Phóng to |
Thanh tra Bộ Y tế trong một lần thanh tra nhà thuốc của Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ năm 2007. Ảnh: L.TH.HÀ |
Theo thanh tra Sở Y tế TP.HCM, thanh tra sở và quận huyện đã phát hiện một số phòng khám đa khoa hoạt động quá khả năng chuyên môn, người trực tiếp khám và điều trị bệnh không phải là bác sĩ. Nhiều phòng khám đa khoa, cơ sở giải phẫu thẩm mỹ vi phạm về quảng cáo và hành nghề không đúng phạm vi cho phép. Ở các phòng khám nhi vi phạm phổ biến là bác sĩ vừa kê đơn vừa bán thuốc, bán thuốc không cần khám lại, thuốc bị bóc trần, bẻ nhỏ không rõ nhãn hiệu...
Giám đốc sở Y tế Nguyễn Văn Châu: Phải kiên quyết làm "lòi ra" nạn "hoa hồng" Điều tôi hết sức bức xúc và phải kiên quyết làm "lòi ra" cho bằng được vấn đề "hoa hồng" ngay từ phòng khám Minh Đức. Đọc báo Tuổi Trẻ tôi thấy các tình huống này đau lòng hết sức. Phải làm cho lòi ra, phải đánh cho bằng được vấn đề "hoa hồng" chỗ phòng khám Minh Đức, Công ty Phú Xuân, không từ điểm nào, thế lực nào. Cần thiết phối hợp thanh tra bộ, Cục Quản lý dược làm. Ngay cả đấu thầu chúng ta nói tốt nhưng nó len lỏi vô đó mà chúng ta không biết. Cái này nó ăn sâu nhiều năm rồi, trở thành cơ chế rồi, nhiều bác sĩ không muốn đâu, không có ý đồ nhưng đã trở thành cơ chế, trở thành bình thường... |
Đặc biệt vẫn còn những nhà sản xuất, các doanh nghiệp nhập khẩu đã đăng ký và tự kê khai giá thuốc tại Cục Quản lý dược VN rất cao. Tình trạng các công ty TNHH mua bán lòng vòng và đưa thuốc ra thị trường với nhiều loại giá khác nhau đã đẩy giá một số mặt hàng thuốc lên cao vô lý...
Không được nhận... bì thư!
Dược sĩ Trần Thị Thanh Loan - phó chánh thanh tra Sở Y tế TP - đã nhắc nhở các đoàn thanh tra quận huyện không được nhận bì thư của cơ sở được thanh tra. Theo bà Thanh Loan, thanh tra sở đã nhận được công văn của UBND Q.7 thông báo về việc thanh tra viên T.V.H. (Phòng Y tế Q.7) nhận tiền của một nhà thuốc kinh doanh không có giấy phép, kinh doanh thuốc phi mậu dịch. Chính vì vậy, ông H. đã không chuyển hồ sơ vụ việc sai phạm của nhà thuốc lên thanh tra Sở Y tế để xử lý theo đúng qui trình. Khi người bị thanh tra gửi đơn tố cáo, vụ việc mới được phát hiện. Bà Loan đề nghị các quận, huyện "rút kinh nghiệm không được nhận bì thư”.
Tại cuộc họp, nhiều quận huyện cũng tỏ ra búc xúc về việc vi phạm của một số cơ sở hành nghề y dược tư nhân tái đi tái lại nhưng không thể xử lý, giải quyết dứt điểm. Đại diện Phòng Y tế Q.8 cho biết tại P.1, Q.8 có một ông y tá nhưng treo bảng vừa là nhà thuốc vừa là... bác sĩ để hành nghề. Cơ sở này đã bị bắt quả tang, vụ việc đã chuyển sang cơ quan công an nhưng kết quả xử lý thế nào chưa thấy. Cũng tại phường này có nhà thuốc của dược sĩ đã chuyển đi Bình Chánh, nhưng bảng hiệu còn nguyên và y tá vẫn bán thuốc. Khi thanh tra kiểm tra, niêm phong thuốc thì họ tự tháo niêm phong và tiếp tục bán thuốc. Thanh tra lại kiểm tra... và cơ sở này bị phạt 2 triệu đồng, rồi được tháo niêm phong thuốc cho đem về. Phòng Y tế Q.12 cũng cho rằng ở Q.12 có hiện tượng đúng như ở Q.8 : "Dược sĩ rút đi nhưng dược tá vẫn bán thuốc". Q.12 còn "kêu" có cơ sở mời lên xử phạt nhưng họ không lên, nên không thực hiện được quyết định xử phạt.
Đại diện Phòng Y tế Q.3 than phiền hiện nay thanh tra viên đi thanh tra cơ sở không có kinh phí hỗ trợ. Tại Q.3 có phòng khám nước ngoài chỉ được phép khám bệnh tổng quát nhưng lại hành nghề nhiều lĩnh vực. Phòng Y tế Q.3 đã đi thanh tra nhiều lần nhưng không thể giải quyết được. Thậm chí phòng khám này còn không thèm... tiếp thanh tra.
Phòng Y tế Hóc Môn phàn nàn không biết xử lý cơ sở hành nghề "bác sĩ dỏm" thế nào. "Khi đi thanh tra chúng tôi phát hiện một cơ sở kinh doanh máy ion. Họ bán thuốc 80.000 đồng/bịch nhưng không biết... giống gì. Mỗi lần đặt bàn tay lên thuốc thì thu 5.000 đồng. Chúng tôi đình chỉ hoạt động cơ sở thì họ đem giấy của Bộ Y tế, của một cục chứng nhận sản xuất, công năng của máy. Và họ bảo không khám chữa bệnh, chỉ bán máy móc…", đại diện Phòng Y tế Hóc Môn nói.
Xử lý nghiêm các cơ sở không phép
Ông Bùi Đức Phong - phó Chánh thanh tra Bộ y tế - phát biểu: "Trước mắt phải cương quyết buộc những cơ sở không phép thì không được hoạt động". Về vấn đề niêm giá thuốc, ông Phong cho rằng rất khó, một bệnh viện (BV) lớn, nhà thuốc có khoảng 1.000 mặt hàng không thể nào niêm yết giá nổi, nên yêu cầu phải có sổ, phải ghi giá trên hộp thuốc theo thời giá thay đổi. Ông Phong cũng nói rằng trong các bệnh viện lớn có nơi vẫn dùng thuốc phi mậu dịch, quản lý thuốc độc nghiện có sai số...
BS Phan Văn Báu - phó giám đốc Sở y tế - yêu cầu phải rà soát trong quản lý, phải nắm chắc số cơ sở mới thành lập, giải thể hằng tháng. Tăng cường kiểm tra kiểm soát tính chất pháp lý của những phòng khám đa khoa các bệnh viện ngành (bưu điện, đường sắt, giao thông vận tải...). Sắp tới thanh tra phải xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là với những cơ sở hoạt động không phép phải cương quyết đình chỉ, kinh doanh thuốc quá hạn phải hủy, vi phạm nhiều lần phải truy cứu trách nhiệm.
DS Phạm Khánh Phong Lan - PGĐ sở phụ trách lĩnh vực dược và y học cổ truyền - rất bức xúc trước tình hình dược sĩ cho thuê bằng. Theo bà, các hiệu thuốc của các công ty cũng thuê bằng, không có mặt dược sĩ! Rắc rối nhất là thuốc ngoại trú - BS kê toa ăn "hoa hồng" - nhưng thanh tra chỉ giải quyết được phần ngọn, không đủ sức và không thể nào phạt được hết. Chỉ phạt những đơn vị " cộm cán " để làm gương.
Về giá, DS Phong Lan cho rằng khi kiểm tra các nhà thuốc bán lẻ "chúng ta đang bị chi phối pháp lệnh về giá nên họ không công khai, khung phạt là vũ khí nhưng không có nên cứ phải răn đe hoài, dẫn đến tình trạng lờn thuốc".
BS Nguyễn Văn Châu - giám đốc Sở Y tế TP - đề nghị các quận huyện phải tập trung chấn chỉnh hành nghề y tư nhân, phạt nặng BS vừa kê toa vừa bán thuốc. Về việc hành nghề không phép, BS Châu cho rằng kiểm tra, xử phạt nhiều nhưng không tái kiểm tra xem còn tái phạm không. Vì vậy phải coi công tác tái kiểm tra là quan trọng, là chủ yếu trong năm 2008. BS Châu yêu cầu trong tháng 6-2008 phải thực hiện cho được công tác tập huấn thanh tra, công tác quản lý hành nghề y - dược tư nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận