17/10/2023 08:58 GMT+7

Hạnh ơi, cố lên!

Như bông hoa nở giữa núi rừng, vượt qua bao nhọc nhằn, Lò Thị Hạnh đã chạm đến ước mơ giảng đường, đi 'bắt lấy cái chữ để không lấy chồng sớm' như bao bé gái người Dao quê mình.

Lò Thị Hạnh xin phụ việc ở căng tin Trường ĐH Điện lực để đỡ tiền ăn vì mỗi ngày được miễn phí hai suất cơm - Ảnh: HÀ THANH

Lò Thị Hạnh xin phụ việc ở căng tin Trường ĐH Điện lực để đỡ tiền ăn vì mỗi ngày được miễn phí hai suất cơm - Ảnh: HÀ THANH

18h, Hạnh bắt tay vào ca tối tại căng tin Trường ĐH Điện lực (Hà Nội). Thoăn thoắt dọn khay cơm sinh viên vừa ăn xong, Hạnh đưa vào khu bếp, cặm cụi ngồi rửa. "Làm ở đây các cô bếp cho mình ăn bữa cơm miễn phí nên không lo tiền ăn nữa", Hạnh khoe.

Khi báo Tuổi Trẻ mở cổng đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường, mình biết ngoài kia còn rất nhiều trường hợp khó khăn nên chỉ biết chia sẻ câu chuyện thật của bản thân. Mọi sự gặp gỡ ở đời đều bắt đầu từ cái duyên mà học bổng chính là duyên lành với mình.

LÒ THỊ HẠNH

Con phải đi học thôi

Ngày nhận tin trúng tuyển đại học lại là ngày đầy nước mắt với Lò Thị Hạnh. Hôm đó, hai mẹ con to tiếng với nhau. Mẹ không muốn cho Hạnh đi học vì nhà nghèo quá. Chính cô bé cũng hiểu cực chẳng đã mẹ mới phải nói vậy, nhưng cô cương quyết: "Con phải đi học, có vất vả mấy con cũng tự lo được".

Hạ quyết tâm thế nhưng một thân một mình xuống Hà Nội chẳng dễ dàng gì dù hè năm lớp 11, Hạnh từng đón xe xuống Hà Nội xin làm tại một nhà hàng để có tiền trang trải cho năm học lớp 12. Hôm vừa xong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Hạnh liền đón xe từ Lào Cai xuống Hà Nam, xin làm công nhân thời vụ.

Dẫu vất vả đến đâu, Lò Thị Hạnh quyết tâm phải học để không lấy chồng sớm, để cuộc đời đỡ cơ cực - Ảnh: HÀ THANH

Dẫu vất vả đến đâu, Lò Thị Hạnh quyết tâm phải học để không lấy chồng sớm, để cuộc đời đỡ cơ cực - Ảnh: HÀ THANH

Nhưng làm chưa đầy chục ngày đã hết việc, người ta cắt giảm công nhân thời vụ. Nhờ một người chị giới thiệu, Hạnh xin được vào làm tại một khu công nghiệp ở Hà Nội.

Cô học sinh người Dao ấy nghĩ rằng xuống Hà Nội chỉ lo đi học thôi, chưa thấm hết nỗi khổ cực khi phải một thân một mình giữa thủ đô. "Nhưng dù vất vả đến mấy mình vẫn quyết tâm học chứ quay về sẽ phải lấy chồng sớm, khổ lắm", Hạnh giãi bày.

Bố Hạnh mất sớm. Mẹ cô bé đi bước nữa và cả nhà không thoát khỏi cái nghèo đeo đẳng. Hồi cuối năm lớp 9, mẹ từng khuyên con gái nghỉ học đi làm phụ gia đình. Nhưng từ xã Dền Sáng, cô học sinh ấy muốn "bắt lấy con chữ" và đã thi đỗ vào Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT huyện Bát Xát (Lào Cai).

Được học nội trú, miễn giảm học phí, sách vở nên gia đình không phải lo tiền học cho Hạnh nữa. Rời căn nhà ít tiếng cười, Hạnh tiếp tục đến trường như bao bạn bè khác. "Đi học được hiểu biết hơn rất nhiều, còn học thêm nhiều kỹ năng, mình thấy may mắn nhưng cũng rất buồn vì em trai em không được đi học", Hạnh bộc bạch.

"Cho em xin khất học phí được không?"

Hạnh nhớ mãi giây phút nhập học ở Trường ĐH Điện lực, hai tay run run cầm 4 triệu đồng tiến đến bàn giảng viên. Ngập ngừng hồi lâu, cô bé mới dám mở lời: "Cô ơi, cho em xin khất học phí được không?". Biết hoàn cảnh của cô bé dân tộc, một giảng viên đã hướng dẫn cho Hạnh làm đơn xin khất học phí. Và đơn của Hạnh đã được thầy hiệu trưởng chấp thuận.

Tạm giải quyết được vấn đề học phí trước mắt thì đến ngay khoản 3 triệu đồng đăng ký vào ký túc xá. Nói tới đó, Hạnh không còn kìm nén được nữa và bật khóc nức nở ngay ngày đầu tiên nhập học: "Mình không có tiền mà nếu không được ở ký túc xá, đêm nay mình cũng không biết ở đâu".

May sao một cô giáo cũ biết tin đã tạm ứng ngay cho Hạnh số tiền này để được vào ở ký túc xá. Trời như cũng thương, cô bé được nhận vào phụ việc tại căng tin trường đại học. Nhờ đó mà có cơm ăn miễn phí, không phải quá lo lắng tiền ăn hằng ngày nữa.

Hạnh nói thấy cuộc đời mình quá may mắn vì xung quanh vẫn còn quá nhiều người tốt, sẵn sàng dang tay giúp dù chỉ mới biết bạn trước đó chưa lâu.

Ngập ngừng hồi lâu, Hạnh kể có một số môn học cần đến máy tính. Nhưng tiền học phí, tiền ăn còn chẳng lo đủ nên nào dám đến việc mua máy tính. Gạt hết ngại ngần, Hạnh liền ngỏ lời với bạn cùng lớp hôm nào có tiết học trên máy tính cho xin phép được học cùng. Bạn đồng ý, cô gái thở phào nhẹ nhõm, coi như tạm giải quyết xong vấn đề máy tính dù chỉ là tạm thời.

Hơn một tháng tập quen dần với cuộc sống giữa thủ đô, Hạnh được một chị khóa trên giới thiệu đi làm. Buổi sáng Hạnh chăm chỉ đi làm thêm, buổi chiều tập trung cho việc học. Hạnh cũng chẳng biết đi xe đạp hay xe máy, đôi chân dẻo dai vốn quen băng núi băng rừng cứ thế cuốc bộ đến chỗ làm thêm.

Cô tân sinh viên quê Lào Cai tự lên kế hoạch tương lai cho mình rằng trước mắt sẽ cố gắng hoàn thành tốt những năm đại học. Ra trường sẽ kiếm một công việc ổn định, đi làm kiếm tiền dựng một căn nhà để đón mẹ và em trai về sống hạnh phúc bên nhau. "Đã đặt được chân vào đại học, mình không sợ khó, không sợ khổ gì nữa, sẽ không có khó khăn cản được bước mình đi", Hạnh nói, mắt ánh lên niềm hy vọng.

Không có con đường nào khác

Hạnh nhắc về mối duyên lành với cô Đỗ Thị Kim Dung, giáo viên chủ nhiệm của Hạnh, năm lớp 10 và 11 ở Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT huyện Bát Xát (Lào Cai). Cô luôn yêu thương, giúp đỡ để Hạnh có thể đến trường và cũng chính cô Dung đã giới thiệu Hạnh đến với học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ.

Cô Dung nói với học trò không có con đường nào khác ngoài đi học mới mong thoát khỏi hoàn cảnh như bây giờ. "Hạnh là đứa trẻ nghị lực, chắc chắn sẽ rất khó khăn phía trước nhưng tôi tin cô bé sẽ vượt qua nếu có thêm sự giúp đỡ nên tôi đi tìm học bổng giúp em ấy. Học bổng không chỉ là may mắn mà tiếp thêm niềm tin để Hạnh vượt qua chặng đường dài phía trước", cô Dung trải lòng.

Đồ họa: SONG UYÊN

Đồ họa: SONG UYÊN

Trao 81 suất học bổng Tiếp sức đến trường khu vực Tây Bắc

Ngày mai 18-10, báo Tuổi Trẻ sẽ phối hợp cùng Tỉnh đoàn Lào Cai, Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam, Quỹ Khuyến học Vinacam tổ chức lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường dành cho 81 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 6 tỉnh khu vực Tây Bắc: Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Lào Cai, Lai Châu.

Đây là điểm trao thứ tư trong chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" lần thứ 570 của báo Tuổi Trẻ. Tổng kinh phí chương trình hơn 1,2 tỉ đồng do Quỹ Khuyến học Vinacam tài trợ.

Mỗi suất học học bổng trị giá 15 triệu đồng tiền mặt, trong đó dự kiến trao hai suất đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suốt 4 năm học. Cùng với đó, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam sẽ tài trợ quà tặng cho tân sinh viên, Quỹ Khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam tài trợ 6 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn còn thiếu thiết bị học tập.

Sau 20 năm thực hiện, học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ đã hỗ trợ 23.395 tân sinh viên khó khăn đến với giảng đường đại học, cao đẳng với tổng số tiền hơn 179,8 tỉ đồng.

Riêng năm 2023, đồng thời cũng là lần thứ 21 của chương trình, báo Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh, thành đoàn tiếp tục xét trao học bổng cho hơn 1.200 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước, với tổng kinh phí hơn 19 tỉ đồng (15 triệu đồng/học bổng và 20 suất đặc biệt 50 triệu đồng/4 năm học).

Hạnh ơi, cố lên! - Ảnh 8.

Học bổng Tiếp sức đến trường: Trao gửi những ân tìnhHọc bổng Tiếp sức đến trường: Trao gửi những ân tình

Lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 105 tân sinh viên Quảng Nam và Đà Nẵng vào ngày 15-10 diễn ra trong trời mưa tầm tã nhưng ấm áp và rưng rưng cảm xúc với những câu chuyện đặc biệt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp