05/07/2020 11:05 GMT+7

Hạnh phúc Trần Khương Sang và trái tim người quét rác

THANH BÌNH
THANH BÌNH

TTO - Một sớm mùa đông tháng 11-2015, một hình hài con người còn đỏ hỏn, thở khò khè yếu ớt nằm cạnh thùng rác bên đường ở huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên Huế) chạm đến trái tim của một người quét rác.

Hạnh phúc Trần Khương Sang và trái tim người quét rác - Ảnh 1.

Khương Sang (trái) và Nho Sơn chơi trong vườn nhà - Ảnh: THANH BÌNH

Sáng mùa đông năm ấy, người phụ nữ Tà Ôi - chị Nguyễn Thị Hồng đẩy xe quét rác như mọi ngày. Xe vừa đến ngã tư Hồng Quảng (thị trấn A Lưới), chị nghe tiếng khò khè yếu ớt từng cơn. Đi thêm vài bước, chị thấy hình hài một đứa trẻ còn đỏ hỏn nằm cạnh thùng rác bên đường.

Tiếng khò khè bên thùng rác

"Mới đầu tui cứ tưởng con mèo thôi. Ai ngờ, tới gần mới thấy đứa bé sơ sinh không có quần áo chi hết, lại không có mũi… Hoảng quá tui gọi cho anh đội trưởng. Sau đó mấy anh công an đến lập biên bản. Thấy bé yếu, mình thương nên xin đưa bé về nhà chăm sóc trước" - chị Hồng nhớ lại.

Gia đình khó khăn, miếng ăn còn chưa đủ nên những ngày sau đó, chị Hồng giấu chồng mang đứa bé đến những nhà không có con, trung tâm xã hội gần đó hi vọng sẽ có người nhận nuôi, chăm lo cho cháu tốt hơn. Biết chuyện, anh Trần Nho Hồng, chồng chị, tức giận: "Người chứ có phải hàng hóa đâu mà vận chuyển, để đó tao nuôi". Đứa trẻ trở thành con nuôi của đôi vợ chồng tên Hồng từ đó với cái tên Trần Khương Sang.

Đầu năm 2016, Sang đau ốm triền miên, hai vợ chồng thay nhau đưa đến bệnh viện huyện, rồi về bệnh viện dưới Huế để chạy chữa. Chi phí thuốc thang rất tốn kém, hết tiền tích cóp, chị Hồng phải vay mượn khắp nơi. "Nhiều đêm, mình nằm ngoài hành lang bệnh viện để đợi tin cháu. Tiền không có, ăn cũng không dám ăn. Nhiều người thấy thương nên giúp đỡ, nhiều bác sĩ cũng giúp…", chị Hồng kể.

Vượt mọi rào cản

Mọi chuyện không dừng lại ở đó. Từ ngày nhận Khương Sang về nuôi, hai vợ chồng còn phải hứng chịu những lời lẽ, đồn thổi không hay bởi khuôn mặt không trọn vẹn của Sang. "Ở đây phần lớn là người dân tộc thiểu số nên còn nhiều kiêng kỵ", anh Hồng kể.

Dường như trời không phụ lòng người tốt, khi mà dị tật hở hàm ếch khiến bệnh tình của Sang ngày càng thêm nặng thì gia đình chị Hồng bất ngờ nhận được cuộc gọi của một bác sĩ đã từng chữa trị. Vị bác sĩ này nói sẽ đăng ký phẫu thuật miễn phí cho Sang. Ngày đưa Sang xuống phố, anh Hồng dù sức khỏe không tốt, cột sống bị thoái hóa đã nhiều năm nhưng vẫn háo hức xin vợ cho đi theo. Khi nghe bác sĩ thông báo cháu đạt sức khỏe để phẫu thuật, niềm vui như vỡ òa với vợ chồng anh chị.

Bác sĩ cho biết Sang bị khiếm khuyết sứt môi, hở hàm ếch dạng nặng, phải trải qua 6 đợt phẫu thuật mới chữa lành hoàn chỉnh. Tháng 7-2016, Sang được phẫu thuật lần đầu tiên. Một năm sau đó, Sang được phẫu thuật thêm lần nữa. Dù đến hiện tại chỉ mới trải qua 2 lần phẫu thuật nhưng cũng đã giúp Sang thở được bằng mũi, sức khỏe dần được cải thiện tốt hơn. Khuôn mặt mới "dễ nhìn" cùng với sự hiếu động, vui vẻ của Sang đã từ từ xua tan đi những kỳ thị...

Sang đã được đến trường, được vui chơi với bạn bè cùng trang lứa.

Hạnh phúc Trần Khương Sang và trái tim người quét rác - Ảnh 2.

Tiếng cười của các con là động lực, niềm vui sống của vợ chồng anh chị Hồng - Ảnh: THANH BÌNH

Thiếu thốn nhưng đủ đầy

Vợ chồng anh chị hạnh phúc chào đón người con trai đầu lòng Trần Nho Thái. Anh Hồng đã cố tâm chịu khó, chịu khổ để dành dụm tiền xây một căn nhà tử tế cho gia đình. Đến năm 2006, trong một lần lao động, bỗng dưng cơn đau kéo đến khiến anh quỵ ngã. Khi nghe bác sĩ nói cột sống của anh bị thoái hóa hoàn toàn, mất khả năng lao động, anh gần như chết lặng. Và cũng từ đó, cuộc sống gia đình chỉ biết dựa vào đồng lương lao công ít ỏi của chị Hồng.

Không chịu "nằm yên" trước số phận, anh Hồng bàn với vợ bắt đầu xây nhà với một nhân công là anh. Khoản tiền anh chị dành dụm cộng với 15 triệu đồng hỗ trợ gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn từ Liên đoàn Lao động huyện A Lưới cũng chỉ đủ để đổ đất, xây phần móng. Vì thế, căn nhà do một "thợ xây đặc biệt" này túc tắc thi công đến 4 năm sau mới hoàn thành phần thô, dọn vào ở được.

Khó khăn nối tiếp khó khăn khi người con trai thứ 2 của anh chị là Trần Nho Sơn chào đời vào năm 2012. Được 3 tháng tuổi, bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm màng não. Nhà vốn túng quẫn, con đau bệnh lại thêm nỗi lao đao. Chị Hồng nhớ lại: "Đến khi vào mẫu giáo cháu mới hết đi viện. Thấy cháu ít nói, hay quên, có khi lẳng lặng trốn đi một mình ngoài đường... sợ cháu bị tự kỷ nên ngày thì chở cháu đến trường, nhờ cô, các bạn cháu giúp đỡ, đêm thì cho đi học thêm để cháu từ từ hòa nhập".

Quẩn quanh gian bếp, sân vườn, anh Hồng cũng chẳng đành lòng để vợ mình lam lũ. Nhiều ngày, khi vợ đã ra khỏi nhà, các con đã đến trường học, anh lại lủi thủi dọc các hàng quán bên đường chỉ mong có người nhận vào phụ việc, kiếm thêm được chút tiền san sẻ với vất vả, khó nhọc mà vợ đang gánh vác.

Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, em Thái cố gắng học tập để cha mẹ có thêm niềm vui. Suốt 9 năm học, Thái luôn đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Lúc rảnh rỗi, Thái phụ cha trồng rau, chăm đàn gà, cùng chơi đùa, đưa đón các em. "Nhà nghèo, ba và các em lại mang bệnh tật. Cháu chỉ biết cố gắng học tập để tìm việc làm sớm, kiếm tiền phụ giúp gia đình" - Thái chia sẻ.

Chị Hồ Thị Hoa, công chức phụ trách mảng LĐ-TB&XH xã A Ngo, cho biết gia đình chị Hồng sống hiền lành. Cuộc sống còn khó khăn nhưng hai vợ chồng vẫn cố gắng cho 3 cháu đi học đầy đủ. Với bé Sang, dù là con nuôi lại bị khiếm khuyết, hay đau ốm nhưng vợ chồng chị Hồng vẫn tận tình chăm lo, yêu thương. UBND xã cũng đã làm thủ tục trợ cấp xã hội hằng tháng cho gia đình chị Hồng vào diện "Gia đình nhận nuôi trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi" với hỗ trợ 810.000 đồng/tháng.

UBND xã có các chương trình thăm hỏi định kỳ, tạo mối liên kết với các cá nhân, tổ chức từ thiện để giúp đỡ thêm cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã.

Gia đình nhiễm virus corona, các y tá thay nhau làm Gia đình nhiễm virus corona, các y tá thay nhau làm 'mẹ' em bé

TTO - Ngày đầu vào viện, Lạc Lạc, bị nhiễm virus corona chủng mới, khóc to đến mức cả khu ai cũng nghe. Nhưng với sự cố gắng của các y bác sĩ thay nhau làm "mẹ tạm thời", nụ cười giờ đã nở trên khuôn mặt em bé này.

THANH BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp