20/02/2019 11:20 GMT+7

Hạnh phúc nhỏ bé từ sách

TRẦN THỊ BÍCH HÀ
TRẦN THỊ BÍCH HÀ

TTO - Là giáo viên dạy văn, cũng là người mê sách, nên ngay từ khi mới ra trường tôi đã có ý thức hình thành thói quen đọc sách cho học sinh.

Hạnh phúc nhỏ bé từ sách - Ảnh 1.

Học sinh lớp 1/7 Trường tiểu học song ngữ Vũng Tàu tìm đọc sách từ tủ sách tại lớp do giáo viên và phụ huynh tặng - Ảnh: N.H.

May mắn là tôi được phân công dạy học sinh các lớp chuyên văn nhiều năm liền nên dễ dàng hơn trong việc thực hiện ý tưởng.

Với các lớp không phải chuyên văn, tôi cũng cố gắng thực hiện hầu hết các việc, chỉ có giờ ngoại khóa là khó khăn trong việc bố trí thời gian. Và tôi cảm nhận được hạnh phúc của nghề dạy học từ những công việc bé nhỏ này.

Giáo viên văn là người giới thiệu sách

Giờ học đầu tiên các lớp học do tôi phụ trách không bao giờ là bài mở đầu trong SGK mà là bài mở đầu do tôi tự soạn. Trong bài, tôi thường giới thiệu chương trình, nội dung chính của môn học trong cả năm, những yêu cầu - phương pháp học bộ môn, và đặc biệt là những cuốn sách mà học sinh cần đọc gắn với từng phần của chương trình.

Trong danh mục những cuốn sách nêu ra, tôi chia làm hai loại: sách bắt buộc phải đọc, thậm chí phải mua (nếu chưa có, các em nên bổ sung trong tủ sách gia đình, như Truyện cổ tích Việt Nam, Thần thoại Hi Lạp, Truyện Kiều của Nguyễn Du, truyện của Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Maksim Gorky, Chekhov, Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Góc sân và khoảng trời của Trần Đăng Khoa... tùy theo từng lớp, từng cấp học); và sách khuyến khích đọc, gồm cả sách văn học, sách công cụ và sách về kỹ năng sống.

Cùng với việc giới thiệu tên sách, tôi nói với các em về tác dụng của việc đọc sách, chọn sách, tác hại của việc lười đọc đối với một người và đối với cả một dân tộc. Với học sinh lớp lớn, tôi thậm chí nói rằng việc đọc sách nhiều hay ít có mối liên hệ với thu nhập bình quân đầu người - GDP của một quốc gia.

Để tăng sức thuyết phục cho việc cần đọc sách, tôi thường dẫn câu nói của một ai đó, đại ý rằng nếu không đọc sách, chúng ta chỉ sống một cuộc đời; còn nếu đọc sách, chúng ta được sống nhiều cuộc đời. Tôi cũng chia sẻ với các em quan điểm của mình rằng sách vừa là thầy, sách vừa là bạn.

Còn để tạo ấn tượng cho việc chọn sách, tôi thường kể cho học sinh cảm xúc của mình khi đọc tiêu đề một bài trên báo Tuổi Trẻ khoảng chục năm trước, đó là tiêu đề "Những cây nấm độc hại người" - cứ tưởng bài viết về món ăn, ai dè "những cây nấm độc" đó chính là những cuốn truyện tranh có nội dung bạo lực và hình thức in ấn kém chất lượng. Tôi thường khuyên học sinh chọn sách như chọn bạn.

Những giờ ngoại khóa về sách

Cũng trong giờ học đầu tiên ấy, tôi nêu kế hoạch và hướng dẫn học sinh thực hiện việc đọc sách trong năm học. Với những tác phẩm có trong chương trình, bằng những cách khác nhau, tôi kiểm tra việc đọc sách của học sinh trước khi dạy về tác phẩm đó. Và thưởng điểm là một cách khuyến khích cho những học sinh chăm đọc.

Với những tác phẩm ngoài chương trình, mỗi học kỳ tôi tổ chức một buổi ngoại khóa (với lớp chuyên thường được tăng tiết hoặc có giờ bồi dưỡng) có tên là "Chia sẻ - cuốn sách tôi quý". 

Để thực hiện thành công, trước đó tôi đã yêu cầu học sinh chuẩn bị bài viết, khuyến khích các em nói trong khoảng thời gian 5-7 phút và gợi ý các em nên tập trung giới thiệu những nội dung gì, thường là vài nét về tác giả, tóm tắt sơ lược tác phẩm, chủ đề, nội dung ý nghĩa, nhân vật, nét đặc sắc về nghệ thuật, ý nghĩa của cuốn sách với bản thân...

Tôi khuyến khích học sinh tìm cách giới thiệu sáng tạo, mới mẻ, có thể tưởng tượng mình trò chuyện hoặc hóa thân vào nhân vật... Gần đến buổi học ngoại khóa, mỗi tổ sẽ chọn ra 3-4 học sinh trình bày. Buổi học đó tôi sẽ giao cho một học sinh làm MC, giáo viên lắng nghe và cuối buổi nhận xét, đánh giá, không hạn chế lời khen và thưởng quà.

Thưởng sách

Cho đến nay, sau mấy chục năm giảng dạy, tôi không biết mình đã thưởng bao nhiêu sách cho học trò. Phần thưởng có thể dành cho những học sinh phát biểu hay trong giờ học, có thể đạt điểm cao trong kỳ kiểm tra, kỳ thi; có khi thưởng cho những học sinh có tiến bộ, bài làm sau cao hơn bài làm trước từ 2 điểm trở lên.

Những cuốn sách mà tôi thưởng cho trò, tùy lớp học mà khác nhau, có thể là Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Thơ Trần Đăng Khoa, Truyện cổ tích Việt Nam, Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng, Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, Truyện ngắn Nam Cao, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Bí mật của may mắn (Good look), Cà phê cùng Tony, Trên đường băng...

Hầu hết, qua ánh mắt của học sinh, tôi đọc được niềm vui của các em khi được nhận sách.

Trao đổi sách và ghi chép

Thu nhập của hầu hết giáo viên, trong đó có giáo viên dạy văn, là "khiêm tốn" so với nhiều ngành nghề khác trong xã hội nên để mua sách thưởng cho trò, dẫu số tiền không nhiều lắm, vẫn có lúc khiến tôi phải cân nhắc, nâng lên đặt xuống một cuốn sách.

Trong khi đó, mong muốn của tôi là các em được đọc càng nhiều sách càng tốt. Vì thế, sau khi thưởng sách cho trò, tôi khuyến khích các em đọc xong sớm và trao cho các bạn khác trong lớp đọc.

Có những cuốn sách quý, giá tiền khá cao, chỉ mua được một cuốn cho mình, tôi giao cho học sinh lần lượt đọc, mỗi em quy định trong mấy ngày. Với cách làm như vậy, một năm học, mỗi học sinh được đọc ít nhất 5-7 cuốn sách.

Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi cũng khuyến khích các em làm sổ tay văn học, trong đó sưu tầm ghi chép văn thơ và ghi cảm nhận sau khi đọc một cuốn sách hay. Mỗi học kỳ tôi dành thời gian xem sổ tay của các em một lần, nhận xét, khuyến khích các em.

Qua cuốn sổ, tôi nhận thấy nhiều học sinh biết yêu văn chương, yêu vẻ đẹp của cuộc sống, tâm hồn, tư tưởng của các em rất phong phú.

TRẦN THỊ BÍCH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp