23/07/2024 15:52 GMT+7

Hạnh Thúy ngậm ngùi, tiền ít xỉn, sao nghệ sĩ vẫn bám sân khấu?

Mới đây, nghệ sĩ Hạnh Thúy đã đăng status có chút ngậm ngùi khi một người hỏi chị diễn sân khấu tiền ít xỉn, sao diễn chi vậy. Status lập tức gây chú ý với nhiều lượt chia sẻ và bình luận.

Chia sẻ của Hạnh Thúy tạo được sự đồng cảm sau đêm diễn vở Tình lá diêu bông ở Nhà hát kịch 5B. Trong ảnh: Hạnh Thúy (phải) và Mỹ Uyên với những vai diễn đầy bi kịch trong vở - Ảnh: LINH ĐOAN

Chia sẻ của Hạnh Thúy tạo được sự đồng cảm sau đêm diễn vở Tình lá diêu bông ở Nhà hát kịch 5B. Trong ảnh: Hạnh Thúy (phải) và Mỹ Uyên với những vai diễn đầy bi kịch trong vở - Ảnh: LINH ĐOAN

Câu chuyện Hạnh Thúy đề cập không chỉ là vấn đề tiền bạc mà chạm đến nỗi niềm của nhiều nghệ sĩ gắn bó với sàn diễn lâu nay.

Hạnh Thúy: Đầu tư vai diễn, có khi chẳng thể lấy lại vốn

Trong những dòng trải lòng trả lời cho câu hỏi bâng quơ và có phần vô tâm của ai đó, Hạnh Thúy khẳng định diễn sân khấu vất vả, tiền lương ít hơn nhiều so với lĩnh vực khác.

Tập một vở diễn mất cả tháng trời hoặc hơn, tiền đầu tư phục trang, hóa trang, giày dép… cho một nhân vật có khi diễn hoài mà chẳng lấy lại được vốn.

Trong tình hình sân khấu khó khăn hiện nay, suất diễn một vở không ổn định. Có khi nghệ sĩ đang quay phim ở xa, sân khấu sắp lịch diễn phải tốn khoản tiền lớn mua vé bay về chỉ để diễn một suất.

Nếu so với các lĩnh vực khác thì cát sê của sân khấu quả là bèo bọt. Đào kép chính của vở trăn trở, khóc cười đau đớn suốt hơn hai tiếng mà chỉ nhận trên dưới chừng 1 triệu đồng.

Trí Quang, anh chàng diễn viên chính ở Sân khấu Hoàng Thái Thanh, từng chia sẻ rằng với một bộ phim quay ba tháng, anh có thể nhận đến 200 triệu đồng. 

Còn ở sân khấu, một vở mỗi tháng diễn chừng 2, 3 suất, vai chính nhận chừng 1 triệu thì so với phim ảnh là chênh lệch.

NSND Hoàng Yến với nhóm kịch chuyên diễn vở lịch sử hay với sự tham gia của thầy cô, sinh viên Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, vậy mà mỗi suất chỉ có thể chia nhau mỗi người chừng 500.000 đồng.

Hạnh Thúy ngậm ngùi, tiền ít xỉn, sao nghệ sĩ vẫn bám sân khấu?- Ảnh 3.

Nghệ sĩ Thành Hội và Ái Như dồn tâm sức cho sân khấu nên đã cống hiến đến khán giả nhiều vở hay, Bàn tay của trời là một trong số những vở tiêu biểu của họ - Ảnh: LINH ĐOAN

Chưa hết, nhiều ông bà bầu đều là các nghệ sĩ giỏi nghề như Thành Hội, Ái Như, Hồng Vân, Mỹ Uyên, Minh Nhí… đầu tư vào sân khấu hầu hết khó thể lời.

Thành Hội, Ái Như vẫn đều đặn mang tiền nhà bù lỗ cho sân khấu. Hồng Vân, Mỹ Uyên, Minh Nhí… đi đóng phim, đi game show lấy tiền về bù cho sân khấu.

Đạo diễn Việt Linh như "mắc nợ" sân khấu cũng ráng duy trì được Sân khấu Hồng Hạc chục năm nay, dù đôi lúc chua xót khi ai đó hồn nhiên hỏi chị về sân khấu: "Ủa chết chưa? Chưa chết hả?".

Sân khấu có những cảm xúc nơi khác không có được

Sân khấu… nghèo vậy mà không hiểu sao có nhiều nghệ sĩ giỏi, rất nổi tiếng hiện nay vẫn bám trụ?

Nghệ sĩ Thành Lộc, Hữu Châu dường như chưa bao giờ bỏ sân khấu. Thành Hội, Ái Như chỉ một lòng lo cho sân khấu.

Đại Nghĩa, Đình Toàn, Hồng Ánh… rất được khán giả chú ý trên màn ảnh, chương trình truyền hình nhưng vẫn dành lịch cho sân khấu.

Thu Trang, Tiến Luật, Diệu Nhi, Khả Như, BB Trần, Hải Triều… phủ sóng các chương trình showbiz nhưng vẫn đều đặn xuất hiện trên sân khấu.

Hạnh Thúy tâm sự sân khấu có một sức hút rất lớn. Ở đó, người nghệ sĩ được trực tiếp tương tác với khán giả bằng những cảm xúc rất thật và gần gũi.

Được nhìn họ khóc cười cùng vai diễn của mình là một cảm giác thăng hoa tột cùng mà ở lĩnh vực khác khó có được. Và quan trọng hơn, sân khấu được xem là nơi đào tạo nghề cực kỳ tốt cho một nghệ sĩ.

Ở đó, họ được học cách thoại không chỉ tròn vành rõ chữ mà còn truyền được cảm xúc vào từng chữ, từng lời để những ý tứ sâu xa đọng lại trong lòng khán giả. Rất nhiều vở sân khấu đã để lại những câu thoại, từng tình tiết mà khán giả nhớ mãi.

Nghệ sĩ còn học được cách duy trì cảm xúc nhân vật trong suốt hơn hai giờ. Từ những bài học đó giúp họ tăng thêm bản lĩnh nghề nghiệp, biết cách đào sâu tâm lý nhân vật và sáng tạo một cách hợp lý.

Hạnh Thúy ngậm ngùi, tiền ít xỉn, sao nghệ sĩ vẫn bám sân khấu?- Ảnh 5.

Nghệ sĩ Hữu Châu (trái) và Lê Phương trong vở Duyên thệ - Ảnh: LINH ĐOAN

Sân khấu là tổng hòa nhiều yếu tố và tác động. Một bộ phim ra mắt chỉ một bản nhưng một vở diễn sân khấu mỗi đêm đều có thể khác. Bởi nghệ sĩ sẽ có sự bồi đắp và hoàn thiện thêm trong từng suất diễn.

Vì thế, không lạ khi nhiều fan ruột của sân khấu cho biết họ có thể xem một vở kịch yêu thích tới mấy chục lần.

Họ cho biết đã lỡ xem sân khấu rồi thì nguy cơ bị… ghiền rất cao. Cho nên, sân khấu có thể có lượng khán giả ít hơn lĩnh vực khác, nhưng đã là khán giả của sân khấu thì rất chung tình!

Và nghệ sĩ sân khấu cũng vậy, dù có ta bà đi khắp nơi, dù có thể gián đoạn vì lý do nào đó nhưng gần như ai cũng có nỗi nhớ sàn diễn.

Với họ, ánh đèn sân khấu như có ma lực. Đã đến với sân khấu là không cân phân tiền bạc, mà cảm xúc luôn là sợi chỉ đỏ dẫn dắt họ đi.

Đã nói kịch thành phố thì phải nhắc đến kịch Kim CươngĐã nói kịch thành phố thì phải nhắc đến kịch Kim Cương

Sáng 21-11, trong Hội nghị giới thiệu tác phẩm sân khấu tiêu biểu TP.HCM (1975-2023) hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước do Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức, đạo diễn Trần Minh Ngọc nhắc đến Đoàn kịch nói Kim Cương.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp