầy cô, các cô bảo mẫu, cấp dưỡng, các thầy quản nhiệm, giám thị, các má tạp vụ, các má nhà ăn, các má giặt ủi, các cô chú nhân viên... của trường đã luôn chăm lo cho chúng con, dù có những lúc chúng con chỉ biết chê đồ ăn không hợp khẩu vị, cuộc sống không thoải mái, thầy cô quá nghiêm khắc...

Giờ thì con biết rằng cuộc sống nội trú con phải dậy đúng giờ, xếp chăn màn khi ngủ dậy, trật tự đến phòng ăn, sống trong khuôn khổ..., những điều nho nhỏ giúp chúng con tự lập và là hành trang quý báu để bước vào cuộc đời rộng lớn sau này”.

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp