13/05/2019 12:23 GMT+7

'Hành động kỳ quặc' tạo nên hội chứng 'phản đối giáo viên'

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Câu chuyện cô giáo Trường THCS Tô Hiệu, Thường Tín, Hà Nội bị tạm đình chỉ đứng lớp vì phạt học sinh quỳ, gây bức xúc cho phụ huynh đã thu hút các luồng dư luận trái chiều.

Hành động kỳ quặc tạo nên hội chứng phản đối giáo viên - Ảnh 1.

Hình ảnh học sinh trường THCS Tô Hiệu, Thường Tín - Hà Nội, bị phạt quỳ gây xôn xao mạng xã hội - Ảnh: Mạng xã hội

Khá nhiều người, trong đó có giáo viên, đã bày tỏ sự cảm thông, lo lắng, thậm chí bức xúc khi "giáo dục học sinh thời nay khó quá, xểnh ra là bị "tạm đình chỉ", chỉ cần phụ huynh có đơn, học sinh tung hình lên mạng và truyền thông vào cuộc". Họ cho rằng cô giáo Trường Tô Hiệu chỉ bị tai nạn nghề nghiệp vì muốn giáo dục học sinh.

Một số giáo viên Hà Nội đã cho rằng: Chỉ cần có đơn phụ huynh là tạm đình chỉ đứng lớp, đó là hình phạt rất nặng với giáo viên, trong khi lẽ ra cần tìm hiểu kỹ sự việc để nắm học sinh đã có sai phạm gì dẫn đến việc giáo viên phải phạt quỳ? Học sinh có tái phạm nhiều lần không, giáo viên đã gặp trao đổi với cha mẹ học sinh để cùng phối hợp giúp đỡ học sinh chưa?

Trước câu chuyện phạt quỳ ở Trường THCS Tô Hiệu, ở nhiều trường khác cũng đã xảy ra các hình phạt học sinh rất tiêu cực, như để học sinh tát nhau, bắt học sinh ăn thạch, uống nước giẻ lau... Những "hành động kỳ quặc" này gây phẫn nộ cho xã hội và tạo nên hội chứng "phản đối giáo viên" mỗi khi nghe tới chuyện giáo viên phạt học sinh, bất kể tình huống cụ thể như thế nào.

Cũng bởi thế, lo lắng, bức xúc của nhiều người trong giáo giới là có căn cứ vì hiện nay nhiệm vụ giáo dục học sinh trở nên nặng nề hơn khi diễn biến tâm lý, lối sống đạo đức học sinh phức tạp do tác động bởi nhiều tiêu cực trong xã hội, do giáo dục gia đình đang bị buông lỏng.

Những hình phạt học sinh theo xu hướng tiêu cực đang chứng tỏ sự bế tắc và đơn độc của các thầy cô giáo. Họ đối diện với các biểu hiện tiêu cực của học sinh lặp đi lặp lại mà không có đủ năng lực, kỹ năng, không được hỗ trợ từ ban giám hiệu, tổ bộ môn, đồng nghiệp và cha mẹ học sinh để có cách ứng xử, uốn nắn học sinh phù hợp. 

Áp lực công việc, thành tích cũng khiến nhiều giáo viên có hành xử khắc nghiệt, tiêu cực và mất kiểm soát với những học sinh vi phạm.

Dù chia sẻ, nhưng phải thấy rõ rằng thời kỳ "phạt quỳ" học sinh nên khép lại. Có rất nhiều cách dạy trẻ truyền thống như đánh học sinh, phạt quỳ, thậm chí là đuổi học sinh ra ngoài cần chấm dứt ở thời đại mới, dù đó là cách truyền thống ít nhiều hữu hiệu trong việc giáo dục với nhiều học sinh.

Học sinh thời nay tiếp nhận nhiều thông tin hơn, ý thức về quyền của bản thân hơn. Sự "tăng hiệu ứng" của công nghệ thông tin cũng dễ dàng khuếch tán những vấn đề nhỏ thành lớn, tạo nên làn sóng phản ứng tiêu cực của đám đông. Đó là bất lợi nếu các thầy cô giáo vẫn cứ áp dụng cách phạt truyền thống. 

Một trong hai học sinh ở Trường Tô Hiệu cho rằng "quỳ là sự sỉ nhục", ở khía cạnh nào đó, em học sinh có lý và cách "phạt quỳ" phản giáo dục khi chỉ mang lại cảm giác tiêu cực, bất mãn.

Hướng đến những hình phạt khác hiệu quả hơn, có thể khiến học sinh tự nguyện chấp hành, nhận thức được cái sai mới là điều nên bàn. Không chỉ Trường THCS Tô Hiệu mà nhiều trường phổ thông khác cần có các chuyên đề đưa ra trong giao ban giáo viên chủ nhiệm, trong sinh hoạt chuyên môn để chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục học sinh theo hướng "kỷ luật tích cực". 

Đây thực sự là việc cần làm ngay, để người thầy không đơn độc đối diện với những tình huống có thể khiến họ "sẩy chân" bất cứ lúc nào.

TTO - Đó là một trong những tình huống mà ban giám khảo vòng chung kết cuộc thi Chắp cánh ước mơ 2018 do Sở GD-ĐT TP.HCM và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức ngày 8-4 đặt ra cho thí sinh Nguyễn Trần Thủy Tiên, Trường THPT Đinh Thiện Lý.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp