Xe
09/06/2023 10:02 GMT+7

Hãng xe làm kiểm định, khi nào?

Chính phủ đã ban hành nghị định số 30/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 139/2018/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, cho phép các đại lý chính hãng của các hãng xe được tham gia dịch vụ kiểm định.

Công nhân bão dưỡng ô tô tại một đại lý bảo hành xe Ford trên địa bàn TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: T.TRUNG

Công nhân bão dưỡng ô tô tại một đại lý bảo hành xe Ford trên địa bàn TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: T.TRUNG

Cụ thể, nghị định 30/2023/NĐ-CP bỏ quy định "Tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới" của nghị định 139/2018/NĐ-CP.

Đại lý chính hãng có hào hứng?

Theo lý giải của ban soạn thảo nghị định 30/2023/NĐ-CP, việc bỏ quy định trên nhằm có thể huy động được tối đa các nguồn lực của xã hội như cơ sở bảo hành, bảo dưỡng 3S, 4S của các nhà sản xuất ô tô... tham gia dịch vụ kiểm định xe.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Xí nghiệp Toyota Hoàn Kiếm (Hà Nội) - đại lý chính hãng của Toyota Việt Nam - cho rằng được tham gia dịch vụ kiểm định hay không vẫn phải chờ các quy định cụ thể hướng dẫn thực hiện nghị định. 

Hiện tại, đại lý chính hãng là đơn vị vừa bán hàng vừa bảo dưỡng, sửa chữa xe của hãng. Cho nên ngoài các quy định về điều kiện để các đại lý tham gia dịch vụ kiểm định cần có quy định minh định nhiệm vụ của đại lý khi thực hiện hai vai vừa sửa chữa vừa kiểm định.

Ngoài chi phí đầu tư thiết bị, nhân lực để kinh doanh dịch vụ kiểm định xe, vị này cho biết để làm trung tâm đăng kiểm cần mặt bằng rất lớn. 

Trong khi đó các đại lý của các hãng sản xuất xe con tại Hà Nội, TP.HCM thường ở trung tâm nội đô, mặt bằng chỉ đủ để trưng bày xe và sửa chữa, bảo dưỡng nên rất khó mở rộng quy mô như một trung tâm đăng kiểm để kinh doanh dịch vụ kiểm định xe.

Ngoài ra, đại diện một số đại lý ô tô tại Hà Nội cho biết để quyết định tham gia dịch vụ kiểm định xe hay không, các đại lý chính hãng cần rõ hơn hành lang pháp lý về tiêu chuẩn thiết bị, nhà xưởng, nhân lực phục vụ cho kinh doanh kiểm định xe cơ giới.

Một số người tỏ ra dè dặt vì đăng kiểm xe cơ giới đang gặp khủng hoảng khi cơ quan công an điều tra, khởi tố nhiều trung tâm đăng kiểm sai phạm. 

Nhưng khi các trung tâm đăng kiểm hoạt động ổn định trở lại như trước đây vẫn có thể đảm đương được nhu cầu kiểm định xe của xã hội. Bởi vì nhiều năm qua xuất hiện nhiều trung tâm đăng kiểm xã hội hóa làm số lượng trung tâm đăng kiểm tăng lên.

Cho phép đăng kiểm quân đội, công an kiểm định xe dân sự

Từ thực tế quá tải hệ thống đăng kiểm vừa qua do tình huống bất thường, nghị định 30/2023/NĐ-CP quy định trong trường hợp hệ thống các đơn vị đăng kiểm không đáp ứng được nhu cầu kiểm định của tổ chức và cá nhân thì cho phép huy động đơn vị đăng kiểm và nhân lực của lực lượng quân đội và công an tham gia hỗ trợ kiểm định xe cơ giới.

Nghị định 30/2023/NĐ-CP cho phép giảm đăng kiểm viên làm việc trên một dây chuyền kiểm định còn hai người so với ba người như trước đây. 

Đồng thời bỏ quy định giới hạn số lượng xe được cấp giấy chứng nhận kiểm định trong ngày (trong tám giờ làm việc) tại các trung tâm đăng kiểm. 

Việc này nhằm tạo điều kiện cho các trung tâm đăng kiểm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cải tiến quy trình kiểm định, nâng cao năng suất lao động...

Nghị định quy định rõ trung tâm đăng kiểm vi phạm đến mức nào thì bị tạm đình chỉ hoạt động trong thời gian 1 tháng hoặc 3 tháng thay vì quy định khung thời gian tạm đình chỉ từ 1 - 3 tháng như trước đây. 

Việc này là để ngăn ngừa sự tùy tiện trong việc xử lý vi phạm, có thể dẫn đến nhận định thiếu khách quan, tiềm ẩn nguy cơ sinh ra tiêu cực của cơ quan quản lý.

Nghị định 30/2023/NĐ-CP quy định cụ thể thu hồi chứng nhận đăng kiểm viên khi "bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án do vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới" thay vì "bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án" như quy định cũ.

Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm về tiêu cực, sai phạm đăng kiểm

Ngày 8-6, trả lời tranh luận của đại biểu Quốc hội về vấn đề sai phạm trong đăng kiểm tại kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng tiếp tục nhận định đây là sự cố "hết sức đau xót".

Theo ông Thắng, một trong các nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm ở trung tâm đăng kiểm là do bộ không phản ứng kịp thời khi các quy định pháp luật liên quan đăng kiểm thay đổi.

Cụ thể, khi bộ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định 139/2018/NĐ-CP liên quan hoạt động đăng kiểm, có nội dung quan trọng về quy hoạch mạng lưới đăng kiểm. Nhưng khi Luật Quy hoạch ra đời, các quy hoạch này không còn hiệu lực song bộ không thay đổi kịp thời các chính sách, dẫn đến các trung tâm đăng kiểm "nở rộ".

Trong hai năm, số trung tâm đăng kiểm đã lên đến 281, vượt cả quy hoạch đến năm 2030, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, tiêu cực.

Việc nhiều xe hết niên hạn vẫn đưa vào hoạt động, ông Thắng thừa nhận có "yếu tố tham nhũng, tham ô" và có trách nhiệm, đạo đức từ lãnh đạo cục, phòng, cấu kết với các trung tâm đăng kiểm, vô hiệu hóa kiểm tra, giám sát.

"Khi đã cấu kết thì không thể lấy đá ghè chân mình", ông Thắng nói và cho biết trong sửa đổi nghị định 139 đã khắc phục vấn đề này.

THÀNH CHUNG

Mở đường cho các hãng xe lập trung tâm đăng kiểmMở đường cho các hãng xe lập trung tâm đăng kiểm

Chính phủ đã ban hành nghị định số 30/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 139/2018/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Nghị định này cho phép đại lý chính hãng của các hãng xe được mở trung tâm đăng kiểm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp