26/08/2018 10:35 GMT+7

Hàng Việt vào siêu thị Thái

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Sau ba năm kết nối hàng Việt ở Thái Lan, từ năm nay phở ăn liền, trái cây sấy, cà phê, hạt điều Việt... đã bắt đầu vào các siêu thị, cửa hàng bán lẻ ở Thái Lan, dù vẫn còn khiêm tốn so với cơn lốc hàng Thái đang tràn vào Việt Nam.

Hàng Việt vào siêu thị Thái - Ảnh 1.

Quầy hàng của doanh nghiệp Việt tại sự kiện thu hút nhiều khách mua sắm...Ảnh: NHƯ BÌNH

Theo ông Đỗ Thắng Hải - thứ trưởng Bộ Công thương, việc các thương hiệu Việt đưa được hàng vào những hệ thống bán lẻ của các nhà phân phối lớn là hoạt động quan trọng của đề án "Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài, giai đoạn đến năm 2020".

Nông sản Việt lên máy bay, vào khách sạn Thái

Lần đầu tiên đưa hàng đến người tiêu dùng Thái Lan thông qua "Tuần hàng và du lịch Việt Nam tại Thái Lan 2018" ở Trung tâm thương mại Central World Plaza (Bangkok), các hộp hạt điều của Hải Bình Gia Lai bất ngờ thu hút khách tham quan. 30 phút trước giờ khai mạc chính thức hôm 21-8, 150kg hạt điều mang sang giới thiệu đã bán hết sạch.

Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm - giám đốc Công ty Hải Bình Gia Lai - cho biết sau cuộc gặp với đối tác mua hàng Thái, có thể từ đây đến cuối năm sẽ có những lô hàng xuất khẩu đầu tiên. "Ban đầu có thể phải xuất qua một đối tác trung gian vì số lượng chưa lớn, nhưng đây là bước đệm đầu tiên cho lô hàng lớn hơn" - ông Lâm nói, đồng thời cho biết ngay khi gửi sản phẩm mẫu, phía đối tác nhà thu mua phản ứng rất tích cực.

Sở dĩ hạt điều Việt Nam được ưa chuộng vì ở Thái Lan thường dùng hạt điều đã qua chế biến, tẩm ướp gia vị, còn hạt điều Việt Nam làm theo cách truyền thống là rang củi nên giữ được mùi vị ban đầu của hạt. "Thái rất mạnh các mặt hàng trái cây tươi, trái cây chế biến, nhưng ngành hạt lại không có nhiều đặc sản ngon như hàng Việt Nam" - ông Lâm cho biết.

Ông Ngô Võ Minh Hưng - trưởng phòng xuất khẩu Công ty Vifon - cũng cho biết khi mang sản phẩm đến văn phòng cho các nhà thu mua người Thái ăn thử, ai cũng bất ngờ vì chất lượng ăn liền như "nhà nấu". Hằng tháng, doanh nghiệp này xuất khẩu hơn 60 container phở đi khắp các nước trên thế giới, nhưng xuất chính ngạch qua Thái Lan thì đây là lần đầu tiên và sẽ ưu tiên cho đối tác Thái Lan bán online.

King Coffee của Trung Nguyên International đã có 3 container 40 feet hàng đầu tiên cập bến Thái Lan, xuất hiện trong hệ thống Central Group và chuỗi FamilyMart từ đầu tháng 8-2018. Ông Tsang Chun Keung Peter, phó chủ tịch phụ trách thị trường châu Á - Thái Bình Dương của công ty này, cho biết quá trình đưa hàng vào thị trường Thái khá dài, hơn 9 tháng để hoàn tất các thủ tục, dù đơn vị này đã xuất khẩu đi hàng chục nước trên thế giới.

Vinamit cũng đã đưa được container đầu tiên, sau khi năm ngoái chào hàng các nhà thu mua Thái. Bà Đặng Thị Diễm Thúy, phụ trách mảng kinh doanh nội địa của Công ty cổ phần Vinamit, cho biết container hàng chủ yếu là sản phẩm trái cây sấy tươi và công ty đang hướng đến phát triển thêm hàng organic. 

"Có nhà thu mua cũng đặt vấn đề doanh nghiệp đóng bao bì thành những gói nhỏ để tiêu thụ ở các khách sạn, đây sẽ là kênh tiêu thụ rất tiềm năng" - bà Thúy cho biết.

Tín hiệu tích cực

Theo ông Philippe Broianigo - tổng giám đốc Central Group Việt Nam, có 7 doanh nghiệp Việt Nam tham gia hai năm liên tiếp sự kiện tuần lễ hàng Việt tại Thái Lan và nhận được những tín hiệu tích cực từ phía người tiêu dùng Thái Lan.

Trong 60 doanh nghiệp Việt tiếp xúc các nhà thu mua Thái Lan năm nay, số lượng sản phẩm đạt chuẩn để vào thị trường đã nhiều hơn. "Nhưng đưa hàng Việt vào được thị trường Thái Lan là một quá trình lâu dài, cần sự kiên trì và khởi đầu như vậy là tín hiệu tốt" - ông Philippe Broianigo nói.

Hàng Việt vào siêu thị Thái - Ảnh 3.

...trong khi đó nhiều thương hiệu Việt đã có mặt tại siêu thị Thái Lan - Ảnh: N.BÌNH

Cần biết cách kể chuyện cho sản phẩm

Theo các bộ phận thu mua của Central Group, hầu hết mặt hàng tham gia tuần hàng năm nay có chất lượng tốt. Tuy nhiên, điểm yếu của hàng Việt là mẫu mã chưa đẹp, chưa đa dạng, phong phú. Mặt khác, sản lượng hàng còn quá nhỏ bé nên khả năng cung ứng các đơn hàng lớn là chưa khả thi. Do vậy, để khắc phục nhược điểm này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cần có đầu tư để đa dạng bao bì, mẫu mã.

Bà Jariya Chirathivat - đại diện Tập đoàn Central Group tại Việt Nam - chia sẻ hạt điều Việt Nam rất ngon, nổi tiếng và trên các hãng bay Thái Lan đã sử dụng hạt điều thu mua của Việt Nam phục vụ hành khách. 

Tương tự, quả bơ, bông atisô của Việt Nam có chất lượng vượt trội hàng Thái, nhiều lần tập đoàn phải nhập từ các nước khác mà không biết Đà Lạt cũng có những sản phẩm chất lượng. "Nông sản Việt Nam rất ngon nhưng chưa được quảng bá nhiều" - bà Jariya Chirathivat nói.

Theo ông Paul Lê - phó chủ tịch hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Tập đoàn Central Group, hàng Việt chất lượng rất tốt, rất ngon nhưng lại chưa biết cách kể chuyện. "Trong quá trình xúc tiến hàng Việt, chúng tôi luôn khuyến khích doanh nghiệp chuẩn bị những câu chuyện hay để kể cho người tiêu dùng, thuyết phục nhà thu mua. Hương vị nông sản Việt rất hợp với người Thái, bán rất chạy, nhưng nhà thu mua cần thông tin nhiều hơn thế" - ông Paul Lê nói.

Ông Ngô Võ Minh Hưng cho biết hàng Việt bị hạn chế về mặt bao bì, doanh nghiệp Việt muốn bán được nhiều hàng buộc phải đầu tư. "Sau khi đánh giá chất lượng sản phẩm, các nhà thu mua yêu cầu khá nhiều từ câu chuyện về sản phẩm, thông tin, brochure... Họ coi trọng lịch sử sản phẩm, vì sao đóng gói kiểu này mà không phải kiểu khác..." - ông Hưng nói.

Theo thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thời gian qua hàng Việt chủ yếu xuất khẩu qua đối tác trung gian hoặc dưới dạng thô, việc đưa được hàng vào các kênh siêu thị, nhà bán lẻ sẽ tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng. "Do đó, thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt trực tiếp qua kênh siêu thị ở nước ngoài là một trong những cách để doanh nghiệp Việt Nam tăng hiệu quả quảng bá và giá trị thương hiệu" - ông Hải nói.

Để người Thái ưa hàng Việt

Làm sao để người Thái ưa thích hàng Việt như người Việt đang ưa hàng Thái? Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan - chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, đây là câu chuyện mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải giải quyết về lâu dài.

"Đưa được hàng vào các hệ thống siêu thị cao cấp Thái Lan ngoài khía cạnh mở rộng thị trường còn phản ánh một sự thay đổi lớn về tư duy của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường nước ngoài, năng lực sản xuất và cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp" - bà Loan nói.

Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt đều cho rằng hàng hóa hai nước có nét tương đồng cao nhưng hàng Thái nhỉnh hơn về mẫu mã, bao bì nên hàng Việt khá chật vật khi vào nước này.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp Việt Nam có sự đầu tư, nghiên cứu kỹ thị hiếu vẫn có cơ hội. Chẳng hạn mặt hàng nước mắm, ít ai biết nước mắm Việt nguyên chất, chỉ có muối và cá, đây là điểm khác biệt với nước mắm Thái vốn pha chế nhiều thành phần. Mặt hàng nước mắm Việt Nam được các nhà thu mua Thái đánh giá cao và nhiều tiềm năng vào thị trường này.

Mỹ - Trung đại chiến thương mại, hàng Việt có hưởng lợi?

TTO - Mỹ và Trung Quốc lao vào "chiến tranh thương mại" sẽ mở ra cơ hội cho hàng Việt, nhưng cũng có thể hàng Trung Quốc bị dội chợ tràn sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp